Thủ tục hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp “vừa làm vừa lo”
Để được hoàn lại thuế giá trị gia tăng sau khi xuất khẩu, doanh nghiệp phải chờ đợi cả năm, thậm chí kéo dài hơn nữa vẫn chưa được giải quyết, khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, gây tốn kém chi phí vay ngân hàng để tạm nộp thuế giá trị gia tăng…
Đó là những ý kiến được đưa ra tại hội nghị “Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2022”, ngày 22/11 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và Tổng cục Thuế) tổ chức.
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho rằng các nỗ lực cải cách của Bộ Tài chính thời gian qua đã mang lại những kết quả quan trọng và tác động đến môi trường hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp.
Nhìn lại thời điểm chương trình đối thoại được thực hiện cách đây 16 năm, một trong những chỉ số theo đánh giá của World Bank năm 2006 về Việt Nam thì chỉ số nộp thuế của Việt Nam là đội sổ trong khu vực, sau cả Lào và Campuchia.
Nhưng đến nay, với quyết tâm thực hiện cho được công cuộc cải cách, với nỗ lực và phương châm hành động quyết liệt, lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phong cách làm việc ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại của cán bộ thuế - hải quan… đã giảm bớt sự chồng chéo trong giải quyết quy trình, thủ tục…
Tuy nhiên, tại hội nghị nhiều doanh nghiệp vẫn đưa ra những khó khăn cụ thể của doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị ngành thuế, hải quan tháo gỡ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho họ.
Có lẽ, vấn đề hoàn thuế khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu “kêu than” nhất. Ông Thang Văn Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam đánh giá, các thủ tục hành chính của ngành hải quan hiện nay đã tốt lên, không gây nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhưng lĩnh vực thuế còn nhiều bất cập liên quan tới hàng hoá xuất khẩu, cũng như hồ sơ thực hiện hoàn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đại diện cho các doanh nghiệp ngành gỗ, ông Thông cho biết doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ vướng mắc rất nhiều thứ. Cụ thể, Tổng cục thuế ra rất nhiều văn bản chỉ đạo trực tiếp cho tất cả chi cục thuế địa phương xác minh nguồn gốc gỗ, đưa gỗ vào ngành có rủi ro cao. Xác minh nguồn gốc gỗ từ người trồng rừng đến khi lô hàng xuất khẩu đi.
Như vậy, quá trình xác minh phải rất dài, khiến thời gian được hoàn thuế của doanh nghiệp lâu hơn. Trong khi vốn doanh nghiệp đọng trong khâu hoàn thuế VAT. Cùng với đó, các khoản phải chi như tiền công nhân, lãi suất ngân hàng, tiền hàng,… hàng ngày doanh nghiệp vẫn phải xoay.
“Quy định kiểm tra trước hoàn sau tối đa 40 ngày, nhưng với quy định này e rằng 1 năm cũng chưa xong. Đây chính là vướng mắc của tất cả các doanh nghiệp trong ngành”, ông Thông cho biết.
Những quy định trên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi 1 lô hàng xuất khẩu đi, khi mua nguyên liệu vào doanh nghiệp đã được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và sau khi lên tàu hàng hoá xuất đi cũng đã được cơ quan hải quan kiểm tra từng lô hàng.
Thậm chí ngành dăm gỗ trong nhiều năm nay vẫn là xuất khẩu cho những đối tác truyền thống… nhưng bộ hồ sơ đó khi mang về hoàn thuế thì Cục thuế địa phương không hoàn cho, lý do từ văn bản của Tổng cục thuế yêu cầu phải xác minh đến nguồn gốc cuối cùng…
“Như vậy, doanh nghiệp càng khó khăn về tài chính, đồng vốn để quay vòng. Nếu cứ giữ nhịp độ này, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sẽ không còn vốn để luân chuyển, ảnh hưởng tới các hộ trồng rừng, cũng như các DNNVV bán hàng lại cho doanh nghiệp lớn xuất khẩu đi”, ông Thông nói.
Để tháo gỡ vướng mắc này, ông Thông đề xuất, nếu bộ hồ sơ đầy đủ, đã được giám sát qua hải quan thì nên phân ra để hoàn thuế trước cho doanh nghiệp chứ không nên để chậm trễ, gây ách tắc cho doanh nghiệp.
Tương tự với ngành gỗ, ngành sắn xuất khẩu cũng đang vướng không kém. Ông Phạm Vũ Hà, Tổng thư ký Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết ngày 8/7/2021 Tổng cục thuế có công văn 2495, tiếp theo là công văn 632 ngày 7/3/2022 chỉ đạo các Cục Thuế địa phương rà soát khách hàng mua hàng phía Trung Quốc đối với các hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp.
Các cục thuế địa phương căn cứ vào chỉ đạo này để xác minh khách hàng, người mua hàng từ Trung Quốc, dẫn đến việc dừng hoàn tiền thuế giá trị gia tăng của các doanh nghiệp xuất khẩu sắn. Tính đến thời điểm này, số thuế tồn của cả ngành sắn đến thời điểm này là khoảng 1.000 tỷ đồng, nếu tính cả thời gian tới còn cao hơn nữa.
Trong khi đó, sắn là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Là 1 trong 13 cây chủ lực quốc gia, 1 trong 3 cây xuất khẩu trên 1 tỷ USD kim ngạch, với hàng trăm doanh nghiệp, tạo việc làm cho 1,2 triệu lao động.
Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu sắn lớn của Việt Nam, chiếm tới 93%. Không những khó khăn từ hoàn thuế, ngành sắn hiện phải cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan, Indonesia… Trong khi Thái Lan, Indonesia có lợi thế về quy mô lớn, hệ thống logistics tốt, còn sắn Việt Nam chỉ có lợi thế xuất khẩu đường biên giới với Trung Quốc (chiếm 60%).
Ông Hà cho biết câu chuyện này đã kéo dài hơn 2 năm. Hiệp hội và doanh nghiệp đã gửi kiến nghị lên Tổng cục thuế, Bộ Tài chính, Thủ tưởng Chính phủ. Thủ tướng đã có 3 văn bản chỉ đạo, Bộ Tài chính cũng có văn bản trả lời cùng phối hợp với Hiệp hội tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Nhưng đến thời điểm này, Bộ Tài chính chưa văn bản cụ thể trả lời, giúp doanh nghiệp biết hướng giải quyết vấn đề này thế nào khiến doanh nghiệp vừa làm vừa lo, còn cơ quan thuế địa phương thì lúng túng trong giải quyết cho doanh nghiệp.
“Vấn đề về hoàn thuế GTGT nếu không được tháo gỡ trong điều kiện vốn tín dụng ngân hàng khó khăn, ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế, địa chính trị trên thế giới… chắc chắn ngành sắn sẽ bị thụt lùi, thị phần sẽ thuộc về các đối thủ cạnh tranh”, ông Hà nói.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội sắn mong muốn các cơ quan liên quan có thông tư hướng dẫn trong vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành sắn.
Trước vướng mắc nêu trên, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, trước mắt Bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế theo đúng Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế. Nhằm hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh...