Tiến độ cổ phần hóa: Vẫn giậm chân tại chỗ
6 tháng qua, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước vẫn “giậm chân tại chỗ”. Chỉ có 3 doanh nghiệp được cổ phần hóa, trong đó, không có doanh nghiệp nào thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ...
Số doanh nghiệp còn phải thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch trong 6 tháng cuối năm là 89 doanh nghiệp, tương ứng 70% kế hoạch. Trước tình trạng này, Bộ Tài chính đang rà soát, hoàn thiện nhiều cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa đảm bảo tiến độ đề ra.
88/89 ĐƠN VỊ CHƯA CÔNG BỐ GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP
Thông tin về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước, Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, luỹ kế giai đoạn 2016 đến tháng 6/2021, đã có 183 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 489.943 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 233.944 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong tổng số 183 doanh nghiệp hoàn thành cổ phần hóa, chỉ có 39 doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc danh mục 128 doanh nghiệp cổ phần hóa được được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg ngày 28/12/2016, Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, đạt 30% kế hoạch.
Cả nước còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, tương ứng 70% kế hoạch. Đáng lưu ý, có tới 88/89 doanh nghiệp chưa công bố giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Các doanh nghiệp này sẽ phải tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch.
Riêng 6 tháng đầu năm 2021, Bộ Tài chính nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của ba doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, đều không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với tổng giá trị doanh nghiệp là 252 tỷ đồng, trong đó phần vốn của các tập đoàn, tổng công ty là 151 tỷ đồng.
Cụ thể, trong tháng 4, Cục đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hoá của hai doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc với tổng giá trị doanh nghiệp 202 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Muối Việt Nam, do Nhà nước sở hữu 100% vốn, trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Bắc có 60 năm tồn tại và phát triển, đem lại nguồn cung ứng muối thực phẩm uy tín tại Việt Nam.
Công ty chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào ngày 12/4/2021 với 1,28 triệu cổ phần, với mức 21.300 đồng/cổ phần, qua hình thức đấu giá tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Đây cũng là doanh nghiệp ngành muối duy nhất đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn thời điểm này. Phiên IPO cháy hàng khi nhà đầu tư đặt mua gấp 3 lần số cổ phần mang ra chào bán, trong khi đó giá khởi điểm khá cao. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, cổ phiếu này rơi vào tình trạng “hẩm hiu”, không có bất kỳ giao dịch nào.
Trước đó, trong quý 1/2021, Tổng công ty Phát điện 2 phối hợp Sở Giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HoSE) tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng với số lượng hơn 580 triệu cổ phần, mệnh giá 10 nghìn đồng/cổ phần, giá khởi điểm 24.520 đồng/cổ phần. Tuy nhiên, chỉ có 0,045% tổng số cổ phần được mua, tương đương 262.500 cổ phần, trong đó nhà đầu tư nước ngoài mua 210.500 cổ phần, tổng giá trị 6,4 tỷ đồng.
Về tình hình thoái vốn, lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 – 2020 đã thoái vốn 27.312 tỷ đồng tại các doanh nghiệp, thu về 177.397 tỷ đồng, gấp 6,5 lần giá trị sổ sách.
Trong đó, bao gồm số thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 136 doanh nghiệp với giá vốn 6.758 tỷ đồng, thu về 37.185 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã thoái vốn với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng.
Danh sách doanh nghiệp SCIC dự kiến triển khai bán vốn năm 2021 có 88 doanh nghiệp, trong đó có nhiều “ông lớn”. SCIC thoái 2.309 tỷ đồng tương đương 36% tổng vốn tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, thoái 463 tỷ đồng, tương đương 50,7%…
"RỐI NHƯ TƠ VÒ" VÌ ĐẤT, VÌ CÁCH ĐỊNH GIÁ
Cục Tài chính doanh nghiệp cho biết theo yêu cầu mới, đến năm 2025, các đơn vị chức năng phải cơ bản hoàn tất việc sắp xếp lại khối doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, xử lý cơ bản xong những yếu kém, thất thoát của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá, hình thành đội ngũ quản lý doanh nghiệp nhà nước chuyên nghiệp, có trình độ cao.
Ðể triển khai nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đang hoàn tất dự thảo đề án cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025.
Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân là do tình hình phức tạp, căng thẳng trong các quan hệ kinh tế, chính trị trên thế giới và khu vực; tác động của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính, chứng khoán trong nước và khu vực.
Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, hoạt động đa lĩnh vực, diện tích trải dài ở nhiều địa phương, khiến thủ tục xác định giá trị doanh nghiệp rất phức tạp, “rối như tơ vò” nhiều năm như MobiFone, Agribank, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT,…
Mặt khác, “các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại giai đoạn này hầu hết là các doanh nghiệp lớn, có tình hình tài chính phức tạp, sở hữu nhiều đất đai.
Hoặc, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công ích, gắn liền với các hoạt động của địa phương, đóng góp vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện các chiến lược, mục tiêu về an sinh xã hội của địa phương”, ông Tiến chỉ rõ.
Dự kiến, nếu IPO thành công, Agribank sẽ thu 19.847 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ. VNPT dự kiến thu 30.759 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ. Hay MobiFone dự kiến thu 9.255 tỷ đồng nếu Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ...
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật quản lý tài sản công về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý. Đa số doanh nghiệp nhà nước chưa chủ động triển khai các chính sách pháp luật về đất đai, đến khi phải thực hiện cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khó khăn nhất nằm trong việc định giá doanh nghiệp, vì nó liên quan đến việc bán quyền sở hữu. Nếu quá trình định giá xảy ra nhiều sai sót, sẽ dẫn đến hậu quả tốn thời gian và không thu được kết quả như mong muốn. Định giá thấp có thể gây ra thiệt hại về tài chính cho Nhà nước, hoặc không bán được cổ phần nếu định giá cao quá so với giá thị trường.
Một nguyên nhân quan trọng nữa, do nhận thức của lãnh đạo các doanh nghiệp sau cổ phần hóa về việc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn và công tác thực hiện niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán còn chưa đúng, chưa đầy đủ.