Tìm hướng phát triển đột phá cho vùng động lực phía Bắc
Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có sự phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán...
Chiều ngày 10/4, tại TP Hải Phòng, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với VCCI Hải Phòng tổ chức Diễn đàn Kinh tế - Tài chính 2023 với chủ đề: “Đổi mới, sáng tạo, phát triển, bứt phá Vùng động lực phía Bắc”.
Diễn đàn nhằm kịp thời tuyên truyền các chủ trương, định hướng lớn của Trung ương, đồng thời tạo diễn đàn trao đổi, tiếp nhận ý kiến của nhà đầu tư, các chuyên gia và nhà khoa học tham gia đóng góp vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, đặc biệt là huy động các nguồn lực đưa Vùng động lực phía Bắc tiếp tục đổi mới, sáng tạo, bứt phá.
Năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tập trung phát triển 4 vùng động lực quốc gia và các hành lang kinh tế, trong đó có Vùng động lực phía Bắc (gồm tam giác Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh).
Theo con số thống kê, trong những năm gần đây, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ có sự phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng đạt 9,08%/năm, cao nhất trong các vùng kinh tế trọng điểm. Thu ngân sách nhà nước của các địa phương trong vùng đều đạt và vượt dự toán.
Từ năm 2017, tất cả 7 địa phương trong vùng đều có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương, đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách của cả nước. TP Hà Nội, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu lớn nhất nước.
Theo ông Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, sự phát triển của các địa phương trong vùng động lực thời gian qua còn rời rạc, mạnh địa phương nào, địa phương đó làm, chưa có sự thống nhất chung trong thu hút nguồn lực, cũng như thiếu tính định hướng đầu tư bền vững, do vậy việc triển khai lập qui hoạch phát triển chung, chi tiết toàn vùng, qua đó để điều phối, phân bổ các nguồn lực đầu tư phù hợp theo lợi thế của từng địa phương là cần thiết, đồng thời phải xác định rõ nhiệm vụ nâng cao sức cạnh tranh toàn Vùng với khu vực, với quốc tế chứ không cạnh tranh trong nội vùng.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và chính sách tài chính – Bộ Tài Chính, trong những năm gần đây, tuy con số thu ngân sách nhà nước của vùng động lực phía Bắc có tăng, nhưng việc chi dùng ngân sách vẫn lớn, việc thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước tại các địa phương tương đối thấp, tốc độ triển khai giải ngân vốn đầu tư công chậm, thấp hơn so với kế hoạch do vậy ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng.
Để khắc phục tình trạng này, tại Diễn đàn các chuyên gia đều cho rằng cần có những quyết sách đủ mạnh, như nhóm giải pháp về huy động nguồn lực tài chính, nhóm giải pháp về phân bổ nguồn lực đầu tư… những giải pháp này đều hướng tới việc tập trung thu hút, sử dụng hiệu quả những nguồn lực đó trong đầu tư, phát triển, để tạo thành những chuỗi giá trị có sức lan tỏa, có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, cần chú trọng việc duy trì sự an ninh, an toàn trong môi trường đầu tư, ưu tiên tập trung hỗ trợ nguồn lực (có chọn lọc) cho khu vực kinh tế tư nhân, khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ; kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp…