18:08 04/02/2023

Thừa Thiên - Huế bố trí hơn 3.600 tỷ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thiên Anh - Nguyễn Thuấn

Theo dự kiến của tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 khoảng hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 3.000 tỷ đồng cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...

Theo kế hoạch huyện Quảng Điền cần tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu
Theo kế hoạch huyện Quảng Điền cần tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023.

TẬP TRUNG THỰC HIỆN CÁC TIÊU CHÍ VỀ THU NHẬP, TỶ LỆ HỘ NGHÈO

Theo kế hoạch, dự kiến nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia khoảng hơn 3.662 tỷ đồng, trong đó chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới khoảng 3.044 tỷ đồng, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khoảng hơn 340 tỷ đồng và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 277 tỷ đồng.

Năm 2023, huyện Phong Điền phải hoàn thành hồ sơ trình Trung ương thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới thành phố Huế. Cấp xã, phải có ít nhất thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 10 xã và 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Những xã còn lại tập trung rà soát đánh giá lại theo Bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, phấn đấu số tiêu chí đạt chuẩn bình quân tăng 0,3 tiêu chí/xã/năm và nâng chất lượng tiêu chí theo lịch trình kế hoạch đã đề ra. Trong đó, cần ưu tiên tập trung thực hiện các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, môi trường, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh.

Tại các thôn, bản có ít nhất 9 thôn, bản đạt chuẩn thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu. Có ít nhất 40% số thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn ở huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc và thị xã Hương Trà đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch đạt 98%, khu vực nông thôn đạt 95%. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2023 toàn tỉnh giảm còn 1,0-1,5%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3% trở lên, tỷ lệ hộ nghèo tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao trên 25% giảm từ 5% trở lên.

Tập trung xây dựng các xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023. Rà soát xây dựng các tiêu chí thiếu hụt của các xã đạt chuẩn nông thôn mới so với bộ tiêu chí mới giai đoạn 2021 - 2025, hoàn thiện các tiêu chí huyện nông thôn mới, các điều kiện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của huyện Phong Điền và thành phố Huế trình Trung ương thẩm định.

TRIỂN KHAI 6 CHƯƠNG TRÌNH THEO CHỈ ĐẠO CỦA TRUNG ƯƠNG

Theo kế hoạch trên của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đối với các xã và huyện Quảng Điền đã đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí của giai đoạn trước, tập trung thực hiện các giải pháp xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo theo Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; chủ động rà soát xác định nội dung tiêu chí, chỉ tiêu thiếu hụt so với Bộ tiêu chí mới, có giải pháp cụ thể bảo đảm duy trì đạt chuẩn bền vững.

Triển khai 6 chương trình theo chỉ đạo của Trung ương gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP; chương trình phát triển du lịch nông thôn; chương trình chuyển đổi số, hướng tới nông thôn mới thông minh; chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.

Các ngành và địa phương cần chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch từng địa phương cụ thể để thực hiện theo Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 nhằm xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với các đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ nhà ở, xóa nhà tạm, dột nát; nâng cao chất lượng nhà ở dân cư. Nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn.

Nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn. Nâng cao chất lượng môi trường; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; giữ gìn và khôi phục hình ảnh, cảnh quan truyền thống của nông thôn Thừa Thiên - Huế.