14:00 10/05/2022

Thu ngân sách vẫn “nơm nớp” nhiều mối lo

Ánh Tuyết

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt hơn 645 nghìn tỷ đồng, hoàn thành gần nửa chặng đường. Tuy nhiên, vẫn còn những mối lo có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách như giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao đè nặng chi phí sản xuất kinh doanh và hụt thu từ các chính sách hỗ trợ...

Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước hoàn thành gần nửa chặng đường, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.
Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước hoàn thành gần nửa chặng đường, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.

Báo cáo tại hội nghị giao ban công tác tài chính ngân sách tháng 4, triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách tháng 5 vừa được Bộ Tài chính tổ chức cho thấy, trong tháng 4, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 160,2 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2 nghìn tỷ đồng so với số thu tháng trước. Luỹ kế 4 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách nhà nước ước đạt 645,3 nghìn tỷ đồng, bằng 45,7% dự toán, tăng 13,3% so cùng kỳ năm 2021.

Số liệu thu ngân sách nhà nước cập nhật đến hết ngày 3/5 trên hệ thống Tabmis đạt 657,408 nghìn tỷ đồng, bằng 46,57% dự toán. Trong đó, ngân sách trung ương đạt 47,04% dự toán và ngân sách địa phương đạt 46,05% dự toán.

KINH TẾ KHỞI SẮC VÀ TRỢ LỰC TỪ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ GIÚP TĂNG THU NGÂN SÁCH

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, kết quả thu nội địa đạt khá, phản ánh sát sự khởi sắc trong tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm.

Việc triển khai thực hiện các chính sách của Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội và chính sách mở cửa du lịch từ 15/3 tác động rõ nét đến hoạt động kinh tế – xã hội của đất nước. Tháng 4, nhiều hoạt động đã có mức tăng trưởng cao hơn so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xuất hiện như: công nghiệp chế biến, chế tạo; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; xuất khẩu hàng hóa…

Bên cạnh đó, nhờ các chính sách của Chính phủ về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 phát huy hiệu quả, một số ngành có đóng góp số thu lớn cho ngân sách nhà nước duy trì được mức tăng trưởng khá.

 

Đặc biệt, có 9/12 khoản thu nội địa đảm bảo tiến độ dự toán, chủ yếu gồm các khoản thu trực tiếp từ hoạt động sản xuất - kinh doanh, chiếm 52% tổng số thu nội địa.

Cụ thể, thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 41,2% dự toán. Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 42,7% dự toán. Thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 49,3% dự toán.

Bên cạnh đó, còn có 3 khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán là thu từ cấp quyền khai thác khoáng sản mới đạt 22,5%; thu quỹ đất công ích và hoa lợi công sản khác đạt 31,9% và thu hồi vốn, thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước đạt 30,4%.

Về phía thu ngân sách do ngành thuế quản lý, báo cáo tại hội nghị giao ban, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết thêm, thu ngân sách 4 tháng đầu năm tiếp tục đạt tiến độ thu khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ là do phát sinh các khoản thu từ những năm trước được các tổ chức, cá nhân nộp trong quý 1/2022, gồm có thu cổ tức được chia của các ngân hàng; thu từ dầu thô tăng 82,6% so cùng kỳ do giá dầu thô tăng cao; thu tiền sử dụng đất.

NHẬN DIỆN NGUY CƠ GÂY HỤT THU 

Mặc dù thu ngân sách nhà nước tích cực, tuy nhiên, còn một số mối lo có thể ảnh hưởng tới thu ngân sách những tháng tới đây.

Bộ Tài chính cho hay, việc triển khai thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhằm hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến số thu ngân sách.

 

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, trong bối cảnh xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng, giá nhiên liệu và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao sẽ tác động làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh; đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, có thể sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách trong những tháng tiếp theo.

Chia sẻ cụ thể hơn về các chính sách miễn, giảm để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân những tháng đầu năm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, do thực hiện một số chính sách hỗ trợ còn hiệu lực từ năm 2021 và thực hiện một số chính sách hỗ trợ mới của năm 2022, ngân sách ước tính giảm khoảng 14.674 tỷ đồng.

Cụ thể, tổng số thuế thực hiện Nghị quyết số 406/NQ- UBTVQH15 ngày 19/10/2021 về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng tháng 12/2021 (nộp vào tháng 1/2022) đối với doanh nghiệp, tổ chức; giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng; miễn thuế quý 4/2021 (nộp vào tháng 1/2022) đối với hộ, cá nhân kinh doanh ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 là khoảng 5.174 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, với chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ban hành ngày 26/11/2021 và có hiệu lực từ 1/12/2021, tổng số lệ phí trước bạ ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.500 tỷ đồng.

Với chính sách giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ, tổng số thuế ước tính giảm trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 4.200 tỷ đồng.

Việc giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13 ngày 31/12/2021 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng ước tính làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng đầu năm 2022 khoảng 480 tỷ đồng.

Đối với việc giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 120 ngày 24/12/2021, tổng số thuế ước tính làm giảm thu ngân sách nhà nước trong 4 tháng khoảng 320 tỷ đồng.

Dù giảm thu ngân sách nhà nước nhưng các chính sách thuế trên đều hỗ trợ người dân, doanh nghiệp kịp thời phát huy hiệu quả góp phần sớm khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Bên cạnh đó, Ngân sách trung ương chi từ dự phòng để bổ sung cho các địa phương 963,5 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Về phía chi ngân sách, Bộ Tài chính cho biết, trong 4 tháng, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước đạt 470,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,3% dự toán, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 95,7 nghìn tỷ đồng, bằng 18,48% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Chi trả nợ lãi ước đạt 33,8 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán. Còn chi thường xuyên ước đạt 340,2 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6% dự toán (cùng kỳ năm 2021 là 32,6%).

TÌM CÁCH BÙ ĐẮP SỐ THU GIẢM, ĐẨY MẠNH GIẢI NGÂN

Phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà đề nghị các đơn vị phối hợp tốt thực hiện công tác tài chính ngân sách theo dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 được phê duyệt,  đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính.

Vụ Ngân sách nhà nước chủ trì cần có đánh giá tổng thể về khả năng thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách, đánh giá khả năng thu chi ngân sách cũng như yêu cầu vay thêm

 
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà.

"Về thu ngân sách nhà nước, cần cố gắng tăng cường công tác thu để bù vào 67 nghìn tỷ đồng giảm thu do miễn giảm thuế", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng yêu cầu khẩn trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bởi theo số liệu 4 tháng đầu năm 2022, nguồn vốn này mới giải ngân được 18,65%, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 (18,65%), riêng nguồn vốn nước ngoài mới giải ngân được 3,25%.

Liên quan đến việc triển khai chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế, lãnh đạo Bộ Tài chính lưu ý các đơn vị cần cần phối hợp với Bộ Kế hoạch & Đầu tư để phân bổ vốn đầu tư theo các chương trình, theo các dự án, xem xét khả năng giải ngân trong năm 2022 – 2023.

Đồng thời, kết hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về xây dựng chính sách cấp bù lãi suất, qua đó xem xét nhiệm vụ huy động vốn để cấp bù lãi suất.

Các đơn vị liên quan như Tổng cục Thuế, Cục Quản lý công sản cần đánh giá hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật như nghị định về việc giãn, hoãn, giảm tiền thuê đất, giãn hoãn thời gian nộp thuế tiêu thị đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước... để hoàn thiện chương trình hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế.