09:37 05/12/2023

Thúc đẩy phát triển logistics đồng bằng sông Cửu Long khơi thông luồng hàng nông sản

Xuân Nghi

Trong 7 tuyến cao tốc được quy hoạch tại đồng bằng sông Cửu Long, hiện có hai tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi và Trung Lương - Mỹ Thuận đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương giúp rút ngắn thời gian kết nối giữa các tỉnh miền Tây Nam Bộ và TP.HCM nhưng đang bị quá tải, trong khi gần 90% hàng hóa tại khu vực này vận chuyển bằng đường bộ...

Khơi thông "điểm nghẽn" , giảm chi phí logistics tại ĐBSCL là một đòi hỏi cũng là thách thức lớn. Trong ảnh: Tàu trọng tải 20.000 tấn vào sông Hậu cập cảng VIMC Hậu Giang. Ảnh: VIMC.
Khơi thông "điểm nghẽn" , giảm chi phí logistics tại ĐBSCL là một đòi hỏi cũng là thách thức lớn. Trong ảnh: Tàu trọng tải 20.000 tấn vào sông Hậu cập cảng VIMC Hậu Giang. Ảnh: VIMC.

Làm thế nào để giải quyết được bài toán vận chuyển, logistics của đồng bằng sông Cửu Long khi nơi đây sở hữu hệ thống sông ngòi dày đặc với tổng độ dài trên 28.000 km trong đó khoảng 23.000 km có khả năng khai thác vận tải thủy, trong khi thực tế chỉ có khoảng 10% hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy?

ĐÓNG GÓP SẢN LƯỢNG HÀNG HÓA LỚN NHẤT, NHƯNG CHƯA THÔNG LUỒNG NÔNG SẢN

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đồng bằng sông Cửu Long đóng góp cho cả nước khoảng 54% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, gần 65% sản lượng thuỷ sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Báo cáo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, năm 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của đồng bằng sông Cửu Long là 8,5%; trong đó, riêng GRDP nông nghiệp của vùng tăng trưởng 3,01%. Khoảng 90% hàng hóa chuyển bằng đường bộ đến các cảng tại TP.HCM và Bà Rịa – Vũng tàu để xuất khẩu, chỉ khoảng 10% là được chuyển bằng đường thủy. Giá vận tải thủy thấp hơn đường bộ trung bình 30 - 35%, và có thể lên đến 50%.

Tuy nhiên, điểm nghẽn lớn nhất đối với phát triển kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long, theo VLA đó chính là hệ thống logistics (chi phí chiếm đến 30% giá thành) kết nối tất cả các bên trong toàn bộ chu trình sản xuất tới tiêu dùng.  Hệ thống cho logistics khu vực đồng bằng sông Cửu Long thiếu tính liên kết đồng bộ, cơ sở hạ tầng không đáp ứng nhu cầu thực tế thiếu hệ thống cảng biển, nhất là cảng nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu; thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn...

Một thống kê vào năm 2022 của VLA cho thấy, tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, có 1.461 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, chiếm khoảng 4,39% cả nước; trong đó, doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp rất hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nông nghiệp. Điểm lưu ý là hệ thống kho lạnh, kho mát phục vụ nông, thủy sản còn thiếu và dự báo sẽ càng thiếu hụt. Cụ thể chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long có kho lạnh thương mại là Long An, Hậu Giang và Cần Thơ.

PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG ĐỒNG BỘ ĐỂ GIẢI QUYẾT “ĐIỂM NGHẼN”

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 diễn ra tại TP. Cần Thơ (từ ngày 01 – 03/12/2023), việc phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng logistics, và chuyển đổi số - chuyển đổi xanh là các vấn đề được đặt ra đồng thời đề xuất một số giaỉ pháp nhằm gỡ “điểm nghẽn” logistics, khơi thông luồng hàng nông sản trong khu vực.

Vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải chủ yếu của ĐBSCL với hệ thống sông ngòi dày đặc, có tổng chiều dài hơn 28.000 km. Ảnh: Vận chuyển trên kênh Chợ Gạo.
Vận tải thủy nội địa là phương thức vận tải chủ yếu của ĐBSCL với hệ thống sông ngòi dày đặc, có tổng chiều dài hơn 28.000 km. Ảnh: Vận chuyển trên kênh Chợ Gạo.

Về đường bộ, Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/9/2021 phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu vực đồng bằng sông Cửu Long được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài khoảng 1.166 km với quy mô từ 4 đến 6 làn xe. Gồm: Cao tốc TP.|HCM – Cần Thơ – Cà Mau (CT.01), ưu tiên đoạn Mỹ Thuận – Cần Thơ; cao tốc Bắc Nam phía Tây (CT.02) đoạn Lộ Tẻ - Cao Lãnh – Mỹ An; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (CT.34), cao tốc Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu (CT.35), ưu tiên đoạn Hà Tiên – Rạch Giá; cao tốc Hồng Ngự - Trà Vinh (CT.36), ưu tiên đoạn Cao Lãnh – An Hữu và cao tốc TP.HCM – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng.

Ngoài 6 tuyến cao tốc theo quy hoạch, đồng bằng sông Cửu Long hiện đang có/đang xây dựng các tuyến quốc lộ, trục hành lang quan trọng. Bao gồm: Tuyến N1 nối Đức Huệ (Long An) – Hà Tiên (Kiên Giang); quốc lộ N2 nối Chơn Thành (Bình Phước) – Vàm Rầy (Kiên Giang); quốc lộ 1 Sài Gòn - Cà Mau; quốc lộ 50 TP.HCM – Tiền Giang; quốc lộ 60 Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng và tuyến hành lang ven biển dài 750 km từ TP.HCM đi Kiên Giang.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải), quy hoạch hệ thống đường thủy nội địa vùng đồng bằng sông Cửu Long là hết sức quan trọng và cần thiết tại một địa bàn rộng lớn có diện gần 40.600 km2, chiếm 12,3% diện tích đất liền cả nước cùng hệ thống sông ngòi dày đặc nhưng chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong cơ cấu vận chuyển là đường thủy.

Quy hoạch đường thủy nội địa đã được quy định và phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 21/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, hệ thống kết nối đường thủy ở đồng bằng sông Cửu Long có 05 tuyến đường thủy nội địa và một tuyến vận tải ven biển. Đó là các tuyến: Sài Gòn – Hà Tiên (qua kênh Tháp Mười 2), Sài Gòn – Kiên Lương (kênh Tháp Mười), Sài Gòn – Kiên Lương (kênh Lấp Vò), Sài Gòn – Cà Mau (kênh Xà No), tuyến duyên hải Sài Gòn – Cà Mau và tuyến vận tải ven bờ TP.HCM – Kiên Giang.

Về hạ tầng cảng biển, hiện có 6 tuyến luồng hàng hải, gồm: Tuyến kênh Quan Chánh Bố, tuyến luồng qua cửa Định An, luồng qua cửa Tiểu, tuyến luồng vào các cảng thuộc bán đảo Cà Mau, luồng vào các cảng ven Biển Tây (vịnh Thái Lan) và luồng bến Trần Đề; trong đó khu cảng Trần Đề (Sóc Trăng) được quy hoạch thành cảng cửa ngõ quốc tế (sau 2030).

Ngoài ra, cũng theo Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, các tuyến vận tải thủy sông Mekong sẽ thu hút hàng trung chuyển từ Campuchia qua tuyến đường thủy sông Mekong); hàng trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là Long Phú (huyện Ô Môn, TP. Cần Thơ) và sông Hậu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Các cảng vùng đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Đông Nam Bộ có khả năng thu hút hàng trung chuyển và hàng dịch vụ dầu khí vịnh Thái Lan.

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG LOGISTICS VÀ LOGISTICS XANH

Một lĩnh vực rất quan trọng có tác động đến hiệu quả của hoạt động logistics đó là chuyển đổi số. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó logistics là một trong tám ngành được ưu tiên chuyển đổi số trước.

Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics’, đã xác định logistics là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân, cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

Là cảng "sinh sau đẻ muộn", cảng quốc tế Long An đang ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số, thúc đẩy cảng xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, ứng dụng CNTT vào logistics và đặc biệt bảo vệ môi trường.
Là cảng "sinh sau đẻ muộn", cảng quốc tế Long An đang ưu tiên đầu tư cho chuyển đổi số, thúc đẩy cảng xanh, tiết kiệm năng lượng, năng lượng sạch, ứng dụng CNTT vào logistics và đặc biệt bảo vệ môi trường.

Trước thách thức chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong lĩnh vực logistics, ông Bùi Lê Hải Nguyên, Giám đốc điều hành Công nghệ thông tin, Dongtam Group cho rằng, chuyển đổi số đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động logistics, như: Nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng khả năng cạnh tranh và minh bạch trong vận chuyển.

Ông Hải Nguyên chia sẻ thêm: Hiện tại cảng quốc tế Long An (đơn vị thuộc Dongtam Group) đã vận hành thành công các hệ thống chuyển đổi số toàn diện. Cảng đã và đang khai thác, cung cấp đầy đủ các dịch vụ cảng biển và logistics trọn gói. Bao gồm: Khai thác hàng tổng hợp, container; dịch vụ lưu kho bãi; giao nhận hàng hóa quốc tế; vận chuyển thủy bộ; đại lý hải quan…

Được biết, TP. Cần Thơ cũng xác định vai trò là trung tâm về logistics của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Quy hoạch Thành phố Cần Thơ đang trong giai đoạn chuẩn bị ở các bước cuối, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2023. Trong đó, TP. Cần Thơ xác định 3 khu vực phát triển trung tâm logistics phục vụ cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long; bao gồm: Trung tâm logistics hạng II gắn với cảng Cái Cui (theo Quy hoạch logistics tại Quyết định 1012/QĐ-TTg); Cụm cảng và logistics hậu cảng, khu công nghiệp Thốt Nốt nhằm hỗ trợ cho cụm Công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh; và Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không kết nối với sân bay quốc tế Cần Thơ.