17:02 21/03/2023

Thị trường bán lại được dự báo sẽ phát triển mạnh trong năm 2023

Tuệ Mỹ

Nhiều người thường nghĩ động lực chính để người tiêu dùng mua hàng resale thường liên quan đến lợi ích về môi trường. Tuy nhiên các thống kê cho thấy, khách hàng quan tâm đến nhiều thứ hơn thế nữa...

Ảnh: CNCB
Ảnh: CNCB

Cụ thể, vấn đề môi trường chỉ xếp thứ 3 (12% khách hàng đề cập đến), xếp dưới các lợi ích như tiết kiệm tiền (22%) và tìm được các món hàng “độc đáo” (15%), theo báo cáo mới đây của Recurate, một công ty khởi nghiệp sáng tạo chuyên hỗ trợ các thương hiệu khởi động những chiến dịch bán đồ cũ. Còn nghiên cứu của Morning Consult chỉ ra rằng chỉ có 26% người tiêu dùng mua hàng đã qua sử dụng vì các lý do phát triển bền vững, kém xa so với 68% khách mua vì tiết kiệm tiền.

Theo CNBC, ngoài mục tiêu bền vững và khả năng chi trả dễ dàng, thành công của các nền tảng bán lại còn dựa trên “lời hứa gia tăng hạnh phúc khi phát hiện những món hàng hay ho”. Nói cách khác, việc tìm được một món đồ hiếm có hay ưng ý trên các nền tảng này đã khiến thời trang bán lại trở thành trò chơi gây nghiện, theo The RealReal.

Nền tảng này ghi nhận số lượng hàng hóa được mua và bán lại trên nền tảng của họ đã tăng gấp 2 lần kể từ đầu đại dịch, chứng tỏ việc mua để bán lại (hoặc mua chỉ để mua) đang trở thành lựa chọn phổ biến, mặc cho nỗ lực cắt giảm dấu chân thời trang của người tiêu dùng. 

Theo ông James Rogers, Giám đốc phát triển bền vững của The RealReal, lợi ích tích cực của việc gia tăng doanh số resale, nếu có, chính là “Bạn không thể sử dụng lại những món đồ có chất lượng kém. Các mặt hàng xa xỉ đều được tạo ra với sự khéo léo và sử dụng chất liệu cao cấp, giúp chúng có tuổi thọ cao hơn. Nhiều người mua cũng đang bán lại các mặt hàng này ngày càng nhiều hơn”.

Hấp lực từ thị trường đã thúc đẩy mô hình mua bán thời trang secondhand nở rộ.
Hấp lực từ thị trường đã thúc đẩy mô hình mua bán thời trang secondhand nở rộ.

Thị trường bán lại được dự báo sẽ đi lên rất mạnh trong năm 2023. Năm ngoái, từ những ông lớn thời trang nhanh như Shein cho đến các thương hiệu siêu sang như Rolex, tất cả đều đang thực hiện những dự án bán đồ cũ. Nếu lúc trước, khi mua một món đồ giá trị lớn như xe hơi thì người mua mới hay nghĩ đến giá trị bán lại. Tuy nhiên hiện nay việc này áp dụng cho cả những người mua quần áo hoặc phụ kiện. Báo cáo của Recurate cho thấy có đến 48% người mua mua quần áo và phụ kiện mới có ý định bán lại sau này.

Hấp lực từ thị trường đã thúc đẩy mô hình mua bán thời trang secondhand nở rộ với sự tham gia của thredUP, Rebag, Fashionphile, Goodfair hay Depop, The RealReal, Urban Outfitters... Các thương hiệu thời trang hàng đầu cũng đã thêm quần áo cũ vào danh mục hàng hóa của họ như Burberry, Louis Vuitton, Levi’s, Gucci, GAP, H&M...

Tại Trung Quốc, Idle Fish, ứng dụng ra đời năm 2014, hiện có hơn 30 triệu người với khoảng 200 tỷ mặt hàng đã được bán vào năm 2021, từ quần áo đến túi xách, giày dép. Tại Đông Nam Á, Carousell, startup cho thuê và bán hàng thời trang secondhand ở Singapore, hiện sở hữu hơn 250 triệu trang phục, phục vụ hơn 20 triệu người tại 8 quốc gia, đạt doanh thu 16 triệu USD năm 2019.

Nhà bán lẻ thời trang nhanh H&M mới đây vừa trình làng chương trình bán đồ cũ (resale) với sự hợp tác của thredUp, một nền tảng ký gửi trực tuyến đã hợp tác với nhiều thương hiệu khác nhau, để trao đổi quần áo cũ của H&M. Theo bà Abigail Kammerzell, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững của H&M Bắc Mỹ:

 
H&M sẽ là nhà bán lẻ lớn nhất hợp tác với ThredUp và sự hợp tác này sẽ đánh dấu thị trường bán lại đầu tiên của nhà bán lẻ này tại Hoa Kỳ.

