Thành phố đa trung tâm: Cơ hội để Hà Nội "thay da đổi thịt"
Hà Nội hiện cũng đang có những bước phát triển theo hướng này và nếu tăng tốc đúng hướng, Thủ đô sẽ có bộ mặt hoàn toàn khác với "vòng tròn" khép kín, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, vừa lớn mạnh về kinh tế...
Khi căn bệnh trầm kha của thành phố "đơn trung tâm" kiểu cũ ngày một tồi tệ, mô hình "đa trung tâm" tại nhiều nước trên thế giới đã cho thấy là một lời giải bền vững. Hà Nội hiện cũng đang có những bước phát triển theo hướng này và nếu tăng tốc đúng hướng, Thủ đô sẽ có bộ mặt hoàn toàn khác với "vòng tròn" khép kín, vừa đảm bảo chất lượng cuộc sống, vừa lớn mạnh về kinh tế.
XU HƯỚNG "KHÔNG THỂ KHÁC" CỦA THẾ GIỚI
Trong hàng trăm năm, thành phố "đơn trung tâm" (Monocentric City) được coi là một trong những mô hình quy hoạch đô thị kinh điển. Đó là vòng tròn được hình thành một cách tự nhiên với tâm điểm là nơi tập trung các doanh nghiệp, được gọi là Quận kinh doanh trung tâm (Central Business District - CBD). Tất cả người lao động sẽ sinh sống trong các vòng tròn đồng tâm để di chuyển tới nơi làm việc.
Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình cũ bộc lộ những căn bệnh không thể sửa chữa, đó là khi tất cả tụ vào một mối, thành phố sẽ dần nhếch nhác với mật độ dân số quá cao, thiếu không gian công cộng, tình trạng tắc nghẽn, ô nhiễm môi trường ngày một nặng nề,...
Đó là vì sao, một trong các mô hình "tiến hóa" tiếp theo trong quy hoạch đô thị ra đời những năm 1920, mang tên "đa trung tâm". Hiểu đơn giản, thay vì một vòng tròn duy nhất, một thành phố sẽ bao gồm nhiều "vòng tròn nhỏ", chính là những trung tâm đô thị độc lập.
Một trong những thành phố nổi tiếng nhất đi theo xu hướng này là Paris. Ít người biết, kinh đô ánh sáng của những thập niên 1960 trái ngược hoàn toàn hiện tại, với một khung cảnh xám máu của ngập nước và ô nhiễm. Phải từ những năm 1965, chiến lược đột phá theo hướng đa trung tâm được thực thi mới đem lại sự đổi khác. Ban đầu là những trung tâm hành chính, trung tâm thương mại tại các khu vực ngoài trung tâm, rồi sau đó là nhiều công trình thiết yếu khác như trường học, bệnh viện, nhà thờ, khu vui chơi,... tạo thành những đô thị độc lập, ngay trong thành phố.
Bà Alice Thompso (Tập đoàn tư vấn kiến trúc KPMG, Hà Lan) nói về khái niệm Polycentric City - thành phố đa trung tâm với ví dụ theo bà không thể tốt hơn là Dubai. Nơi đây được xây dựng với nhiều quận trung tâm theo "văn hóa" riêng biệt như: Vịnh kinh doanh, Khu thương mại Emirates, Dubai Creek Harbour, Palm Jumeirah,... Những trung tâm sầm uất, với hạ tầng hoàn hảo này đã kéo vô số doanh nghiệp, doanh nhân giàu có đến đây làm ăn và sinh sống.
Một ví dụ khác được KTS Nguyễn Xuân Anh (Viện Kiến trúc Quy hoạch đô thị và nông thôn) đưa ra là bài học thành công từ Melbourne (Australia) với mô hình đa trung tâm được ví như "bạch tuộc". Ngoài khu vực đầu não, thành phố còn nhiều trung tâm nằm trong khu vực hay tiểu khu vực với đầy đủ tiện ích trong khoảng cách gần.
"Đây là xu hướng không thể khác nếu muốn phát triển một đô thị bền vững. Đa trung tâm giải quyết được áp lực cho vùng lõi, giúp tạo ra những vùng đất mới có cơ sở hạ tầng, quy hoạch tốt, có không gian và đầy đủ dịch vụ, đảm bảo chất lượng cuộc sống", vị chuyên gia nhận định.
SẼ CÓ CUỘC ĐẠI DỊCH CHUYỂN VỀ CÁC "QUẬN" MỚI
Nhìn về Việt Nam, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, cả Hà Nội và Tp.HCM đều đang lựa chọn mô hình đa cực - đa trung tâm để phát triển. Điều này có thể thấy nhìn từ quy hoạch phát triển Hà Nội với 5 thành phố vệ tinh tại Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Xuân Mai và Hòa Lạc. Tuy nhiên, nhìn lại 5 thành phố theo quy hoạch này, ông Đặng Hùng Võ thẳng thắn, những nơi này chưa đủ sức sống để trở thành một cực phát triển.
Nêu quan điểm, theo KTS Nguyễn Xuân Anh, một "cực" hay "trung tâm" đúng nghĩa phải hội tụ được ít nhất 3 điều kiện: Một là khu vực đầu mối giao thông với khả năng kết nối tốt. Hai là nơi có các công trình, mật độ dân số cao. Thứ ba là nơi tập trung nhiều hoạt động thương mại, dịch vụ.
Từ thực tế Hà Nội, ngoài 5 thành phố vệ tinh, theo ông, Hà Nội đang có những trung tâm mới hình thành trong khu vực vành đai, như khu vực Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Gia Lâm, Tây Hồ với các đại đô thị lớn (Ciputra, Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Smart City,...). Những nơi này theo mô hình thế giới có thể gọi là "khu trung tâm đô thị" hoặc "quận trung tâm". "Quận" ở đây không mang ý nghĩa hành chính mà chỉ những nơi có đầy đủ cở sở hạ tầng, dịch vụ tiện ích cho người dân trong ngay trong khu vực.
Theo KTS Xuân Anh, những "quận trung tâm" này sẽ là điểm đến của người dân. Bài học kinh nghiệm từ thế giới đã cho thấy điều ấy khi nhiều người dân châu Âu đã rời bỏ các khu vực trung tâm cũ, đến các cực phát triển mới để hưởng không gian, môi trường tốt và điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo. Luồng di cư thứ 2 theo ông sẽ xuất hiện với rất nhiều doanh nghiệp trẻ, muốn đến những vùng đất mới, năng động hơn để tạo thành "khối" phát triển mới.
Với điều kiện các tuyến giao thông huyết mạch lớn, những cây cầu nghìn tỉ đang được triển khai như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Vĩnh Tuy 2,... một cuộc đại dịch chuyển quy mô theo đánh giá sẽ diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, với những tuyến metro lớn đang được xây dựng, KTS Xuân Anh nhận định, Hà Nội đang nắm trong tay chiếc chìa khóa để đón cơ hội phát triển.
Ở góc độ chuyên gia quy hoạch, ông góp ý, các "quận" mới hiện đã có nhưng để đúng nghĩa là "trung tâm phát triển", ngoài sinh sống, dịch vụ, tiện ích, đây phải là những nơi hội tụ được các hoạt động kinh tế, tập trung nhiều doanh nghiệp.
Đồng tình, một chuyên gia trong ngành quản lí đô thị cho rằng đây là hướng đi tốt, đơn cử như tòa tháp văn phòng thông minh trong Vinhomes Ocean Park được xây dựng để thu hút cộng đồng doanh nghiệp đến làm việc. Để nhân rộng, quá trình này theo ông cần sự bắt tay của Nhà nước và doanh nghiệp để thực sự tạo nên những vùng lõi mạnh cho thành phố.
Từ những bước đi đúng hướng, với phần lõi có những đại đô thị tầm cỡ với hạ tầng đồng bộ, đầy đủ, Hà Nội được giới chuyên gia kì vọng sẽ dần thay da đổi thịt, giống như cách thành phố lớn trên thế giới đã chuyển mình.