Thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam
Việc thúc đẩy hành động, chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế phát thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách, vừa giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất của doanh nghiệp...
Kinh tế tuần hoàn đóng vai trò quan trọng để Việt Nam tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, qua đó đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Đây là mô hình kinh tế dựa trên nguyên lý cơ bản “đầu ra của sản phẩm này là đầu vào của sản phẩm khác”.
Kinh tế tuần hoàn hoạt động theo một vòng tròn, chất thải của hoạt động này là nguyên liệu của hoạt động mới, tạo ra một vòng lặp lại mang tính khép kín. Nhờ đó, các giá trị của sản phẩm, nguyên vật liệu và tài nguyên được duy trì trong nền kinh tế ở mức độ lâu nhất, nhằm tối thiểu việc sử dụng tài nguyên là nguyên liệu đầu vào và lượng phế thải, mức độ ô nhiễm môi trường và khí thải cũng giảm đi đáng kể.
Phát triển bền vững, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang là xu thế phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam.
Từ năm 2020, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường 2020 (Điều 142) và trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên, vật liệu; kéo dài vòng đời sản phẩm; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Ðề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QÐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu, phù hợp với xu hướng, yêu cầu tạo đột phá trong phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam. Dự kiến thời gian tới Chính phủ sẽ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn đến năm 2030.
KINH TẾ TUẦN HOÀN LÀ XU THẾ TẤT YẾU
Qua hệ thống chính sách, pháp luật theo hướng xanh hóa đã được ban hành cho thấy Việt Nam đang quyết tâm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu.
Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít thách thức cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Những thách thức này trở nên phức tạp hơn khi Việt Nam đang tiếp tục quá trình gia tăng dân số và đô thị hóa, quá trình công nghiệp hóa song còn chậm chuyển đổi từ cách tiếp cận kinh tế tuyến tính truyền thống kéo theo hệ lụy ngày càng nghiêm trọng đối với nguồn cung tài nguyên, lượng chất thải lớn, an ninh môi trường và an ninh nguồn nước. Nền kinh tế tuyến tính truyền thống gây ra sự gia tăng rác thải, tăng tiêu thụ tài nguyên và năng lượng.
Vì vậy, việc thúc đẩy hành động, chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, hạn chế thải ra môi trường là yêu cầu cấp bách, vừa nhằm giải quyết vấn đề môi trường, phát triển kinh tế xanh, vừa nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu sản xuất của doanh nghiệp.
Để thúc đẩy thực hiện kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, ngày 10/12/2024, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, giao Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường phối hợp với UNDP, Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2024” (lần thứ 3) với chủ đề “Từ Kế hoạch đến hành động”.
Với 1 phiên toàn thể và 6 phiên chuyên đề, diễn đàn sẽ phản ánh bức tranh tổng thể về các định hướng, cơ chế chính sách cũng như hiện trạng và các giải pháp sáng tạo thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện nền kinh tế tuần hoàn…
Phiên toàn thể gồm 2 nội dung chính: nội dung thứ nhất với chủ đề “Chuyển đổi nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Chúng ta đang ở đâu và sẽ đi về đâu?”. Đại diện Viện Chiến lược Chính sách tài nguyên và môi trường sẽ nêu bật khung chính sách kinh tế tuần hoàn cho giai đoạn 2020-2024. Cùng với đó, các chuyên gia cũng đề cập vấn đề chuyển dịch kinh tế tuần hoàn trong thực tiễn, các giải pháp để kinh tế tuần hoàn trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và việc đổi mới công nghệ để thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Nội dung thứ hai, đại diện các bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp và chuyên gia sẽ tập trung vào thúc đẩy kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, từ lập kế hoạch đến hành động.
Đáng chú ý, tại diễn đàn sẽ diễn ra 6 phiên chuyên đề, tập trung vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghiệp; nông nghiệp tuần hoàn; phân loại rác thải; nhựa, sản xuất và tiêu dùng bền vững; tái chế chất thải.
NHỮNG ĐIỂN HÌNH TRIỂN KHAI KINH TẾ TUẦN HOÀN
Thời gian qua, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu mới, có nhiều điển hình doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam đã chuyển mình triển khai áp dụng mô hình kinh tế này.
Là doanh nghiệp tiên phong trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, Nestlé Việt Nam đạt được nhiều bước tiến nhờ đảm bảo 3 nguyên tắc: loại bỏ rác thải và ô nhiễm, tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu, tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên.
Nestlé liên tục cải tiến thiết kế bao bì nhằm giảm và loại bỏ những phần vật liệu không cần thiết, giảm sử dụng nhựa nguyên sinh, thay thế bằng nguyên liệu thân thiện môi trường. Các hoạt động này đã giúp Nestlé Việt Nam giảm gần 2.400 tấn bao bì nhựa trong hai năm 2021-2022. Đến nay, trên 94% bao bì sản phẩm của công ty được thiết kế để có thể tái chế.
Doanh nghiệp đã có một số sáng kiến như: sử dụng nhựa PE và PET tái chế cho bao bì sản phẩm, chuyển từ ống hút nhựa dùng một lần sang ống hút giấy đạt chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (FSC) đối với toàn bộ sản phẩm uống liền. Hiện nay, Nestlé Việt Nam cũng đã sử dụng bao bì đơn lớp giúp quá trình tái chế dễ dàng hơn.
Trong sản xuất, việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn đã giúp tất cả các nhà máy của Nestlé Việt Nam đạt mục tiêu “không chất thải chôn lấp ra môi trường” từ năm 2015.
Nhờ áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, mỗi năm nhà máy Nestlé Trị An - nhà máy sản xuất cà phê lớn và hiện đại nhất của Nestlé Việt Nam, có thể giảm hơn 12.600 tấn CO2 phát thải trong quá trình chế biến cà phê.
Toàn bộ bã cà phê sau sản xuất được tái sử dụng làm nguyên liệu sinh khối, giúp giảm tiêu thụ khí đốt và giảm thải khí CO2. Bùn thải không nguy hại từ hoạt động sản xuất sau khi được xử lý cũng dùng để sản xuất phân bón. Cát thải lấy từ lò hơi được cung cấp cho nhà sản xuất gạch không nung tại địa phương, phục vụ cho các công trình xây dựng. Nước thải trong quá trình sản xuất cà phê được xử lý, tái chế, tái sử dụng cho lò hơi. Nhờ đó nhà máy tiết kiệm hơn 112.000 m3 nước/năm.
Với tầm nhìn trở thành công ty toàn cầu gắn kết địa phương và tiên phong trong phát triển bền vững, gần ba thập kỷ vừa qua, Nestlé Việt Nam đã luôn nỗ lực đưa ra lộ trình, giải pháp đổi mới nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu, cam kết bền vững.
Ở lĩnh vực nông nghiệp, ông Pawalit Ua-Amornwanit, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam nhấn mạnh: “Với mục tiêu hướng tới sự bền vững toàn diện, chúng tôi cam kết giảm thiểu đáng kể tác động tiêu cực đến môi trường và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên”.
Ông Pawalit Ua-Amornwanit cho biết bằng việc thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp, doanh nghiệp tập trung vào bốn trụ cột chính: giảm thiểu khí thải carbon, giảm thiểu dấu chân nước, giảm thiểu ô nhiễm nhựa và giảm thiểu chất thải.
Thứ nhất, giảm thiểu khí thải carbon: Áp dụng các giải pháp tiên tiến như sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu suất năng lượng để giảm thiểu lượng khí nhà kính phát thải.
Thứ hai, giảm thiểu dấu chân nước: Thực hiện các biện pháp tái chế nước hiệu quả và tối ưu hóa quá trình sử dụng nước trong sản xuất.
Thứ ba, giảm thiểu ô nhiễm nhựa: Cam kết giảm thiểu lượng nhựa sử dụng trong toàn bộ quy trình sản xuất và bao bì sản phẩm.
Thứ tư, giảm thiểu chất thải: Áp dụng nghiêm ngặt các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn trong quản lý chất thải, nhằm giảm thiểu lượng chất thải ra môi trường và tối đa hóa việc tái sử dụng tài nguyên.
Đồng hành cùng cam kết của Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, Công ty đã và đang áp dụng các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, trở thành doanh nghiệp không phát thải vào năm 2050. Các sáng kiến của công ty hoàn toàn phù hợp với mục tiêu giảm thiểu lãng phí tài nguyên, tăng cường tái chế và bảo vệ môi trường của dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về Kinh tế tuần hoàn (NAPCE).
