Thế giới đón đầu thị trường chăm sóc người cao tuổi
Theo thông tin từ Liên hợp quốc, đến năm 2050, cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người trên 65 tuổi, tương đương khoảng 1,5 tỷ người. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, dân số nước ta sẽ trở nên siêu già vào năm 2050...
Theo dự báo mới đây của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2038, nhóm dân số từ 60 tuổi trở lên tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 20% tổng dân số. Với tốc độ già hóa như hiện nay, Việt Nam sẽ nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất trên thế giới. Thực tế này đã và đang đặt ra những thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi và hệ thống y tế hiện tại.
NỀN KINH TẾ CHĂM SÓC ĐẦY TIỀM NĂNG
Thực tế, tình trạng già hóa dân số đang xảy ra ở khắp nơi. Hoa Kỳ có hơn 53 triệu người trên 65 tuổi và sẽ có 53 thành phố siêu già vào năm 2035. Tại Mỹ năm 1990, cứ 1 người già, có 11 người chăm sóc tiềm năng nhưng vào năm 2050, tỷ lệ đó sẽ giảm, chỉ còn một người già cần 4 người chăm sóc, nhờ vào phương tiện công nghệ và cơ sở y tế hiện đại hơn. Thậm chí, Mỹ còn xây dựng cộng đồng sinh hoạt đa thế hệ dành cho nhóm hưu trí, với các tiện ích, lớp học, bệnh viện cho người già và phòng dưỡng lão trong khuôn viên các trường đại học, như làng Lasell Village tại Massachusetts.
Tại châu Á, Nhật Bản là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Năm 2000, đất nước này dừng việc để người già phụ thuộc vào sự hỗ trợ của gia đình, thay vào đó là áp dụng gói bảo hiểm chăm sóc dài hạn bắt buộc. Còn tại Trung Quốc, ông Ding Hui, Giám đốc điều hành tại Trung Quốc của Công ty bất động sản Lendlease (Australia), nhận định: “Đối với những người sẽ nghỉ hưu trong vòng 5 - 10 năm tới, khả năng tài chính của họ sẽ tốt hơn, quan niệm cũng mới mẻ hơn, thị trường nơi ở cho người cao tuổi sẽ ngày càng tăng trưởng”.
Bên cạnh mô hình viện dưỡng lão, nền kinh tế chăm sóc cũng là lời giải cho những lo lắng về một tương lai dân số già, còn nền sản xuất thì đã phát triển theo hướng tự động hóa. Vikram Kapur, giám đốc và người đứng đầu APAC Healthcare & Life Sciences làm việc tại Singapore của công ty tư vấn Bain & Co., nhận định: “Lĩnh vực chăm sóc sức khỏe người cao tuổi hiện nay đang có tầm ảnh hưởng rất lớn trên thế giới, mang lại giá trị tỷ USD và giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu người”.
Tại đất nước có dân số già nhất châu Âu, Italy đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về người chăm sóc, vì thế phải tìm kiếm sự trợ giúp từ robot. Olimpia Pino, Giáo sư tâm lý học tại Đại học Parma, nhận định những bước nhảy vọt về trí tuệ nhân tạo sẽ khiến robot phản ứng nhanh hơn, giúp người già tự chăm sóc được lâu hơn và giảm bớt gánh nặng cho những người chăm sóc. “Chúng ta phải tìm kiếm tất cả các giải pháp khả thi, trong trường hợp này là công nghệ”, giáo sư Pino chia sẻ.
Trong khi đó, Homage, công ty có trụ sở tại Singapore đang phát triển nền tảng cung cấp đội ngũ bác sĩ, y tá và điều dưỡng viên đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngày càng tăng tại khu vực này. Công ty đã lọt vào danh sách “Forbes Asia 100 To Watch 2022”, cũng mở rộng hoạt động kinh doanh sang các dịch vụ gồm khám bệnh từ xa, phân phối thuốc và cung cấp sản phẩm y tế. Hiện, ứng dụng của Homage có 15.000 lượt tải về trên Google Play và công ty đề ra mục tiêu đạt hàng triệu giờ sử dụng dịch vụ từ khách hàng.
Tại Nhật Bản, nhiều doanh nghiệp cũng đã nắm bắt cơ hội đẩy nhanh kế hoạch ứng dụng công nghệ AI vào việc chăm sóc người cao tuổi. Công ty Trinity, một doanh nghiệp chuyên sản xuất và bán các loại camera an ninh đã phát triển các sản phẩm hỗ trợ phát hiện những người già bị chứng mất trí nhớ dẫn đến đi lạc. Theo đó, các camera có sử dụng AI tích hợp dữ liệu thông tin cá nhân của từng người cao tuổi được lắp đặt xung quanh các viện dưỡng lão. Còn công ty Fujitsu thì đang phát triển sản phẩm ứng dụng công nghệ AI vào phân tích cử động và cảnh báo té ngã đối với người cao tuổi.
Theo ông Nobuyuki, Trưởng Ban theo dõi các vấn đề người cao tuổi thuộc Viện Nghiên cứu tổng hợp Nhật Bản, ngày càng nhiều doanh nghiệp trên thế giới coi trọng việc đầu tư vào thị trường chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Đây cũng là nhóm người có sức chi tiêu cao nhờ có tiền tiết kiệm và hưu trí, trong khi không có nhiều khoản chi như nhóm người trẻ. Do đó, ngay cả thị trường thực phẩm và đồ uống bổ dưỡng, cũng như những sản phẩm tăng cường tính tiện dụng, như cơm ăn liền, đều có tiềm năng lớn...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 27-2023 phát hành ngày 03-07-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây.
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam