Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói về việc tập đoàn công nghệ đến Việt Nam rồi sang quốc gia khác đầu tư
Các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới không chỉ đầu tư tại Việt Nam mà còn ở những quốc gia khác nên việc họ đến và đi để tìm kiếm cơ hội đầu tư là điều hết sức bình thường…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới tới Việt Nam để khảo sát đầu tư nhưng lại sang quốc gia khác để xây dựng nhà máy tại Họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 5/4, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng quyết định đầu tư phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.
“Các tập đoàn nước ngoài ra quyết định đầu tư thường dựa trên 3 yếu tố chính”, Thứ trưởng nói.
Đầu tiên là các yếu tố khách quan như tình hình địa chính trị thế giới và trong khu vực, triển vọng tăng trưởng, xu hướng đầu tư và sự dịch chuyển chuỗi cung ứng…
Thứ hai là các yếu tố chủ quan của nhà đầu tư như chiến lược và mục tiêu đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, sự phù hợp của địa bàn đầu tư và khả năng triển khai dự án dựa trên việc tận dụng các nguồn lực đầu tư...
Thứ ba là sự sẵn sàng của Việt Nam trong việc tiếp nhận nguồn vốn đầu tư; trong đó, bao gồm các yếu tố như thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực.
Giải thích rõ hơn về sự sẵn sàng của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cho biết về thể chế, Việt Nam đã có nhiều bước tiến tích cực trong hoàn thiện chính sách đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh.
“Đặc biệt, Việt Nam đang nghiên cứu cơ chế ưu đãi đặc thù với các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực công nghệ như điện tử, chịp và bán dẫn”, Thứ trưởng cho biết.
Về hạ tầng, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện nay đã có sẵn hạ tầng cứng (giao thông, điện, nước…) cũng như các hạ tầng mềm cơ bản đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư. Mới đây, Việt Nam đã đưa ra Quy hoạch điện VIII nhằm đảm bảo sản xuất cho các doanh nghiệp. Cùng với đó là phát triển các khu công nghệ cao và đặc biệt là việc khánh thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) nhằm tạo môi trường và thể chế vượt trội cho các tập đoàn công nghệ vào đây đầu tư.
Về nguồn nhân lực, Chính phủ Việt Nam đã và đang xây dựng các chương trình đào tạo cụ thể với nhiều trường đại học, đơn vị nghiên cứu hay các doanh nghiệp lớn như VNPT, Viettel, CMC… Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Đề án đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ cho ngành bán dẫn và chip.
Đặc biệt, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh những nỗ lực trên, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong việc theo đuổi phát triển ngành công nghiệp điện tử, chip và bán dẫn.
“Thời gian qua, bên cạnh những nhà đầu tư Hoa Kỳ, nhiều nhà đầu tư đến từ Đài Loan, Nhật Bản… cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, có những dự án lớn với quy mô khủng như dự án liên quan tới kiểm định và đóng gói của Intel và Amkor, dự án liên quan tới thiết kế của Marvell, Qualcomm, hay dự án cung cấp công cụ để thiết kế chip bán dẫn của Synopsys…
Gần đây nhất, các nhà lãnh đạo của Nvidia đã liên tục có chuyến công tác tới Việt để thực hiện cam kết hợp tác trong lĩnh vực AI và bán dẫn. Hay mới đây nhất, Samsung cũng cam kết đào tạo cho hơn 200 kỹ sư công nghệ cho Việt Nam để từng bước hướng tới mục tiêu có 50.000 kỹ sư ngành bán dẫn vào năm 2030”, ông Trung nói rõ.