Thông tin về kế hoạch thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, ông Pawalit Ua-Amornwanit cho biết sẽ nâng cấp và mở rộng hệ thống năng lượng tái tạo, tăng cường sử dụng năng lượng mặt trời, khí sinh học và sinh khối trong toàn bộ các nhà máy, cơ sở sản xuất và trang trại; đồng thời đẩy mạnh tái chế và giảm thiểu chất thải thông qua tối ưu hóa việc tái sử dụng các phụ phẩm sản xuất và giảm rác thải nhựa. Cùng với đó đầu tư vào công nghệ đổi mới, ứng dụng công nghệ thông minh để quản lý năng lượng và tài nguyên hiệu quả, giảm lượng khí thải và nâng cao hiệu suất sản xuất…
Với Unilever Việt Nam, để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, doanh nghiệp đã triển khai một chiến lược toàn diện, đặc biệt trong quản lý rác thải nhựa. Chiến lược này với 4 nhiệm vụ trọng tâm: phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý rác thải nhựa; truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức người dân; ứng dụng công nghệ và đổi mới; xây dựng chính sách.
KẾ HOẠCH THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN
Tháng 2/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường và 3 doanh nghiệp: Unilever Việt Nam, SCGC và Dow đã tiên phong ký kết sáng kiến Hợp tác công tư xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa. Hợp tác nhằm chung tay hành động để giải quyết vấn đề rác thải nhựa thông qua việc đưa rác thải nhựa vào kinh tế tuần hoàn, quản lý vòng đời sản phẩm và nâng cao nguồn cung nguyên liệu bền vững, nâng cao nhậ̂n thức cộ̂ng đồng và thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo trên quy mô toàn quốc.
Tháng 4/2024, Unilever Việt Nam phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Cuộc thi “Giải pháp đổi mới tuần hoàn nhựa 2024” nhằm tìm kiếm và vinh danh các sáng kiến mới, giải pháp đổi mới sáng tạo nâng cao chuỗi giá trị tuần hoàn nhựa, chú trọng giải pháp thu gom, phân loại và tái chế rác thải bao bì nhựa, đặc biệt là bao bì nhựa mềm tại Việt Nam. Mục tiêu xa hơn của chương trình là đẩy mạnh mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa; hỗ trợ thực hiện quy định trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì của nhà sản xuất, nhập khẩu (EPR).
Unilever Việt Nam đã thu gom và tái chế được 34.500 tấn rác thải nhựa đưa vào phục vụ đời sống. Những nhà sản xuất như Unilever sẽ sử dụng hạt nhựa tái sinh này để sản xuất thành chai nhựa mới. Các nhà phân phối như bán lẻ sẽ mang những sản phẩm có bao bì nhựa tái sinh đến tay người tiêu dùng, đồng thời khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục phân loại rác thải nhựa sau khi sử dụng, để vòng tuần hoàn của nhựa tiếp tục được diễn ra.
Đến nay, Unilever Việt Nam đã giảm lượng nhựa sử dụng trong bao bì thông qua cắt giảm nhựa nguyên sinh và tận dụng nhựa PCR, đạt 65% bao bì có khả năng tái chế. Hiện nay, 54% bao bì chai của của công ty sử dụng nhựa tái sinh thay cho nhựa nguyên sinh có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, trong đó các nhãn hàng Sunlight, Lux, Vim, Comfort… được làm từ 100% nhựa tái sinh.
Chia sẻ về kế hoạch thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong thời gian tới, Unilever nhấn mạnh kinh tế tuần hoàn nhựa là một giải pháp hiệu quả giúp giảm ô nhiễm nhựa, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao nguồn cung ứng nhựa tái sinh trong nước (thay vì nhập khẩu), tránh thất thoát tài nguyên.
Vì vậy, cần thay đổi mối quan hệ với nhựa một cách bền vững hơn, giải phóng được giá trị vật liệu lên đến gần 3 tỷ USD/năm, giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm môi trường, kinh tế tuần hoàn nhựa cần được nhân rộng trên phạm vi toàn quốc.
Đại diện Unilever kiến nghị cần sự hợp tác từ cơ quan nhà nước, từ nhà thu gom, tái chế, các tổ chức quốc tế, nhà phân phối. Đồng thời, cần đầu tư cho các công nghệ tái chế hiện đại, hiệu quả cho những loại nhựa phổ biến, đầu tư cho hệ thống thu gom bài bản.
Bên cạnh đó, cần có chính sách khuyến khích cho những doanh nghiệp sử dụng nhựa tái sinh để giải quyết đầu ra và phát triển ngành tái chế nhựa cũng như huy động người dân tham gia phân loại rác tại nguồn để có đầu vào chất lượng cho tái chế...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 50-2024 phát hành ngày 9/12/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam