09:24 02/03/2023

Thị trường tài chính toàn cầu sắp xuất hiện “cơn điên tháng 3”?

An Huy

Giới phân tích nói rằng hiện tượng “cơn điên tháng 3” (March madness) - khuynh hướng biến động mạnh của thị trường tài chính trong tháng 3 hàng năm - có thể xuất hiện trong năm nay...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Sau một tháng Giêng rực rỡ và một tháng 2 ảm đạm, thị trường chứng khoán và trái phiếu toàn cầu tiếp tục chứng kiến sự bán tháo khi bước sang tháng 3, trong bối cảnh các số liệu kinh tế vững vàng củng cố khả năng lãi suất tăng cao và giữ ở mức cao trong thời gian lâu hơn so với dự kiến ban đầu.

Giới phân tích nói rằng hiện tượng “cơn điên tháng 3” (March madness) - khuynh hướng biến động mạnh của thị trường tài chính trong tháng 3 hàng năm - có thể xuất hiện trong năm nay, theo hãng tin Reuters.

KỊCH BẢN NÀO CHO CỔ PHIẾU VÀ TRÁI PHIẾU THÁNG 3

Trong phiên giao dịch ngày 1/3, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có thời điểm vượt mốc 4% lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái. Trước đó, lợi suất của kỳ hạn này đã tăng 0,4 điểm phần trăm trong tháng 2, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 9. Ở châu Âu, lợi suất trái phiếu cũng tăng lên gần mức cao nhất trong nhiều năm.

Diễn biến của lợi suất ngược chiều với diễn biến giá trái phiếu, giá trái phiếu giảm thì lợi suất tăng và ngược lại. Lợi suất trái phiếu tăng phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự gia tăng của lãi suất chính sách trong tương lai, mà kỳ vọng này hiện nay xuất phát từ tình trạng dai dẳng của lạm phát và các số liệu cho thấy nền kinh tế vẫn trụ vững dù đã trải qua nhiều đợt tăng lãi suất liên tiếp.

 

Nếu số liệu công bố trong tháng 3 xác nhận kịch bản tồi tệ nhất là lạm phát không xuống thang, thì ‘cơn điên tháng 3’ có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng đỉnh gần đây nhất là 4,25% thiết lập hôm 24/10, và chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống dưới mức đáy thị trường gấu 3.577,03 điểm thiết lập hôm 12/10...

Chỉ số S&P 500 của chứng khoán Mỹ giảm khoảng 2% trong tháng 2 sau khi tăng 6% trong tháng 1. Cổ phiếu đã giảm giá trên diện rộng ở khắp các thị trường trên toàn cầu, và xu hướng sắp tới là không rõ ràng. Nói cách khác, bấp bênh về tương lai của kinh tế và lãi suất toàn cầu vẫn đang ở mức cao.

Nếu các số liệu kinh tế vẫn vững, kỳ vọng về sự tiếp tục của chính sách tiền tệ thắt chặt còn tăng lên, và bán tháo sẽ tiếp tục diễn ra. Nhưng nếu xuất hiện những dấu hiệu cho thấy lạm phát và tăng trưởng đều đang giảm tốc tới mức đủ để các ngân hàng trung ương tạm dừng việc thắt chặt, giá tài sản có thể tăng mạnh trở lại. Trong trường hợp các dữ liệu không truyền đi một tín hiệu rõ ràng nào, các thị trường sẽ rơi vào trạng thái giằng co.

Trong một tín hiệu có thể là bất lợi cho giá cổ phiếu, chỉ số MOVE đo lường sự biến động trên thị trường quy mô 24 nghìn tỷ USD của trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng hơn 20% trong tháng 2, mức tăng tháng mạnh nhất kể từ tháng 6/2022. Nếu như trong tháng 1, nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế đang giảm tốc thực sự và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chuyển sang một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn, thì trong tháng 2, quan điểm này đã thay đổi vì một dòng các số liệu kinh tế mạnh.

Số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng tốc trong tháng 1, theo đó thổi bùng kỳ vọng về tăng lãi suất. Một số chuyên gia kinh tế đang tính đến khả năng Fed phải áp dụng trở lại bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau khi đã giảm tốc về 0,25 điểm phần trăm trong tháng 2.

“Nhà đầu tư đang nghĩ đến chuyện các ngân hàng trung ương nói với chúng ta rằng lạm phát sẽ mất nhiều thời gian hơn so với mong đợi để giảm về mức mục tiêu, và điều đó đồng nghĩa với lãi suất sẽ lên cao hơn và lâu hơn”, chiến lược gia trưởng Guy Miller của Zurich Insurance Group phát biểu.

Nếu tính từ đầu năm, chứng khoán toàn cầu vẫn tăng điểm, nhưng chỉ giữ được một phần nhỏ thành quả tăng của tháng 1 vì đã giảm nhiều trong tháng 2. Chỉ số MSCI của thị trường chứng khoán mới nổi giảm 6,3% trong tháng 2 sau khi tăng khoảng 8% trong tháng 1.

KHI TIN TỐT LÀ TIN XẤU

Không chỉ các số liệu kinh tế Mỹ mà ngay cả dữ liệu từ châu Âu cũng làm gia tăng cảm giác rằng tăng trưởng đang trụ vững. Một chỉ số đo hoạt động kinh doanh ở khu vực Eurozone trong tháng 2 đạt mức cao nhất 9 tháng.

Thực tế này buộc các nhà đầu tư phải xem lại kịch bản kinh tế hạ cánh mềm và lo ngại rằng các ngân hàng trung ương sẽ phải thắt chặt rất nhiều để phản ứng với các dữ liệu kinh tế tốt. Trong trường hợp như vậy, suy thoái kinh tế có thể xảy ra.

“Các số liệu kinh tế lại đang cho thấy xu hướng đi lên. Nhưng nhìn trong dài hạn, tin tốt bây giờ lại là tin xấu về tương lai, vì các ngân hàng trung ương có nhiều việc hơn để làm”, nhà quản lý tài sản Trevor Greetham của Royal London Asset Management phát biểu.

Chiến lược gia Jim Reid của Deutsch Bank cho rằng phần lớn ảnh hưởng của những đợt tăng lãi suất mà các ngân hàng trung ương đã triển khai từ cuối năm 2021 còn chưa được thẻ hiện. “Phải từ năm thứ hai trở đi của chu kỳ tăng lãi suất, nỗi đau kinh tế thực sự mới được cảm nhận rõ rệt”, ông Reid viết trong một báo cáo.

 

Số liệu công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng tốc trong tháng 1, theo đó thổi bùng kỳ vọng về tăng lãi suất. Một số chuyên gia kinh tế đang tính đến khả năng Fed phải áp dụng trở lại bước nhảy lãi suất 0,5 điểm phần trăm sau khi đã giảm tốc về 0,25 điểm phần trăm trong tháng 2.

Thị trường đang đặt cược bình quân lãi suất điều hành của Fed đạt đỉnh 5,4% trong năm nay, đồng thời giảm đặt cược vào khả năng Fed cắt giảm lãi suất trước cuối năm. Lãi suất chính sách của Fed hiện đang ở mức 4,5-4,75%, cao nhất từ năm 2007.

Các nhà giao dịch cũng đặt cược rằng từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lãi suất thêm 1,5 điểm phần trăm nữa, sau khi số liệu công bố hôm thứ Ba tuần này cho thấy lạm phát ở Pháp bất ngờ tăng trong tháng 2. Từ tháng 7 năm ngoái tới nay, ECB đã tăng lãi suất tổng cộng 3 điểm phần trăm, lên mức 2,5%.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác tăng 2,6% trong tháng 2, đánh dấu tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái nhờ đặt cược vào chính sách thắt chặt kéo dài của Fed.

Lợi nhuận của nhiều trái phiếu tính từ đầu năm tới nay đang ở trạng thái âm. Trái phiếu Đức đã khiến nhà đầu tư lỗ 0,52% từ đầu năm, trái phiếu chính phủ Anh gây lỗ 0,82%, trái phiếu kho bạc Mỹ cũng gây lỗ 0,28%.

Một báo cáo của Yardeni Research nói rằng chỉ cần các số liệu kinh tế sắp tới suy yếu, giá các tài sản sẽ có cơ hội hồi phục.

“Nhưng nếu số liệu công bố trong tháng 3 xác nhận kịch bản tồi tệ nhất là lạm phát không xuống thang, thì ‘cơn điên tháng 3’ có thể đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt ngưỡng đỉnh gần đây nhất là 4,25% thiết lập hôm 24/10, và chỉ số S&P 500 sẽ giảm xuống dưới mức đáy thị trường gấu 3.577,03 điểm thiết lập hôm 12/10”, báo cáo viết.