11:57 23/12/2023

Thương mại điện tử xa xỉ gặp khó

Băng Sơn

Từng được định giá lên tới 24 tỉ USD, nhưng chỉ sau đó hai năm Farfetch đang bị ông lớn Hàn Quốc thâu tóm. Tháng trước, nhà sáng lập và CEO của Farfetch, Jose Neves, bắt đầu đàm phán để đưa công ty về tư nhân...

Ảnh: Axios
Ảnh: Axios

Trước bờ vực phá sản, Farfetch đã được cứu lại bởi thương vụ 500 triệu USD từ ông trùm sàn thương mại điện tử Hàn Quốc. Coupang, một công ty trong danh sách Fortune 200 vận hành đa dạng dịch vụ e-commerce, giao đồ ăn, phát hành trực tuyến và thanh toán điện tử tại các thị trường châu Á bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Trung Quốc và Ấn Độ, đã đạt được thỏa thuận với một nhóm nhà đầu tư nắm giữ hơn 80% khoản vay có kỳ hạn 600 triệu USD còn tồn đọng của Farfetch. Thỏa thuận bước đầu sẽ cung cấp cho nhà bán lẻ thời trang đang gặp khó khăn 500 triệu USD để duy trì hoạt động.

Hiện giao dịch cổ phiếu của Farfetch, công ty có vốn hóa thị trường là 226,7 triệu USD, đã bị tạm dừng. Trong khi đó, cổ phiếu được niêm yết tại New York của Coupang giảm 4,5% vào phiên giao dịch 18/12. Thời gian qua, Farfetch đã bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của toàn ngành trong bối cảnh kinh tế thế giới suy yếu, khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến việc xếp hạng tín dụng của công ty bị hạ xuống trong những tuần gần đây.

Doanh thu của Farfetch đã giảm 1,3% so với cùng kỳ xuống còn 527 triệu trong quý 2/2023. “Farfetch đang thua lỗ và có vẻ không được trang bị đầy đủ để hoàn tất giao dịch với Richemont. Cổ phiếu của công ty đã giảm hơn 70% kể từ khi IPO vào năm 2018 đến nay”, các nhà phân tích cho biết vào cuối tháng 11. José Neves - giám đốc điều hành và người sáng lập Farfetch được cho là đã thảo luận về việc tư nhân hóa công ty bán lẻ điện tử đa thương hiệu của mình với các cổ đông, bao gồm gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba và tập đoàn xa xỉ Thụy Sĩ Richemont.

Farfetch đã được cứu lại bởi thương vụ 500 triệu USD từ ông trùm sàn thương mại điện tử Hàn Quốc.
Farfetch đã được cứu lại bởi thương vụ 500 triệu USD từ ông trùm sàn thương mại điện tử Hàn Quốc.

“Công ty hy vọng sẽ cung cấp thông tin cập nhật về thị trường vào thời điểm thích hợp. Công ty sẽ không cung cấp bất kỳ dự báo hoặc hướng dẫn nào vào thời điểm này và mọi dự báo hoặc hướng dẫn trước đó sẽ không còn được cân nhắc”, nền tảng thương mại điện tử đã nêu sau đó. Richemont nhanh chóng đưa ra tuyên bố rằng họ sẽ không đầu tư thêm vào Farfetch và một giám đốc điều hành của Alibaba đã từ chức khỏi hội đồng quản trị. Trong cơn bão kinh tế toàn cầu, Farfetch được dự đoán là khó cầm cự nổi với lợi nhuận ít ỏi và số nợ khổng lồ.

Là nền tảng bán lẻ thời trang trực tuyến, được thành lập từ năm 2008 với trụ sở chính đặt tại London, Farfetch cung cấp cho khách hàng các sản phẩm thời trang phụ nữ, nam giới và trẻ em đến từ hàng nghìn nhà thiết kế, thương hiệu cao cấp và cửa hàng bán lẻ từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, công ty cũng cung cấp công nghệ phụ trợ trong mảng thương mại điện tử cho các trung tâm thương mại và thương hiệu thời trang hạng sang như Harrods và Ferragamo.

Năm 2019 Farfetch đã thu mua 100% cổ phiếu của tập đoàn New Guards Group có trụ sở tại Milan với trị giá lên đến 675 triệu USD nắm quyền sở hữu một loạt các thương hiệu đình đám bao gồm Off-White, Heron Preston, Palm Angels và Marcelo Burlon County of Milan. Thế nhưng các nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng xa xỉ liên tục thua lỗ do người tiêu dùng dè sẻn chi tiêu và không còn nhiều hứng thú mua sắm những món đồ đắt tiền trực tuyến sau khi đại dịch Covid-19 qua đi.

Farfetch đang thua lỗ và có vẻ không được trang bị đầy đủ để hoàn tất giao dịch với Richemont.
Farfetch đang thua lỗ và có vẻ không được trang bị đầy đủ để hoàn tất giao dịch với Richemont.

2023 là một năm đặc biệt khó khăn của thị trường thời trang xa xỉ. Theo ghi nhận từ tổ chức phát hành thẻ tín dụng Barclays US, chi tiêu hàng xa xỉ phẩm vẫn ở mức âm: trong tháng 11/2023, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 14% trong tháng 10.

Các dấu hiệu rắc rối đã xuất hiện một thời gian tại Farfetch, nhưng chưa bao giờ thể hiện rõ ràng như vậy cho đến những tuần gần đây. Nhà bán lẻ hàng xa xỉ trước đây đã từng ấp ủ ý tưởng về một thỏa thuận để mua lại 47,5% cổ phần của đối thủ cạnh tranh Yoox Net-A-Porter. Nhưng kế hoạch này đến nay vẫn tiếp tục bị đình trệ.

Theo Reuters, trong quý 2/2023, Farfetch không đạt được doanh thu dự kiến và buộc phải giảm bớt các đơn đặt hàng cho mùa thu và mùa đông do lượng hàng tồn kho còn dư thừa nhiều. Kết quả này đã khiến các nhà phân tích lắc đầu thất vọng. José Neves, Giám đốc điều hành Farfetch, chia sẻ khách hàng đang kém hào hứng hơn ở Mỹ, còn tại Trung Quốc, sự phục hồi không mạnh mẽ như mong đợi.

Với việc người tiêu dùng Mỹ chi tiêu ít hơn cho hàng xa xỉ trong năm qua, nhiều thương hiệu đã hướng sự tập trung tới Trung Quốc, với hy vọng rằng người tiêu dùng ở quốc gia tỷ dân sẽ bù đắp phần nào cho sự suy giảm ở Bắc Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên, điều này đã không thành hiện thực đối với các nhà bán lẻ điện tử như Farfetch, khi Trung Quốc tiếp tục đối mặt với cái mà các chuyên gia gọi là “cuộc khủng hoảng niềm tin của người tiêu dùng”.

Hầu hết người tiêu dùng hiện nay đều gặp khó khăn về tài chính và ngày càng có ý thức hơn về việc họ tiêu tiền vào đâu và như thế nào. Họ có thể sẽ mua nhiều hơn những thứ được gọi là hàng hóa thứ cấp (inferior good) không hẳn vì chúng có chất lượng kém hơn mà vì chúng có giá cả phải chăng hơn. Trong khi đó, Farfetch gần đây đã ước tính rằng tổng giá trị hàng hóa tổng thể của họ sẽ đạt khoảng 4,4 tỷ USD vào năm 2023. Ước tính này là một sự đi xuống so với con số dự kiến trước đó là 4,9 tỷ USD.

Bom Kim, CEO của nhà bán lẻ thương mại điện tử Coupang, phát biểu tại một nhà kho ở Seoul.
Bom Kim, CEO của nhà bán lẻ thương mại điện tử Coupang, phát biểu tại một nhà kho ở Seoul.

Coupang tiết lộ, họ sẽ kết hợp chuyên môn về mặt hậu cần của mình với kinh nghiệm trong thị trường xa xỉ của Farfetch để mở rộng tại Hàn Quốc nói riêng và toàn thế giới nói chung. Công ty đầu tư Greenoaks sẽ tham gia cùng với Coupang. Thương vụ này đem một hy vọng mới đến cho Farfetch, đồng thời giúp Coupang tiến vào thị trường thời trang xa xỉ do cả hai đều hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, dù chỉ khác ngành hàng, Coupang được cho là sẽ mau chóng vực dậy Farfetch, đồng thời đưa doanh nghiệp này trở lại thời kì thịnh vượng.

Quyết định mua lại Farfetch cho thấy khát vọng mở rộng sang thị trường thời trang xa xỉ của ông trùm ngành bán lẻ trực tuyến Hàn Quốc. Từ khi được thành lập vào năm 2010 bởi Bom Kim, công ty đã mở rộng để trở thành nền tảng mua sắm trực tuyến lớn nhất tại Hàn Quốc. Vào năm 2021, gã khổng lồ thương mại điện tử Hàn Quốc đã phát hành 130 triệu cổ phiếu, và đưa giá trị của công ty lên đến khoảng 60 tỷ USD, trở thành một trong những công ty khởi nghiệp có giá trị nhất, cạnh tranh với hai nền tảng mua sắm trực tuyến khác là Amazon (Mỹ) và Alibaba (Trung Quốc).

Ông Bom Kim, giám đốc điều hành của Coupang cho biết: “Farfetch sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để cung cấp những trải nghiệm tốt nhất cho các đối tác, thương hiệu độc quyền trên toàn thế giới, đồng thời đảm bảo sự tăng trưởng ổn định với tư cách là một công ty tư nhân”.

Hiện nay, vai trò của các sàn thương mại diện tử nói riêng và phát triển của công nghệ trong thị trường xa xỉ phẩm có ảnh hưởng rất lớn trong việc nâng cao trải nghiệm mua sắm của khách hàng vì thế, không có gì lạ khi càng có nhiều ông lớn tìm cơ hội gia nhập thị trường trị giá hàng nghìn tỷ đô này. Dẫu vậy, còn quá sớm để có thể dự đoán liệu thương vụ này sẽ đi xa đến đâu.