Thời trang "siêu nhanh" có thể "bền vững" không?
Công ty thời trang Princess Polly – đối thủ của hãng thời trang siêu nhanh Shein – mới đây đã đạt chứng nhận B Corp, một dấu ấn đáng mơ ước từ một trong những tổ chức đánh giá trách nhiệm xanh và bền vững hàng đầu thế giới…

Lướt qua website của Princess Polly, thương hiệu thời trang này có thể khiến bạn liên tưởng đến hàng chục nền tảng thời trang siêu nhanh, giá rẻ khác đang tranh giành thị phần Gen Z với “ông lớn” Shein.
Các mẫu sản phẩm mới được tung ra mỗi ngày, hứa hẹn những bộ trang phục “sẵn sàng lên Instagram, được TikTok phê duyệt, đủ đẳng cấp người nổi tiếng” cho dịp cuối tuần. Ưu đãi thì dày đặc, và trong trường hợp khách hàng còn chần chừ, những sản phẩm bán chạy nhất sẽ đi kèm các lời nhắc thúc giục như “sắp hết hàng”.

Tuy nhiên, Princess Polly đang nỗ lực định hình một vị trí riêng trong thị trường đông đúc và cạnh tranh khốc liệt này. Thương hiệu cho biết sứ mệnh của họ là “biến thời trang theo xu hướng trở nên bền vững”.
Họ đã ra mắt một mục riêng trên website mang tên “tác động thấp hơn” (lower impact) dành cho các sản phẩm được làm từ những chất liệu ít gây hại hơn cho môi trường, như polyester tái chế và cotton hữu cơ.
Thương hiệu cũng nhấn mạnh cam kết của mình đối với chuỗi cung ứng có đạo đức, đồng thời quảng bá mô hình kinh doanh nhanh, chạy theo xu hướng của mình là ít lãng phí. Theo họ, phương pháp thử nghiệm và tái sản xuất giống như Shein giúp giảm nguy cơ sản xuất dư thừa và tồn kho không bán được.
Tuần trước, Princess Polly đã chính thức trở thành doanh nghiệp đạt chứng nhận B Corp, nhận được sự công nhận từ một trong những tổ chức đánh giá trách nhiệm doanh nghiệp hàng đầu thế giới — một thành tựu đáng mơ ước đối với các công ty muốn khẳng định cam kết của mình với các giá trị môi trường và xã hội.

Tuy nhiên, động thái này đã khiến nhiều người trong cộng đồng thời trang bền vững thấy khó hiểu, bởi họ cho rằng những mô hình kinh doanh như của Princess Polly đi ngược hoàn toàn với việc thực hành sản xuất sản phẩm có trách nhiệm.
ĐẠT HAY KHÔNG ĐẠT B CORP: VẤN ĐỀ GÂY TRANH CÃI
Những lời chỉ trích đang trở thành cơn đau đầu ngày càng lớn đối với B Lab — tổ chức phi lợi nhuận đứng sau chương trình chứng nhận B Corp. Nhãn chứng nhận vốn được tạo ra để công nhận những doanh nghiệp có trách nhiệm, giờ đây lại bị các nhà phê bình cho rằng đang trở thành một hình thức “tẩy xanh” (greenwashing) mới.
Phản hồi lại, B Lab cho biết họ đang tập trung vào việc “liên tục cải thiện” các tiêu chuẩn đánh giá, đồng thời nhấn mạnh rằng để đạt được tầm nhìn về một nền kinh tế bền vững và có trách nhiệm hơn về mặt xã hội, họ cần làm việc với các doanh nghiệp ở mọi quy mô và ở mọi giai đoạn cải tiến.

