15:34 13/06/2017

Moody’s hạ điểm tín nhiệm Sacombank

Diệp Vũ

Moody’s nói rằng động thái này chủ yếu xuất phát từ việc vị thế khả năng thanh toán của Sacombank đã suy yếu

Theo số liệu mà Moody’s đưa ra, tổng lượng tài sản xấu của Sacombank vào thời điểm cuối năm 2016 vào khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tương đương 27% tổng tài sản. <br>
Theo số liệu mà Moody’s đưa ra, tổng lượng tài sản xấu của Sacombank vào thời điểm cuối năm 2016 vào khoảng 90 nghìn tỷ đồng, tương đương 27% tổng tài sản. <br>
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Services ngày 13/6 tuyên bố cắt giảm điểm tín nhiệm của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) về mức Caa1, đồng thời giữ nguyên triển vọng tín nhiệm của ngân hàng này ở mức "tiêu cực".

Moody’s cho biết điểm tín nhiệm tiền gửi dài hạn và nhà phát hành nợ của Sacombank bị cắt giảm một bậc từ mức B3 về Caa1. Triển vọng tiêu cực đồng nghĩa với việc Sacombank có thể tiếp tục bị hạ điểm tín nhiệm trong thời gian tới.

Cùng với đó, đánh giá tín nhiệm cơ sở (BCA) của Sacombank bị Moody’s giảm về caa2 từ caa1, đánh giá rủi ro bên đối tác dài hạn giảm về B3 từ B2.

Lý giải về việc hạ điểm tín nhiệm của Sacombank, Moody’s nói rằng động thái này chủ yếu xuất phát từ việc vị thế khả năng thanh toán của Sacombank đã suy yếu, phản ánh qua trong lượng tài sản có vấn đề ở mức cao của ngân hàng này. Moody’s cũng cho biết việc hạ BCA của Sacombank phản ánh rủi ro lớn hơn trong trạng thái tài chính độc lập của Sacombank.

Theo số liệu mà Moody’s đưa ra, tổng lượng tài sản xấu của Sacombank vào thời điểm cuối năm 2016 ở mức cao.

Moody’s cho rằng Sacombank không có nhiều tài sản đệm để phòng ngừa vấn đề phát sinh từ khối tài sản xấu này. Vốn đệm của Sacombank bao gồm dự phòng tín dụng 4,1 nghìn tỷ đồng và vốn cấp 1 ở mức 19,6 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2016. Theo quan điểm của Moody’s, Sacombank sẽ phải mất nhiều năm để giải quyết dần dần khối tài sản xấu.

Trong chương trình tái cơ cấu, Sacombank dự định tích cực thu hồi và bán tài sản thế chấp đối với khối tài sản xấu. Sacombank nói rằng giá trị của số tài sản thế chấp này, chủ yếu là địa ốc, và ngân hàng đặt kỳ vọng cao vào việc hồi vốn đối với số tài sản này trong những năm tới.

Mặc dù vậy, Moody’s cho rằng thành công trong việc hồi vốn của Sacombank là điều khó khẳng định, bởi việc thu hồi tài sản thế chấp có thể là một quá trình kéo dài ở Việt Nam, trong khi việc bán tài sản thế chấp lại phụ thuộc nhiều vào diễn biến của thị trường bất động sản.

Moody’s dự báo lợi nhuận của Sacombank sẽ tiếp tục ở mức thấp trong những năm tới, bởi một phần lớn lợi nhuận sẽ được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong năm 2016, kết quả kinh doanh của Sacombank ở mức gần hòa vốn.

Báo cáo của Moody’s nói tình hình thanh khoản và nguồn vốn của Sacombank khá ổn định trong năm 2016 và đầu năm 2017, nhưng ở mức mong manh, sau khi xấu đi trong năm 2015 vì vụ sáp nhập với Ngân hàng Phương Nam.

Moody’s cho biết, triển vọng tín nhiệm tiêu cực của Sacombank phản ánh những rủi ro đối với định hạng tín nhiệm của ngân hàng này. Theo quan điểm của Moody’s, Sacombank đối mặt với những rủi ro về khả năng thanh toán và thanh khoản.

Điểm tín nhiệm của Sacombank có thể bị cắt giảm nếu ngân hàng này chỉ có bước tiến chậm chạp trong việc giải quyết tài sản xấu thông qua bán tài sản thế chấp trong 12-18 tháng tới, hoặc hồ sơ thanh khoản tiếp tục xấu đi - theo Moody’s.

Ngược lại, Sacombank có thể được nâng điểm tín nhiệm nếu cải thiện được đáng kể trạng thái khả năng thanh toán, thông qua thành công trong thu hồi và bán tài sản thế chấp. Ngoài ra, những cải thiện trong hồ sơ thanh khoản cũng sẽ có ý nghĩa tích cực đối với đánh giá tín nhiệm của ngân hàng này.