Khai thác đoàn tàu hỏa Huế - Đà Nẵng phục vụ du lịch
Việc tổ chức được đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Huế - Đà Nẵng và ngược lại, vừa phục vụ du khách đi lại vừa kết nối được các vùng đất di sản miền Trung, là cần thiết vì Huế được biết đến là vùng đất của di sản và lễ hội, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế...
Lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ngày 22/11 vừa qua đã có buổi làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thừa Thiên - Huế về việc chuẩn bị tổ chức tàu chạy hàng ngày giữa Huế và Đà Nẵng.
Làm việc với VNR, ông Hoàng Hải Minh, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho biết Thành phố Huế đang nỗ lực trở thành thành phố trực thuộc trung ương, phát triển theo hướng đô thị sinh thái, cảnh quan, di sản, văn hóa, thân thiện với môi trường và đô thị thông minh. Trong đó, ưu tiên phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh là du lịch.
Ông Hoàng Hải Minh cũng cho biết thêm, Thừa Thiên - Huế được biết đến là vùng đất của di sản và lễ hội, thu hút rất nhiều du khách nội địa và quốc tế. Việc tổ chức được đoàn tàu du lịch chạy hàng ngày giữa Đà Nẵng và Huế vừa phục vụ được khách du lịch đi lại, vừa kết nối được các vùng đất di sản miền Trung.
Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR, thông tin cho biết hiện nay, VNR tập trung khai thác hiệu quả tàu khu đoạn, cùng với việc nâng cao chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ và điều chỉnh giá vé linh hoạt, khai thác các sản phẩm du lịch trải nghiệm bằng đường sắt, đã tạo được thành công nhất định, nhận sự đánh giá cao của các cấp lãnh đạo và sự quan tâm, ủng hộ của khách hàng. “Giữa ngành đường sắt và Huế có rất nhiều điểm chung, đó là “Di sản – Văn Hóa – Môi trường”. Vì vậy, VNR sẵn sàng đồng hành với tỉnh Thừa Thiên - Huế trong kết nối du lịch di sản đang ngủ quên”, ông Mạnh nói.
Theo VNR, khu đoạn Huế - Đà Nẵng gồm 12 ga với chiều dài 102 km; trong đó có 3 ga nằm trên khu vực đèo dốc xa khu dân cư và 9 ga có thể đón khách là Huế, Hương Thủy, Truồi, Cầu Hai, Thừa Lưu, Lăng Cô, Kim Liên, Thanh Khê và Đà Nẵng.
Thời gian chạy tàu khu đoạn Huế - Đà Nẵng khoảng 3,5 – 4 giờ so với thời gian di chuyển đường bộ khoảng 2 giờ. Song, theo ông Mạnh, lợi thế của vận tải đường sắt là được chạy vào trung tâm hai thành phố nên rất thuận tiện cho hành khách, nhất là khách du lịch.
Theo số liệu thống kê của ngành đường sắt, trong 10 tháng đầu năm 2023, lượng hành khách đi tàu từ Huế đến Đà Nẵng vào khoảng 74.000 hành khách, từ Đà Nẵng đi Huế khoảng 79.000 hành khách; lượng khách bình quân di chuyển giữa 2 thành phố này là 500 khách/ngày. Hiện nay, ngành đường sắt Việt Nam đang chạy 4 đôi tàu Thống Nhất và một đôi tàu chất lượng cao, có tác nghiệp đón trả khách tại Huế và Đà Nẵng.
Phản hồi đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừ Thiên – Huê, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho rằng sau khi nhận được ý tưởng của tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc tổ chức các đôi tàu chạy hàng ngày giữ hai thành phố Huế và Đà Nẵng phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân địa phương, góp phần giảm tải cho vận tải đường bộ, VNR đã khẩn trương làm việc, xây dựng phương án để sớm hiện thực hóa dự án này.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng đề nghị sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Ủy ban nhân dân TP. Đà Nẵng. Bởi theo ông, để khôi phục lại đoạn tuyến này, đặc biệt trong giai đoạn đầu nhằm tạo thói quen di chuyển bằng tàu hỏa cho người dân, lãnh đạo chính quyền cần chỉ đạo các sở, ban ngành tuyên truyền rộng rãi, vận động người dân sử dụng phương tiện di chuyển bằng đường sắt khi đi lại giữa hai thành phố, cũng như liên hệ với hiệp hội du lịch quảng bá về tàu chuyên tuyến du lịch.
Về phần mình, VNR cho bết sẽ sớm giao cho các ban chuyên môn và Công ty Vận tải đường sắt Hà Nội khẩn trương lập kế hoạch chi tiết về giờ tàu, giá vé, ưu tiên chạy vào khung giờ vàng, khai thác tối đa lợi thế của tuyến đường sắt đã được bình chọn đáng trải nghiệm nhất thế giới. Lãnh đạo VNR cũng đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành khảo sát các số liệu, cung cấp cho VNR để xây dựng kế hoạch chi tiết đem lại hiệu quả cao cho dự án này.
Trước đó, việc đầu tư phục hồi tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm – Đà Lạt dài 84 km cũng đã được đề cập trong Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Dự án phục hồi tuyến đường sắt răng cưa này nhằm phục vụ khách du lịch, thưởng ngoạn và phục vụ một phần vận tải cho bà con trong khu vực.
Trong tuyến Tháp Chàm – Đà Lạt này có đoạn tuyến Đà Lạt – Trại Mát cũng vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan sớm thực hiện việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng của tuyến đường sắt Đà Lạt - Trại Mát do đã xuống cấp trầm trọng, nhằm bảo đảm an toàn chạy tàu, thu hút khách du lịch.