B Lab đã hoàn thiện phương pháp đánh giá mới vào tháng 5 sau năm năm tham vấn.Theo hệ thống cũ, các công ty được chấm điểm dựa trên câu trả lời cho hàng trăm câu hỏi nhằm kiểm tra mức độ cam kết với các thực hành kinh doanh có trách nhiệm.
Để được cấp chứng nhận, doanh nghiệp cần đạt tối thiểu 80/200 điểm, đồng nghĩa với việc một công ty có thể đạt điểm rất thấp ở một số chỉ số, miễn là họ làm tốt ở những chỉ số khác.
Những thương hiệu như Princess Polly — đã đạt chứng nhận B Corp — sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn mới khi chứng nhận hiện tại hết hiệu lực. Riêng với Princess Polly, điều này sẽ diễn ra vào năm 2028.

B Lab cho biết Princess Polly đã dành hai năm để đánh giá và cải thiện hoạt động của mình nhằm đủ điều kiện được cấp chứng nhận. Điểm tổng thể của thương hiệu là 86,8 – chỉ nhỉnh hơn mức tối thiểu 80 điểm cần thiết để đạt chứng nhận B Corp.
Thương hiệu đạt điểm cao nhất trong hạng mục đánh giá về quản lý môi trường của B Lab, phần này xem xét tác động khí hậu của doanh nghiệp, đồng thời ghi nhận các quy trình sản xuất có tính đổi mới về môi trường. Trong khi đó, điểm thấp nhất là 3,8 nằm ở hạng mục đánh giá liên quan đến khách hàng, bao gồm chất lượng sản phẩm – dịch vụ và các thực hành tiếp thị có đạo đức.
THÔNG ĐIỆP TRÁI CHIỀU
Các đánh giá về tính bền vững khác lại dành ít lời khen hơn cho Princess Polly. Thương hiệu này bị xếp hạng với biểu tượng khuôn mặt buồn và mức đánh giá “chưa đủ tốt” bởi Good on You – nền tảng chấm điểm về tính bền vững chuyên biệt cho ngành thời trang và làm đẹp, đồng thời hợp tác với các nhà bán lẻ để giúp họ lựa chọn và quảng bá các thương hiệu có trách nhiệm hơn.
Princess Polly được đánh giá cao hơn Shein (bị xếp hạng “nên tránh”), nhưng lại thấp hơn Zara và H&M – hai thương hiệu đều nhận mức “khởi đầu tạm ổn”.

Các đánh giá của Good on You dựa trên thông tin công khai, và Princess Polly không cung cấp nhiều dữ liệu, theo chia sẻ của đồng sáng lập Sandra Capponi. “Có sự thiếu hụt bằng chứng cho thấy thương hiệu này đang thực hiện các hành động có ý nghĩa với môi trường,” bà nói thêm.
Tổ chức này cũng áp dụng cơ chế trừ điểm đối với các công ty thời trang nhanh và siêu nhanh – những mô hình kinh doanh thúc đẩy tiêu dùng quá mức, dựa vào sản xuất tốc độ cao và chi phí thấp, vốn thường dẫn đến những hệ quả tiêu cực về môi trường và xã hội, bà Sandra Capponi cho biết.
Princess Polly cho biết họ tự hào về những tiến bộ trong các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị mà chứng nhận B Corp đã công nhận. Thương hiệu này cũng dẫn chứng một số bảng xếp hạng khác mà họ đạt kết quả tốt, cùng các sáng kiến báo cáo môi trường mà họ đang tham gia. “Chúng tôi cam kết không ngừng cải thiện và luôn tự đặt ra những tiêu chuẩn cao trong mọi hoạt động của mình,” Princess Polly khẳng định.

Những người khác lại cho rằng tất cả chỉ là “tẩy xanh”. “Một thương hiệu thời trang siêu nhanh như Princess Polly được ca ngợi và trao các danh hiệu hay chứng nhận kiểu này thực chất gây hại nhiều hơn là có lợi,” một người trong ngành nhận định. “Chứng nhận mang lại cho họ một công cụ tiếp thị để thuyết phục người tiêu dùng rằng việc tiêu dùng quá mức các sản phẩm của họ là ổn vì chúng ‘bền vững’. Trong khi việc mua một sản phẩm đủ chất lượng để sử dụng thật nhiều lần mới là mấu chốt của vấn đề”.