Thao túng giá cổ phiếu, giao dịch nội gián - luật Mỹ “xử” thế nào?
Luật của Mỹ quy định hình phạt nghiêm khắc đối với tội phạm chứng khoán. Những cá nhân, tổ chức thao túng giá cổ phiếu hay giao dịch nội gián khi bị phát hiện đều bị xử lý bằng các biện pháp như phạt tiền cực nặng, đóng băng tài sản, và cả ngồi tù...
Dưới đây là một số vụ án chứng khoán nổi tiếng ở Mỹ trong lịch sử và những năm gần đây:
VỤ ALBERT H. WIGGIN
Sau vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán Mỹ vào năm 1929, vụ Albert H. Wiggin bán khống (short) hơn 40.000 cổ phiếu mới bị phát giác. Wiggin là Chủ tịch của Chase National Bank và đã bán khống cổ phiếu của ngân hàng này.
Sử dụng những công ty thuộc gia đình mình để che đậy các giao dịch, Wiggin xây dựng một trạng thái cổ phiếu giúp ông ta trục lợi khi chính Chase National Bank suy sụp.
Ở thời điểm đó, Mỹ chưa có quy định cụ thể nào để chống lại việc một cá nhân bán khống cổ phiếu công ty mà người đó sở hữu. Bởi vậy, sau vụ sụp đổ của Phố Wall năm 1929 – khi nhiều nhà đầu tư đồng loạt bán tháo cổ phiếu Chase National Bank – Wiggin lãi hơn 4 triệu USD một cách hợp pháp.
Ngoài lợi nhuận có được nhờ bán khống cổ phiếu Chase National Bank, Wiggin còn nhận được khoản lương hưu trọn đời 100.000 USD mỗi năm từ chính ngân hàng này. Về sau, ông ta dừng nhận khoản lương hưu này vì sự phản đối dữ dội của công chúng và giới truyền thông.
Cần phải nói thêm rằng Wiggin không phải là kẻ duy nhất trục lợi từ thị trường trong giai đoạn đó. Và vào năm 1934, Đạo luật Chứng khoán và sàn giao dịch của Mỹ đã được thông qua như một câu trả lời đối với những hành vi trục lợi được phanh phui sau đợt sụp đổ đó của thị trường. Đạo luật ra đời nhằm mục đích tăng cường minh bạch trên thị trường tài chính và giảm thiểu những vụ gian lận, thao túng cổ phiếu.
Nhiều nguồn tin nói rằng các nhà soạn thảo đạo luật này đã gọi Khoản 16 của đạo luật - phần đưa ra quy định về ngăn chặn và xử lý các vụ giao dịch nội gián – là “điều khoản chống Wiggin”.
VỤ IVAN BOESKY
Ivan Boesky là một nhà giao dịch chứng khoán người Mỹ, được biết đến với vai trò trong một vụ bê bối giao dịch nội gián hồi thập niên 1980. Vụ bê bối này có sự tham gia của nhiều nhân viên làm việc trong các ngân hàng đầu tư lớn của Mỹ - những người tiết lộ cho Boesky thông tin về những vụ thâu tóm doanh nghiệp sắp sửa diễn ra.
Boesky có một công ty môi giới chứng khoán riêng, có tên Ivan F. Boesky & Company. Từ năm 1975, khi mở công ty này, ông ta đã kiếm bộn tiền nhờ đầu cơ cổ phiếu trong các vụ thâu tóm doanh nghiệp. Năm 1987, một nhóm đối tác của Boesky kiện ông này vì làm sai lệch các thoả thuận pháp lý liên quan đến quan hệ kinh doanh, từ đó Uỷ ban Chứng khoán và sàn giao dịch (SEC) bắt đầu điều tra Boesky. Sau đó, mọi chuyện vỡ lở ra rằng Boesky đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên thông tin nhận được từ các nguồn nội gián.
Hoá ra, Boesky đã trả tiền cho nhân viên tại ngân hàng đầu tư Drexel Burnham Lambert để có thông tin về các vụ mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) và dựa trên những thông tin đó để ra quyết định mua bán cổ phiếu. Nhờ vậy, ông ta đã kiếm lời từ gần như tất cả các vụ M&A lớn của thập niên 1980, gồm các vụ Getty Oil, Nabisco, Gulf Oil, Chevron và Texaco.
Boesky cuối cùng chấp nhận hợp tác với SEC và trở thành một người cung cấp thông tin để SEC tiến hành một vụ kiện nhằm vào nhà tài chính Michael Milken. Năm 1986, Boesky bị kết tội giao dịch nội gián, lĩnh án tù 3 năm rưỡi và nộp phạt 100 triệu USD. Ông ta ngồi tù 2 năm rồi được trả tự do, nhưng bị SEC cấm vĩnh viễn làm việc trong lĩnh vực chứng khoán.
VỤ FOSTER WINANS
Foster Winans là một nhà bình luận của tờ Wall Street Journal hồi đầu thập niên 1980, chuyên viết cho mục “Heard on the Street”. Trong mỗi bài viết của mình, Winans đánh giá về một cổ phiếu, và diễn biến giá của những cổ phiếu được nói đến chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi ý kiến mà nhà báo này đưa ra. Winans đã thoả thuận tiết lộ thông tin về các bài viết của ông - cụ thể là về cổ phiếu mà ông sắp đánh giá – cho một nhóm môi giới chứng khoán. Nhóm này sẽ thiết lập trạng thái đối với cổ phiếu đó trước khi bài viết được xuất bản. Sau khi kiếm được lợi nhuận, những người này sẽ “lại quả” cho Winans vì những thông tin ông đã cung cấp.
Winans cuối cùng bị SEC phát hiện, nhưng vụ này rất nan giải vì các bài viết đều là ý kiến cá nhân của Winans thay vì là thông tin nội gián. Nhưng rồi SEC vẫn buộc tội Winans dựa trên tuyên bố rằng thông tin về những cổ phiếu được bình luận là thông tin thuộc về Wall Street Journal chứ không phải thuộc về cá nhân Winans. Toà án Tối cao Mỹ kết tội Winans vi phạm luật thư tín liên bang và gian lận điện tín. Ông lĩnh án tù 9 tháng.
VỤ JORDAN BELFORT – “SÓI GIÀ PHỐ WALL”
Bộ phim “The Wolf of Wall Street” (Sói già Phố Wall) của đạo diễn Martin Scorsese công chiếu vào năm 2013 được dựa trên hồi ký của Jordan Belfort, người đã dùng các thủ đoạn thao túng thị trường tài chính Mỹ những năm 1990.
Công ty Stratton Oakmont của Belfort lúc đầu chỉ có 13 nhân viên, nhưng phát triển với tốc độ chóng mặt nhờ đủ mọi mánh khoé của nhà sáng lập. Nhiều cổ phiếu nhỏ (penny) qua sự bơm thổi của Belfort đã được bán với mức giá ngất ngưởng. Ở thời kỳ hoàng kim, Belfort bỏ túi hàng triệu USD lợi nhuận mỗi tuần, có lúc kiếm hơn 12 triệu USD chỉ trong 3 phút giao dịch. Khi đó, Oakmont có 1.000 nhân viên môi giới cổ phiếu, quản lý số tài sản lên tới hơn 1 tỷ USD.
Năm 1992, SEC bắt đầu để ý đến Oakmont, tiến hành điều tra các hoạt động mờ ám của công ty này, và cuối cùng cơ quan này cáo buộc Oakmont lừa dối nhà đầu tư và thao túng giá cổ phiếu. Năm 1996, Oakmont dừng hoạt động. Năm 1999, Belfort và cộng sự thân tín là Danny Porush bị truy tố về các tội danh gian lận chứng khoán và rửa tiền.
Belfort nhận tội và lĩnh án 4 năm tù giam. Nhờ hợp tác với cơ quan điều tra, ông được rút ngắn thời gian tù còn 22 tháng, nhưng phải nộp phạt 110 triệu USD. Sau khi ra tù, ông làm lại cuộc đời bằng cách xuất bản hai cuốn tự truyện, trong đó có cuốn “The Wolf of Wall Street”. Hiện nay, ở tuổi 60, Belfort đã trở thành một diễn giả nổi tiếng, sở hữu một công ty chuyên cung cấp các dịch vụ diễn thuyết về bán hàng, doanh nghiệp, nhân sự… Mới đây nhất, ông bán những khoá học riêng tư về tiền ảo với hàng chục nghìn USD mỗi học viên.
VỤ MARTHA STEWARD VÀ IMCLONE
Vào tháng 12/2001, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) tuyên bố sẽ không phê chuẩn thuốc điều trị ung thư mới có tên Erbitux của công ty dược phẩm có tên ImClone. Trước đó, cả thị trường và ImClone đều kỳ vọng Erbitux được FDA phê chuẩn, nên thuốc này đóng góp một phần lớn trong kế hoạch tăng trưởng tương lai của công ty. Khi tuyên bố của FDA được đưa ra, cổ phiếu ImClone lao dốc chóng mặt, khiến nhiều nhà đầu tư gần như trắng tay. Trái lại, người thân và bạn bè của CEO Erbitux, ông Samuel Waksal, lại không thiệt hại gì.
Sau đó SEC phát hiện ra rằng trước khi FDA tuyên bố Erbitux không được phê duyệt, một số nhà điều hành của ImClone đã bán cổ phiếu theo chỉ dẫn của Waksal - người cũng tìm cách bán vội số cổ phiếu trong tay.
Chỉ vài ngày trước khi tuyên bố của FDA được đưa ra, doanh nhân bán lẻ người Mỹ Martha Stewart đã bán khoảng 4.000 cổ phiếu ImClone. Khi đó, giá cổ phiếu này vẫn ở mức cao và Stewart thu về được gần 250.000 USD. Cuối cùng, cổ phiếu ImClone rớt giá gần 60 USD/cổ phiếu, về mức hơn 10 USD/cổ phiếu vài tháng sau đó.
Stewart nói rằng bà đã đặt lệnh bán từ trước với bên môi giới, nhưng thực ra nhà môi giới Peter Bacanovic đã “phím” cho bà rằng cổ phiếu ImClone có thể sắp giảm mạnh. Cuối cùng, Stewart phải từ chức CEO của công ty Martha Stewart Living Omnimedia. Waksal bị bắt và kết án tù hơn 7 năm, đồng thời phải nộp phạt 4,3 triệu USD vào năm 2003. Năm 2004, Stewart và nhà môi giới chứng khoán của bà bị kết tội giao dịch nội gián. Bà bị kết án 5 tháng tù giam và nộp phạt 30.000 USD.
VỤ CÁC NHÀ GIAO DỊCH TRUNG QUỐC THAO TÚNG CHỨNG KHOÁN MỸ
Năm 2019, SEC đã “ra tay” với 18 nhà giao dịch, chủ yếu ở Trung Quốc, bằng loạt động thái gồm đóng băng tài sản và buộc tội hình sự. Các nhà giao dịch này bị cho là thực hiện một chương trình kéo dài ít nhất 6 năm thao túng hơn 3.000 cổ phiếu niêm yết ở Mỹ và thu lợi bất chính 31 triệu USD.
Theo tuyên bố của SEC, các nhà giao dịch trong vụ này sử dụng nhiều tài khoản khác nhau để đặt các lệnh bán nhỏ nhằm kéo tụt giá một cổ phiếu nào đó, rồi lại dùng một loạt tài khoản khác để đăt lệnh mua lớn khi giá cổ phiếu đó đã xuống thấp giả tạo. Sau khi đã tích luỹ được trạng thái cần thiết, các nhà giao dịch đảo ngược kịch bản, đặt nhiều lệnh mua nhỏ để đẩy giá lên, rồi bán cổ phiếu mà họ đã mua từ trước với mức giá cao giả tạo. Đây là hành vi thao túng thường được giới đầu tư chứng khoán Việt Nam gọi dân dã là “mua tay trái, bán tay phải”.
Văn phòng Chưởng lý Mỹ quận Massachusetts đã đưa ra cáo buộc hình sự với 2 trong số các nhà giao dịch trên là 2 công dân Trung Quốc có tên Xiaosong Wang và Jiali Wang. Theo luật Mỹ, hình phạt tối đa trong trường hợp này là 5 năm tù giam và tiền phạt lớn gấp đôi số lợi nhuận bất chính. Tuy nhiên, giữa Mỹ và Trung Quốc không có thoả thuận dẫn độ tội phạm, nên rất khó để SEC và các cơ quan thực thi pháp luật khác của Mỹ có thể đưa các nhà giao dịch này ra trước toà án Mỹ.
NGÂN HÀNG JPMORGAN CHASE BỊ PHẠT GẦN 1 TỶ USD VÌ THAO TÚNG THỊ TRƯỜNG
Năm 2020, ngân hàng lớn nhất Mỹ về giá trị tài sản JPMorgan Chase thừa nhận sai phạm và nhất trí nộp phạt kỷ lục hơn 920 triệu USD để khép lại những cáo buộc của nhà chức trách về hành vi thao túng thị trường tại 2 trong số các bàn giao dịch của nhà băng này.
