10:12 18/03/2010

Thông báo của Petrolimex: Những câu hỏi đọng lại

Anh Quân

Petrolimex đang lỗ hay lãi trong kinh doanh xăng dầu và liệu doanh nghiệp này có tiếp tục tăng giá bán?

“Giá cơ sở không phải là giá vốn hoặc giá thành của bất kỳ doanh nghiệp đầu mối nào tại thời điểm thông báo”.
“Giá cơ sở không phải là giá vốn hoặc giá thành của bất kỳ doanh nghiệp đầu mối nào tại thời điểm thông báo”.
“Giá cơ sở không phải là giá vốn hoặc giá thành của bất kỳ doanh nghiệp đầu mối nào tại thời điểm thông báo”, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định.  

Chiều ngày 17/3, Petrolimex đã cho đăng tải trên trang web của mình bản thông báo giải thích một số nội dung liên quan đến kết cấu giá cơ sở sản phẩm xăng dầu của doanh nghiệp này.

Với khẳng định ở trên, có thể hiểu rằng giá cơ sở (đã bao hàm các khoản phí và thuế theo quy định) hoàn toàn có thể thấp hơn, hoặc cao hơn giá thành, hay giá vốn của doanh nghiệp đầu mối.

Xét trong giá cơ sở, một số khoản có thể “hỗ trợ” việc kinh doanh của doanh nghiệp này không đến nỗi lỗ nặng như mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành, đó là lợi nhuận định mức 300 đồng/lít (hoặc kg đối với dầu mazut).

Ngoài ra, theo giải thích của Petrolimex, định mức chi phí kinh doanh 600 đồng/lít (hoặc 400 đồng/kg đối với mazut) không phải là chi phí riêng của doanh nghiệp đầu mối, mà là khoản chi phí của toàn bộ quá trình lưu thông một lít xăng dầu từ đầu nguồn (cảng nhập khẩu hoặc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất) đến tận cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc.

Có nghĩa là trong trường hợp chi phí vận chuyển, hay nhân công, khấu hao tài sản, chi phí vốn… không vượt quá con số định mức, Petrolimex có thể “tiết kiệm” thêm một phần chi phí.

Trên cơ sở này, Petrolimex cho biết, “chênh lệch giữa giá cơ sở so với giá bán hiện hành tại mỗi thời điểm không phản ánh chính xác lỗ hoặc lãi của doanh nghiệp đầu mối tại đúng thời điểm đó”.
 
Nhưng rõ ràng, mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành (960 đồng/lít đối với xăng A92; 721 đồng/lít với diezel 0,05S; 715 đồng/lít dầu hỏa; và 401 đồng/kg đối với dầu mazut 3,5S, số liệu chốt ngày 16/3) đang cao hơn khoản lợi nhuận định mức và có thể là tổng các khoản có khả năng tiết kiệm được trong kinh doanh. Vậy Petrolimex đang lỗ, hay lãi trong kinh doanh xăng dầu?

Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh mới công bố của doanh nghiệp này, trên thực tế, kinh doanh xăng dầu là một trong 6 khối “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” trong năm 2009 của Petrolimex.

Đóng góp vào kết quả tài chính hợp nhất năm 2009, Petrolimex đạt tổng doanh thu 105.306 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế là 3.208 tỷ đồng, tăng 196% so với thực hiện năm 2008; nộp ngân sách 28.800 tỷ đồng, tăng 68% so với thực hiện năm 2008…

Đây là kết quả khả quan so với nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Trong năm 2009, doanh thu toàn khối này chỉ tăng 2,9%; lợi nhuận trước thuế tăng 5%; và nộp ngân sách chỉ bằng 92,7% so với năm 2008.

Vậy nếu kinh doanh xăng dầu của Petrolimex lãi trong năm 2009, vấn đề đặt ra là cơ chế kinh doanh xăng dầu hiện nay có đang đảm bảo cho doanh nghiệp không chịu bất kỳ tác động nào từ biến động thị trường, kể cả trường hợp khủng hoảng trăm năm có một?

Câu hỏi tiếp theo là với tình hình này, Petrolimex có tăng giá bán xăng dầu?

Dựa trên quy định tại Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, “điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước”, Petrolimex hoàn toàn có quyền được đề xuất tăng giá bán xăng dầu trong thời gian tới.

Bởi vì theo quy định, thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 10 ngày. Trong khi đó, giá xăng được điều chỉnh gần nhất vào ngày 21/2, giá các mặt hàng dầu điều chỉnh gần nhất vào ngày 3/3, tính đến 17/3 đều quá 10 ngày.

Cũng nghị định này (mục a, khoản 3, điều 27) quy định, “trường hợp các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong phạm vi ≤ 7% so với giá bán lẻ hiện hành, thương nhân đầu mối được quyền tăng giá bán lẻ tương ứng”.

Tuy nhiên, quy định ≤ 7% khá là khó hiểu, vì từ “phạm vi” ở đây nằm trong khoảng từ 6,1% đến 7%, hay từ 0,1% đến 7%?

Với mức chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán hiện hành ngày 16/3 (5,7% đối với xăng A92; 4,9% với dầu diezel 0,05S; 4,8% với dầu hỏa; 3,1% đối với dầu mazut 3,5S), việc Petrolimex chịu áp lực tăng giá bán xăng dầu đã được doanh nghiệp này chứng minh, và điều chỉnh hay giữ nguyên giá bán hoàn toàn do doanh nghiệp này quyết định, trên cơ sở chấp thuận của nhà nước.

Nhưng vẫn còn những câu hỏi khác chưa thể trả lời, đó là liệu thuế suất thế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia tăng có được điều chỉnh trong thời gian tới? Quỹ bình ổn có can thiệp hoặc giảm bớt mức đóng góp của doanh nghiệp (mà thực chất là của người tiêu dùng)? Hay định mức chi phí kinh doanh, phí vận chuyển tàu biển và bảo hiểm có được điều chỉnh?