“Chúng tôi đã tham gia vào lĩnh vực quần áo cũ từ khoảng năm 2015 với nhiều thử nghiệm và học hỏi. Với những gì chúng tôi biết, chúng tôi hiểu mình cần tạo điều kiện để người tiêu dùng tham gia. Chúng tôi cần làm cho nó thân thiện với người dùng cũng như dễ dàng truy cập”, thông báo của H&M viết. Khoảng 30.000 mặt hàng quần áo sẽ có sẵn trên trang web bán lại của H&M trong đợt đầu tiên. ThredUp chịu trách nhiệm vận hành trang web và bổ sung bằng các sản phẩm H&M do người dùng gửi đến.

Bà Kammerzell cho biết, H&M coi hoạt động bán lại là một phần trong nỗ lực thúc đẩy hướng tới các hoạt động bền vững, bao gồm cả việc ra mắt bộ sưu tập denim được làm bằng vật liệu tái chế và chương trình cung cấp phiếu giảm giá cho những khách hàng mang quần áo đi tái chế.

Các nhà bán lẻ quần áo khác, bao gồm Zara của Inditex và nhà bán lẻ thời trang trực tuyến Shein, cũng đã ra mắt thị trường bán lại khi người mua sắm ngày càng quan tâm đến các sáng kiến bền vững. Tờ El Economista mới đây cho biết tập đoàn Inditex – công ty mẹ của Zara - đang tìm đối tác bán lại thời trang cũ tại Tây Ban Nha.

Bài báo viết: "Inditex củng cố cam kết thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, vào thời điểm ngày càng nhiều chỉ trích nhằm vào lĩnh vực thời trang. Theo Liên Hợp Quốc, công nghiệp thời trang là thủ phạm gây ô nhiễm đứng hàng thứ nhì trên hành tinh, đang tạo ra lượng khí thải nhiều hơn tất cả các chuyến bay quốc tế và vận tải đường biển cộng lại. Quần áo cũ bỏ lại rất khó tái chế, phần lớn phải cho vào lò đốt rác".

Tờ báo Tây Ban Nha ước tính doanh số bán quần áo cũ sẽ tăng gấp đôi so với hàng thời trang nhanh vào năm 2030. Còn công ty môi giới Morningstar ước tính rằng thị trường bán lại có thể tăng lên 300 tỷ USD vào năm 2031.

Các thương hiệu coi hoạt động bán lại là một phần trong nỗ lực thúc đẩy hướng tới các hoạt động bền vững.
Các thương hiệu coi hoạt động bán lại là một phần trong nỗ lực thúc đẩy hướng tới các hoạt động bền vững.

Thị trường thời trang secondhand Việt Nam cũng được đánh giá khá tiềm năng. Dù chỉ mới ra đời từ tháng 6/2022, trên 2 nền tảng Android và iOS, ứng dụng Piktina đang sở hữu hơn 100.000 món đồ đã qua sử dụng, với tốc độ tăng trưởng trung bình 200% mỗi tháng. Công ty hiện có hơn 100.000 tài khoản đăng ký với 20.000 tài khoản người bán, đa phần là các mặt hàng thời trang phân khúc phổ thông. Ứng dụng này vừa gọi được 1 triệu USD từ Touchstone Partners.

Một ví dụ khác là sàn thương mại điện tử SSSMarket với mô hình C2C (customer to customer) tập trung vào mặt hàng quần áo secondhand. Đây là nền tảng giúp người dùng dọn tủ đồ của mình, tạo nên một thị trường thời trang bền vững với mẫu mã đa dạng và giá cả hợp lí. Bất kỳ ai cũng có thể mở shop kinh doanh đồ secondhand trên ứng dụng của SSSMarket, miễn là cung cấp các thông tin trên website chính thức, sau đó sẽ có đội ngũ nhân viên liên hệ lại để hỗ trợ chi tiết. Để thu hút người bán, SSSMarket còn đưa ra các chương trình hấp dẫn như: voucher giảm giá, ưu tiên xuất hiện trên feed…

Liên quan đến đồ secondhand nói chung, một nghiên cứu của RedSeer Strategy Consultants (Ấn Độ) cho biết, thị trường đồ cũ ở Việt Nam được dự báo sẽ vượt 5 tỷ USD vào năm 2026, tăng lớn so với giá trị hiện tại là 1,1 tỷ USD. Các mặt hàng đồ cũ được tiêu thụ rộng rãi nhất là đồ điện tử, đồ gia dụng gia đình, và quần áo. 83% người Việt Nam được hỏi trong nghiên cứu đã từng mua hàng đã qua sử dụng và sẽ tiếp tục mua tiếp trong tương lai.