Theo cáo trạng của toà án, trong vòng 8 năm, 15 nhà giao dịch của JPMorgan Chase đã gây thua lỗ hơn 300 triệu USD cho các nhà đầu tư kim loại quý và trái phiếu kho bạc Mỹ. Trong đó, các hợp đồng trái phiếu kho bạc Mỹ bị thao túng giá đã gây thiệt hại 106 triệu USD cho nhà đầu tư. 5 nhà giao dịch JPMorgan Chase đã tiến hành hàng nghìn giao dịch gian lận trước khi bị phát giác. Hoạt động thao túng giá vàng và giá bạc giao sau tại nhà băng này diễn ra từ năm 2008-2016, gây thiệt hại 106 triệu USD.
Uỷ ban Giao dịch hàng hoá tương lai Mỹ (CFTC) nói rằng JPMorgan Chase đã thao túng giá trái phiếu và kim loại quý bằng cách đặt lệnh mua hoặc bán giả để “thổi” hoặc “dìm” giá tài sản - hiện tượng “bán tay trái, mua tay phải”. Trong những năm gần đây, cơ quan chức năng Mỹ đặc biệt quan tâm đến chiêu trò thao túng thị trường này và sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu tinh vi để phát hiện những sai phạm mà trước đây họ thường không nhận diện được.
VỤ VỠ QUỸ PHÒNG HỘ ARCHEGOS CỦA BILL HWANG
Và trong vụ mới nhất, Bill Hwang – nhà sáng lập của quỹ phòng hộ đã sụp đổ Archegos Capital Management - bị nhà chức trách Mỹ bắt giam ngày 27/4/2022 vì các cáo buộc trục lợi bất chính, gian lận và thao túng thị trường.
Theo cáo trạng, Hwang, 58 tuổi, và cựu Giám đốc tài chính (CFO) Patrick Halligan, 45 tuổi, đa sử dụng Archegos như một “công cụ thao túng thị trường và gian lận”, gây ra “hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân và tổ chức trên thị trường chứng khoán Mỹ”.
Đây là những cáo buộc hình sự đầu tiên đối với Hwang kể từ khi Archegos “sập tiệm” cách đây 1 năm.
Archegos vốn hoạt động dưới dạng một văn phòng quản lý tài sản gia đình ít tên tuổi, nhưng vẫn thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn rót vốn. Số vốn mà Archegos quản lý đã tăng từ 1,5 tỷ USD vào tháng 3/2020 lên 35 tỷ USD chỉ một năm sau đó, và trạng thái đầu tư của công ty này phình lên tới 160 tỷ USD. Vụ sụp đổ của Archegos đã gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các ngân hàng đầu tư như Credit Suisse, UBS, Nomura và Morgan Stanley.
Nguyên nhân khiến Archegos phá sản là lệnh giải chấp khiến công ty phải bán tháo cổ phiếu. Trong kỷ nguyên tiền rẻ, Archegos đã vay nợ rất nhiều để mua cổ phiếu của những công ty niêm yết ở Mỹ như hãng truyền thông ViacomCBS (hiện là Paramount) hay hai công ty bán lẻ trực tuyến Shopify và Farrfetch. Bằng cách sử dụng các công cụ phái sinh, Archegos không để lại trước công chúng dấu vết nào về hoạt động đầu tư của mình.
“Vụ việc này có quy mô lịch sử. Những lời nói dối đẩy giá cổ phiếu lên, và giá cổ phiếu càng tăng thì càng có thêm những lời nói dối. Vòng xoáy như vậy cứ thế diễn ra. Nhưng năm ngoái, nhạc đã dừng, bong bóng đã vỡ, giá cổ phiếu đã lao dốc. Hàng tỷ USD đã bốc hơi chỉ sau một đêm”, Chưởng lý Mỹ Damian Williams của quận New York phát biểu.
Cơ quan công tố cho rằng Hwang và Halligan vận hành hai kế hoạch lừa đảo có liên quan đến nhau. Họ cho rằng Archegos che đậy giao dịch và các trạng thái đầu tư để các đối tác và nhà giao dịch khác trên thị trường tin rằng “giá của những cổ phiếu đó là sản phẩm của lực lượng cung-cầu tự nhiên, trong khi thực tế đó là sản phẩm giả tạo của giao dịch thao túng mà Hwang tạo ra”.
Cáo trạng cũng cho rằng các bị báo đã cung cấp thông tin sai lệch về kế hoạch đầu tư và danh mục tài sản của Archegos nhằm mục đích thu hút hàng tỷ USD vốn vay từ các ngân hàng để chống đỡ cho các giao dịch bất chính.