08:48 21/06/2021

Tiền tháo chạy khỏi blue-chips, định giá nhóm này còn hấp dẫn?

An Nhiên

Sau một thời gian tiền đổ vào dồn dập, thanh khoản có phiên kịch kim lên đến 18.000 tỷ, nhóm VN30 đang có dấu hiệu hạ nhiệt…

Chốt phiên giao dịch cuối tuần thứ ba của tháng 6, VN-Index tiếp tục leo lên đỉnh mới của lịch sử tại mốc 1.377 điểm, tăng 1,31%. Tuy nhiên, khác với những pha chinh phục trước đó chủ yếu nhờ nhóm VN30 làm đòn bẩy, lần này dòng tiền luân chuyển rõ rệt với trọng tâm mới là nhóm Midcap.

MIDCAP HÚT TIỀN, VN30 TẠM HẾT THỜI?

Chỉ số VNMID đóng cửa tăng 1,14% so với tham chiếu với 40 mã tăng, 23 mã giảm, thanh khoản tốt hơn kể từ đầu tháng 6 tới nay, phiên nào cũng vượt ngưỡng 6.000 tỷ đồng, riêng phiên 18/6 giá trị bùng nổ hơn 6.854 tỷ đồng.

Song song với tín hiệu tích cực ở nhóm Micap, kể từ 10/6 đến nay, thanh khoản nhóm VN30 lại suy yếu rõ rệt. Nếu như một tháng trước đó, giá trị khớp lệnh nhóm này có lúc lên đến 18.000 tỷ đồng thì những phiên gần đây chỉ xung quanh 10.000 tỷ, riêng phiên cuối tuần qua còn 9.800 tỷ. Rất nhiều mã trong rổ này đã sụt giảm lượng giao dịch đáng kể so với trung bình 5 phiên hoặc 10 phiên gần nhất.

Diễn biến VN30.
Diễn biến VN30.

Chẳng hạn, ở nhóm ngân hàng, BID của Ngân hàng BIDV sau một thời gian tăng nóng đã hạ nhiệt giảm từ đầu tháng 6. Thị giá BID giảm hơn 4%, thanh khoản 5 phiên gần đây cũng teo tóp hơn với trung bình 3,2 triệu cổ phiếu được khớp, giá trị giao dịch loanh quanh 147 tỷ. Trong khi trước đó khối lượng giao dịch trung bình 7 triệu cổ phiếu, cá biệt phiên lên đến 13 triệu cổ phiếu được sang tay, giá trị giao dịch bình quân 300 tỷ đồng mỗi phiên.

Cầu yếu rõ rệt nhất phải nhắc đến VPB từng làm mưa làm gió thị trường những ngày rực rỡ của tháng 5 với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên 2.000 - 3.000 tỷ đồng. Sau phiên 11/6 ghi nhận kỷ lục cả về giá lẫn khối lượng giao dịch 75 triệu cổ phiếu được sang tay, VPB quay đầu lao dốc, số lượng cổ phiếu được mua bán rơi rớt. Ba phiên gần đây chỉ còn khoảng 15 - 16 triệu cổ phiếu được mua bán, giá trị giao dịch hơn 1.000 tỷ đồng, tất nhiên đây vẫn là ngưỡng khá cao so với thời điểm 2 tháng trước của VPB và so với bối cảnh chung của thị trường.

Tương tự, STB, CTG, HDB, MBB, TCB thị giá giảm thanh khoản cũng giảm theo đáng kể so với bình quân 5-6 phiên liền kề trước đó.

Ở nhóm chứng khoán với đại diện là SSI thanh khoản 2 phiên gần đây giảm còn một nửa, giá trị giao dịch loanh quanh 400-500 tỷ đồng, giảm 50% so với những phiên trước đó. Thị giá của SSI đang xu hướng đi ngang, chờ kết quả kinh doanh bán niên để xác định lại xu hướng mua bán của nhà đầu tư.

Với nhóm bất động sản, cả kể thị giá tăng liên tiếp như KDH với mức giá tăng 5% kể từ đầu tháng 6 nhưng thanh khoản tại mã này cũng giảm rõ rệt với bình quân 10 phiên trở lại loanh quanh 1,5 - 2 triệu cổ phiếu, tổng giá trị mỗi phiên bình quân chỉ 60-70 tỷ đồng. Trong khi trước đó giao dịch bình quân mỗi phiên  6-7 triệu cổ phiếu sang tay, giá trị giao dịch cũng gấp đôi. Hay như NVL thị giá đi ngang nhưng thanh khoản cũng sụt giảm với khối lượng giao dịch bình quân 1,5 triệu cổ phiếu, tổng giá trị giao dịch bình quân 179 tỷ đồng mỗi phiên.

