07:08 08/11/2022

Tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp

Vũ Khuê

Một số nội dung tại các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp gặp khó khăn trong áp dụng, công tác quản lý phát triển cụm công nghiệp hiện gặp nhiều vướng mắc…

Nhiều địa phương không lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn vừa qua.
Nhiều địa phương không lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn vừa qua.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, cả nước có 748 cụm công nghiệp, với tổng diện tích khoảng 23.950 ha đi vào hoạt động. Các cụm công nghiệp trên cả nước đã thu hút được khoảng 13.000 dự án, doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh với tổng vốn đầu tư đăng ký 315.650 tỷ đồng.

Ngày 7/11/2022, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị về cơ chế, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp” nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và 2 năm thực hiện Nghị định số 66/2020/NĐ-CP ngày 11/6/2020 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68/2017/NĐ-CP.

CHÍNH SÁCH CHƯA ĐỦ MẠNH ĐỂ HÚT ĐẦU TƯ

Tại hội nghị Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết từ năm 2017 đến nay, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật trước như: Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường,… và các văn bản hướng dẫn.

Tuy nhiên, một số nội dung tại các Nghị định về quản lý, phát triển cụm công nghiệp gặp vướng mắc trong áp dụng. Một số nội dung khác trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ khó khăn, cần phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung để phù hợp hơn với thực tế…

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù đạt kết quả đáng ghi nhận song việc thực hiện công tác quản lý, phát triển cụm công nghiệp còn nhiều vướng mắc.

Trong đó, việc phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực: Đất đai, đầu tư, đầu tư công, xây dựng liên quan đến cụm công nghiệp thiếu đồng bộ, kịp thời… dẫn đến khó khăn trong áp dụng, triển khai thực hiện quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương.

Tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính để thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp  - Ảnh 1

Một số địa phương không lập quy hoạch phát triển cụm công nghiệp giai đoạn vừa qua khiến đầu tư phát triển cụm công nghiệp hạn chế. Về lập, trình phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tại nhiều địa phương còn chậm, vì vậy phải thực hiện thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần để đáp ứng nhu cầu mặt bằng sản xuất cho các doanh nghiệp.

Nhiều cụm công nghiệp chưa được đầu tư hạ tầng hoàn chỉnh, đặc biệt hạ tầng xử lý môi trường, khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư, hiệu quả đầu tư không cao.

Đặc biệt, các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương chưa xây dựng được cơ chế, chính sách đủ mạnh để hoàn thiện đầu tư hạ tầng, thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp và các doanh nghiệp thứ cấp vào cụm. Nguyên nhân chủ yếu là do ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên bố trí cho nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình phản ánh, Nghị định 68 quy định về tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt trên 50% mới được triển khai cụm công nghiệp khác trên cùng địa bàn. Trong khi đó, thời gian thực hiện các thủ tục dài, gây lãng phí cho doanh nghiệp nên chăng cho phép nhà đầu tư làm cuốn chiếu.

Ngoài ra, những quy định về chuyển đổi đất rừng, đất lúa từ 10ha trở lên phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp hay khu thiết chế để làm nhà ở cho công nhân cũng cần được “nới” hơn để thuận lợi cho nhà đầu tư. 

KHẨN TRƯƠNG XÂY DỰNG NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ

Để tháo gỡ những bất cập về cơ chế, chính sách trong phát triển cụm công nghiệp, ông Thịnh đề xuất, Chính phủ giao Bộ Công Thương khẩn trương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 68/2017/NĐ-CP và Nghị định số 66/2020/NĐ-CP trình Chính phủ trong quý II/2023.

Mặt khác, cần phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp từ ngân sách Trung ương giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời, giao Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn, tổ chức thực hiện Chương trình sau khi được phê duyệt.

Ngoài ra, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi Luật đầu tư theo hướng quy định rõ về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp và dự án đầu tư trong cụm công nghiệp.

Với chức năng của các Bộ, ông Thịnh cho rằng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung pháp luật về đầu tư theo hướng quy định rõ “thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp” và “Sở Công Thương chủ trì thẩm định, trình UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư sản xuất kinh doanh vào cụm công nghiệp”…

Đối với UBND cấp tỉnh, theo ông Thịnh, cần khẩn trương hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn, tích hợp vào quy hoạch tỉnh, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt theo pháp luật quy hoạch.

Tiếp tục chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn. Trong đó, lưu ý việc giải quyết các thủ tục triển khai dự án đầu tư hạ tầng và dự án sản xuất trong cụm công nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tinh giản thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp…

Nghiên cứu xây dựng mới cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn theo hướng khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.

Chỉ ra những nét cơ bản trong định hướng sửa đổi Nghị định 66 và Nghị định 68, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết về công tác quy hoạch sẽ cố gắng tích hợp đồng bộ và đơn giản hoá tối đa thủ tục hành chính.

Nội dung liên quan đến thành lập cụm công nghiệp sẽ kế thừa tinh thần Nghị định 66, Nghị định 68 để đồng bộ quy trình thành lập. Đồng thời hỗ trợ tối đa và cao nhất cho nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật, nhà đầu tư thứ cấp.

Coi trọng yếu tố lựa chọn để phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, cùng đó tận dụng ưu thế địa phương, sử dụng hiệu quả cao nhất tài nguyên đất, trong đó ưu tiên thu hút các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao. Đây là hướng mới trong nội dung dự thảo nghị định thay thế Nghị định 66 và Nghị định 68…