10:11 08/04/2011

Thanh toán di động trực tuyến, nhìn từ M-Service

Minh Hạnh

Cạnh tranh cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng là một trong những xu hướng tất yếu của các mạng di động ở Việt Nam

Bắt đầu khai thác dịch vụ từ tháng 12 năm 2008, M-Service đã biến chiếc điện thoại di động thân thuộc thành công cụ thanh toán đa chức năng.
Bắt đầu khai thác dịch vụ từ tháng 12 năm 2008, M-Service đã biến chiếc điện thoại di động thân thuộc thành công cụ thanh toán đa chức năng.
Ngày nay, các mạng điện thoại di động đã phủ sóng tới tất cả các vùng miền của tổ quốc, kể cả các hải đảo xa xôi.

Và khi cả nước đã có 156,1 triệu thuê bao điện thoại, trong đó di động chiếm 90,32% với mật độ điện thoại các loại đạt 180,7 máy/100 dân, thì vấn đề phát triển hệ thống dịch vụ giá trị gia tăng của các mạng di động đang thực sự cuốn hút các công ty công nghệ cao.

Hiện nay cũng như trong tương lai, cạnh tranh cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng sẽ là một trong những xu hướng tất yếu của các mạng di động ở Việt Nam.

Một trong các loại hình dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng di động là dịch vụ thanh toán di động trực tuyến. Loại hình dịch vụ này có thể phát triển ở các quốc gia có hạ tầng thanh toán ngân hàng mới chỉ tập trung ở các đô thị, còn vùng sâu, vùng xa chưa thể tiếp cận được, trong khi điện thoại di động lại đã phủ sóng và có điểm cung cấp dịch vụ tại tất cả các ngõ ngách. Chính vì vậy, nhà mạng đã bắt tay với các ngân hàng để thực hiện dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động với sự trợ giúp của nhà cung cấp giải pháp di động.

Như vậy, dịch vụ này đã hình thành chính tại điểm giao nhau giữa hai ngành thông tin, truyền thông hiện đại và hoạt động ngân hàng truyền thống. Quan hệ đối tác chiến lược giữa ba nhà: nhà băng, nhà mạng di động và nhà cung cấp giải pháp dịch vụ thanh toán trực tuyến đã hình thành điểm hội tụ công nghệ. Chính sự hội tụ này đã tạo nên một ngành dịch vụ mới, đó là thanh toán di động trực tuyến.

Hiện nay ở nước ta đã có một số công ty triển khai dịch vụ này. Tuy nhiên, phần lớn đây là các ví điện tử trên nền Internet, chỉ thực hiện kết hợp với ngân hàng, không kết hợp với nhà mạng di động. Đi tiên phong và là duy nhất trong lĩnh vực ví điện tử trên nền điện thoại di động là Công ty Cổ phần Dịch vụ di động trực tuyến M-Service hiện đang triển khai thành công ví điện tử MoMo, sử dụng mạng Vinaphone kết nối với hai ngân hàng thương mại hàng đầu của Việt Nam là Vietinbank và Vietcombank.

Bắt đầu khai thác dịch vụ từ tháng 12 năm 2008, M-Service đã biến chiếc điện thoại di động thân thuộc thành công cụ thanh toán đa chức năng. Bạn chỉ cần có một SIM Vinaphone, một chiếc điện thoại loại bất kỳ, kết nối với tài khoản ngân hàng Vietcombank hoặc Vietinbank. Bạn sẽ có ngay một chiếc ví điện tử trên điện thoại để có thể chuyển tiền, trả tiền cước ADSL hay tiền điện, nạp tiền điện thoại hay tiền game online, mua hàng trên mạng và rất nhiều dịch vụ khác nữa ở bất kỳ nơi nào có sóng điện thoại và vào bất kỳ lúc nào.