HPG của Tập đoàn Hoà Phát sau chuỗi ngày tăng nóng cũng hạ nhiệt kể từ đầu tháng 6, thanh khoản bình quân một tuần trở lại đây mỗi phiên 25 triệu cổ phiếu, giá trị giao dịch trung bình 1.500 tỷ mỗi phiên, thấp đáng kể so với 2.000 - 3.000 tỷ giai đoạn hoàng kim trước đó.

Diễn biến cổ phiếu HPG.
Diễn biến cổ phiếu HPG.

Nhìn chung sự suy yếu của dòng tiền vào nhóm VN30 là điều đã được lường từ trước đó vấn đề chỉ là thời gian. Đúng như nhận định của giới chuyên môn, nhóm ngân hàng, chứng khoán, thép sau một thời gian bứt phá định giá nhóm này cũng đã không còn nhiều hấp dẫn so với triển vọng lợi nhuận, dòng tiền buộc phải luân chuyển tìm kiếm cơ hội sinh lời từ nhóm khác. Riêng cổ phiếu nhóm ngân hàng đã tăng 34,4% kể từ đầu năm, nhóm chứng khoán tăng 58,8%, riêng cổ phiếu thép đã tăng 70% kể từ đầu năm. Với nhóm bất động sản, dù được đánh giá tiềm năng hấp dẫn nhưng so với thị trường nhóm này khá mờ nhạt trong thời gian gần đây do không có động lực lớn nào về tăng vốn, bán vốn như ngân hàng hay chứng khoán.

Trong khi đó, một số nhóm đang được đánh giá là còn dư địa tăng trưởng cao nhờ triển vọng lợi nhuận tốt như bảo hiểm, bán lẻ, thuỷ sản hay phân bón, vận tải biển gắn với câu chuyện lạm phát và làn sóng tăng giá chưa từng có của cước vận tải biển, phân bón, hay cổ phiếu nhóm mía đường… Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, nhiều khả năng xu hướng xa lánh VN30 chỉ tạm thời trong ngắn hạn, bởi động lực nhóm VN30 được đánh giá vẫn còn hấp dẫn trong dài hạn, mức tập trung vốn ở các nhóm này thấp cũng sẽ hạn chế cho những trận đánh lớn của dòng tiền. 

ĐỊNH GIÁ VN30 LIỆU CÒN HẤP DẪN?

Theo đánh giá của Fiinpro, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của nhóm VN30 dự kiến sẽ tăng mạnh từ mức thấp kỷ lục trong năm 2020, dự kiến đạt 19,0%. Trong đó, khối doanh nghiệp phi tài chính trong VN30 dự kiến lợi nhuận sau thuế tăng 19,4% so với cùng kỳ còn khối Tài chính bao gồm ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán ở mức 18,6%.

Một số doanh nghiệp đầu ngành như VIC, VNM, GAS, VJC đưa ra kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với dự báo của giới phân tích và  nhiều ngân hàng quy mô vừa và nhỏ bao gồm TCB, VPB, TPB đặt mục tiêu lợi nhuận cao hơn so với dự báo của giới phân tích trước đó.

Hiện VN30 được định giá ở mức 17,1x lợi nhuận 2021 và chỉ số VN30 đã tăng 36,2% từ đầu năm, khiến cho định giá hiện tại của nhóm VN30 không còn quá hấp dẫn so với giai đoạn trước Covid-19 và triển vọng năm nay. Tuy nhiên, đây vẫn là mức thấp hơn so với bình quân cả VN-Index và triển vọng 2022 sẽ là yếu tố quan trọng để chỉ báo về sự hấp dẫn của nhóm các cổ phiếu lớn đầu ngành này.

Tiền tháo chạy khỏi blue-chips, định giá nhóm này còn hấp dẫn? - Ảnh 1

Theo tính toán của Fiinpro, VN30 có P/E forward (dự báo) ở mức 17,1x (hiện ở mức 17,76x) và P/B forward (dự báo) ở mức 2,5x (hiện ở mức 3,2x). Triển vọng lợi nhuận tích cực nhưng thu nhập tính trên mỗi cổ phiếu (EPS) của nhóm VN30 dự kiến tăng khá thấp so với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế (4,4% vs. 19%) chủ yếu do ảnh hưởng của hoạt động phát hành pha loãng và huy động vốn cổ phần mới.

Về triển vọng năm 2022, dựa trên số liệu về dự báo của giới phân tích về 72 doanh nghiệp niêm yết có tổng vốn hóa chiếm 70% toàn thị trường, lợi nhuận sau thuế dự báo năm 2022 được tính toán ở mức 33,4%. Các ngân hàng vẫn được dự báo với mức tăng trưởng ấn tượng ở mức 33,8% về lợi nhuận sau thuế trong khi đó các Doanh nghiệp phi tài chính ở mức 33,1%.