21:39 11/06/2021

Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn bộ công nhân trong khu công nghiệp

Phúc Minh

Chiều 11/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 11/6. Ảnh - VGP/Đình Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chiều 11/6. Ảnh - VGP/Đình Nam.

"Cố gắng trong tháng 7 sẽ tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ cao. Hết tháng 8 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 khẳng định như vậy tại cuộc họp. 

Trước kiến nghị của nhiều địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho công nhân trong khu công nghiệp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao vaccine.

“Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7/2021 sẽ tiêm hết vaccine cho công nhân trong các nhà máy, khu công nghiệp có nguy cơ cao. Hết tháng 8 sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các khu công nghiệp trên cả nước”, Phó Thủ tướng nói.

QUYẾT LIỆT NGĂN DỊCH LÂY VÀO KHU CÔNG NGHIỆP

Đánh giátình hình hiện nay ở TP.HCM, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Dương Anh Đức cho hay vẫn có nguy cơ rất cao dịch lây sang các tỉnh lân cận và vào các khu công nghiệp. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các khu công nghiệp, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết để chuẩn bị tình huống có dịch trong cộng đồng, đặc biệt là khu công nghiệp, địa phương đang chỉ đạo nâng công suất xét nghiệm từ 30.000 mẫu gộp lên 50.000 mẫu gộp/ngày; chuẩn bị các khu cách ly ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố.

Theo đại diện tỉnh Bình Dương, với 29 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, gần 1,2 triệu công nhân, địa phương đã yêu cầu từng công ty phải xây dựng kịch bản phòng, chống dịch, ứng phó khi có ca nhiễm. Tỉnh cũng đã chuẩn bị 10.000 chỗ cách ly tập trung, năng lực điều trị khoảng 600 bệnh nhân; công suất xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu đơn/ngày.

Hiện nay người lao động từ TP.HCM lên Bình Dương làm việc rất đông, vì vậy, tỉnh tiếp tục tập trung kiểm soát y tế đối với người từ vùng dịch, đặc biệt ở TP.HCM; kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, tăng cường xét nghiệm sàng lọc định kỳ cho công nhân.

Tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang chia sẻ, để phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu công nghiệp, Bắc Ninh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.

Cùng với công tác chống dịch, Bắc Ninh cũng tiến hành khôi phục lại hoạt động sản xuất cho khoảng 500 doanh nghiệp. Khi có 1 doanh nghiệp ghi nhận ca nhiễm, tỉnh đã khoanh vùng, xử lý nhanh chóng, không để ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp khác.

Với Bắc Giang, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lê Ánh Dương cho rằng, chống dịch trong khu công nghiệp không thể khoán trắng cho doanh nghiệp mà phải đưa tổ chống dịch trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp.

Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh - VGP. 

Chia  sẻ  kinh nghiệm về phòng chống dịch, Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho  rằng các địa phương phải chuẩn bị kỹ cho phương án 4 tại chỗ thì mới không bị động khi xảy ra dịch bệnh trong khu công nghiệp, khi phải cách ly lập tức hàng nghìn người, xét nghiệm hàng chục nghìn mẫu mỗi ngày, điều trị hàng nghìn ca bệnh…

“Bài học của Bắc Giang do năng lực xét nghiệm ban đầu hạn chế nên không bắt kịp được dịch trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều đơn vị về hỗ trợ thì những ngày còn rất lúng túng do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất”, ông Lê Ánh Dương nói.

KIỂM  SOÁT  DỊCH  KHU  CÔNG  NGHIỆP: QUAN  TRỌNG  NHẤT  3 NGÀY ĐẦU TIÊN

Qua hơn 1 tháng, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.

Theo Phó Thủ tướng, vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong khu công nghiệp, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân.

“Dịch vào khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác”, Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó thì cố gắng để dịch không lây vào khu công nghiệp, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.

Đối với công tác xét nghiệm, Phó Thủ tướng yêu cầu cần có sự thống nhất chỉ huy, điều phối công tác lấy mẫu, xét nghiệm, kết hợp các phương pháp xét nghiệm cho những nhóm đối tượng khác nhau, nhất là trong tình huống có nhiều đơn vị về hỗ trợ, chi viện.

Về khoanh vùng, Phó Thủ tướng cho rằng: “Giãn cách, khoanh vùng đến đâu, phải quyết rất sớm nhưng bên trong phải làm rất chặt, tránh tình trạng khoanh rộng nhưng bên trong lỏng, để dịch dây dưa, kéo dài. Trong tình huống ban đầu chưa thể xác định được chỗ hẹp thì tạm thời khoanh rộng nhưng sau đó khẩn cấp điều tra dịch tễ để khoanh gọn lại”.

Phó Thủ tướng cũng nhắc lại bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang “đối với các doanh nghiệp nhất định phải an toàn mới được hoạt động, sản xuất”. Vì vậy, những địa phương có khu công nghiệp, dù chưa có dịch cũng phải kiểm tra và kiên quyết dừng hoạt động những doanh nghiệp chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu phòng, chống dịch.

Để chủ động trong tình huống có nhiều ca nhiễm ở khu công nghiệp, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương khảo sát trước các địa điểm có thể thành lập các bệnh viện dã chiến, tận dụng tối đa cơ sở vật chất hiện có, chuẩn bị phương án thiết lập các đơn vị điều trị tích cực.