Hiện nay M-Service đã xây dựng được mạng lưới 70.000 đại lý trong toàn quốc. Như vậy, người thuê bao điện thoại di động, khách hàng của các ngân hàng khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ được lợi như: không mất thời gian đi ra ngân hàng; chi phí thanh toán, chuyển tiền thấp; giảm rủi ro về mọi mặt; thuận tiện; nhanh; tăng khối lượng dịch vụ và hàng hóa…

Thanh toán di động trực tuyến sẽ góp phần thúc đẩy thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán của người dân. Ngay cả những người nghèo nhất, có thu nhập chỉ vài chục nghìn một ngày, cũng có thể cất giữ tiền của mình trên điện thoại di động bằng cách nạp tiền vào tài khoản của mình. Các khách hàng sử dụng dịch vụ của M-Service đều thấy rõ tính đơn giản, tiện lợi và hiệu quả của dịch vụ thanh toán di động trực tuyến.

Mô hình kinh doanh như của M-Service đã phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ví dụ, đối với tập đoàn thông tin di động Zain Africa, hoạt động ở 15 quốc gia châu Phi, khi mở thị trường thanh toán di động trực tuyến ở Tanzania, vốn là một thị trường lớn của hãng Coca-Cola, đã chào hàng dịch vụ thanh toán trực tuyến cho những người lái xe phân phối Coca-Cola tới các vùng xa xôi hẻo lánh trên những chiếc xa tải lớn màu đỏ và thu lại tiền mặt từ các đại lý.

Coca-Cola nhanh chóng nhận ra vấn đề không bảo đảm an ninh cho việc thanh toán số tiền mặt lớn này và đã yêu cầu sử dụng dịch vụ thanh toán di động trực tuyến giữa đại lý và người giao hàng xe tải. Zain đã khởi đầu bằng cách giải quyết thành công một yêu cầu của thực tiễn rồi từ đó nhân rộng mô hình ở Tanzania. Cái nhạy bén ở đây chính là Zain đã hiểu được Coca-Cola muốn những người lái xe giao hàng của mình được an toàn để mở đường cho việc tìm ra giải pháp.

Còn theo quỹ người nghèo Grameen, thì những người có thu nhập trung bình và thấp, mà họ là đa số trong xã hội, cũng rất quan tâm đến việc quản lý tiền bạc của mình và sử dụng sao cho tiết kiệm nhất. Họ chính là đối tượng mà dịch vụ thanh toán di động trực tuyến hướng tới.

Thực tế hoạt động của M-Service cho thấy, thanh toán di động trực tuyến có khả năng kết nối vô tận khi cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, hạ tầng viễn thông và công nghệ ngân hàng được thiết lập và các dịch vụ cơ bản được triển khai. Đến khi đó, khách hàng sẽ làm cho bạn ngạc nhiên không chỉ vì sản lượng mà còn là nhu cầu đối với các loại hình dịch vụ thanh toán di động trực tuyến.

Có hai yếu tố cơ bản tạo nên sự thành công của thanh toán di động trực tuyến. Đó là hạ tầng công nghệ thông tin - viễn thông, công nghệ ngân hàng và khuôn khổ pháp lý cho loại hình dịch vụ này. Sự khập khễnh giữa khả năng của công nghệ và các quy định của pháp luật về thanh toán di động trực tuyến sẽ tạo ra sự xung đột trong thực tế. Ở nước ta hiện nay, các yếu tố công nghệ đã hội tụ đủ, còn lại vấn đề là hoàn thiện môi trường pháp lý tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự hội tụ của công nghệ viễn thông và ngân hàng Việt Nam và ban hành các chính sách đặc biệt cho loại hình dịch vụ này phát triển theo đúng chiến lược phát triển ngành ngân hàng và dịch vụ tài chính, cũng như công nghệ thông tin và viễn thông trong giai đoạn tới.

Việc xây dựng đồng bộ cơ sở pháp lý cho dịch vụ thanh toán di động trực tuyến và tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật, thể chế và các chính sách phát triển dịch vụ thanh toán di động trực tuyến sẽ góp phần tích cực vào việc củng cố, hoàn thiện hệ thống ngân hàng, bảo đảm sự an toàn của hoạt động ngân hàng và các tổ chức tài chính, bảo đảm sự an toàn và hiệu quả của hệ thống thanh toán quốc gia, thúc đẩy phát triển công nghệ thông tin, viễn thông, công nghệ ngân hàng, phục vụ cho đông đảo khách hàng, nhất là khách hàng ở vùng sâu, vùng xa của tổ quốc.