TP.HCM: 70% phụ huynh có con học lớp 1 chưa nhất trí việc trở lại trường
Các trường tiểu học thuộc những quận trung tâm như 1, 3, 4, 10... và cả khu vực ngoại thành, bao gồm hai huyện Củ Chi, Cần Giờ được đánh giá là nơi kiểm soát dịch bệnh tốt, nhưng thì tỷ lệ phụ huynh đồng thuận con trở lại trường cũng không cao...
Theo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục do UBND thành phố ban hành mới đây, ngoài 2 khối lớp cuối cấp là 9 và 12 thì khối 1 cũng được ưu tiên cho đi học vào ngày 13/12.
Tuy nhiên, qua khảo sát mới đây của ngành giáo dục thành phố, trong tổng số 121.759/131.244 phụ huynh có con đang học lớp 1 tại các trường tiểu học trên địa bàn cho ý kiến, thì chỉ 36.316 phụ huynh (29,82%) đồng ý để con đến trường học trực tiếp từ 13/12, còn lại hơn 70% không đồng ý. Nhiều nhất là các trường tiểu học thuộc quận trung tâm thành phố như 1, 3, 4, 10... kể cả khu vực ngoại thành, bao gồm hai huyện Củ Chi, Cần Giờ đều có tỷ lệ phụ huynh đồng thuận không cao.
Ngoài ra, một số ý kiến cho rằng, quy định “thời khóa biểu dạy học trực tiếp thay đổi theo cấp độ dịch của từng khu vực do UBND TP. HCM công bố hàng tuần” khiến nhiều gia đình không thể sắp xếp thời gian đưa đón con. Đặc biệt tới đây, khi đối tượng thí điểm dạy học trực tiếp mở rộng với bậc mầm non, hàng loạt vấn đề khác sẽ được đặt ra như: tổ chức bữa ăn bán trú, bố trí chỗ ăn, ngủ cho học sinh, quy định khu vực đón và trả trẻ dành cho phụ huynh, vệ sinh, khử khuẩn đồ dùng, đồ chơi trong lớp học… lại càng nảy sinh nhiều băn khoăn, lo lắng.
Việc cho phép các trung tâm ngoại ngữ, đào tạo kỹ năng sống hoạt động trở lại cũng là điều lo lắng của các bậc phụ huynh về nguy cơ lây lan dịch bệnh. Theo thống kê, tại thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.781 học sinh lớp 1 đang mắc Covid-19, trong đó nhiều nhất là TP Thủ Đức, huyện Hóc Môn, quận 12, Bình Tân...
Tại buổi họp báo về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố chiều 6/12, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM cho biết, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với ngành y tế đảm bảo các kế hoạch an toàn cụ thể cho từng nhóm đối tượng.
Ông Dương Trí Dũng cho hay, việc cho học sinh lớp 1 đi học cần được ưu tiên, vì đây là khối học sinh mới chuyển từ bậc mầm non lên, các em chưa được đến trường ngày nào nên việc học trực tuyến sẽ gặp nhiều khó khăn so với các khối còn lại khi bắt đầu các bài học vỡ lòng. Do đó, các trường học, địa phương phải tuyên truyền, vận động hơn nữa với phụ huynh về cơ sở vật chất luôn đảm bảo an toàn để cha mẹ các em yên tâm. Sao cho sự lo lắng của phụ huynh phải biến thành động lực, hỗ trợ ngành giáo dục đào tạo khi học sinh đi học trở lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị phương án học tập trở lại cụ thể sau khi có kế hoạch của UBND TP.HCM cho phép một số cấp lớp đến trường. Bên cạnh việc học trực tiếp trong thời gian thí điểm, Sở tiếp tục duy trì các kênh học trực tuyến qua Internet, truyền hình, các clip hướng dẫn.
Với một số học sinh chưa thể quay lại trường do ảnh hưởng tâm lý từ đợt dịch vừa qua, Sở chủ trương giao cho trường, giáo viên chủ nhiệm và các bộ phận liên quan theo dõi. Đặc biệt là kích hoạt lại tổ tư vấn tâm lý tại trường học để xử lý tình huống khi học sinh hay phụ huynh có dấu hiệu sang chấn, đồng thời cũng lên kế hoạch nâng đỡ tâm lý cho học sinh thuộc nhóm yếu thế.
Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng lên kế hoạch phối hợp với Sở Y tế bồi dưỡng đội ngũ, thẩm định phương án về an toàn phòng chống dịch ngay tại các đơn vị. Hiện Sở đang thẩm định mẫu phương án phòng chống dịch tại một trường THPT của quận 1 để làm mẫu cho các địa phương. Dựa trên kết quả sau 2 tuần thí điểm và căn cứ tình hình thực tế sẽ tính toán, trình UBND thành phố phương án mở rộng việc đi học trực tiếp sao cho linh hoạt trong phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó còn chuẩn bị phương án dành cho học sinh vẫn mắc kẹt tại địa phương, vùng dịch chưa thể đến trường tiếp tục học trực tuyến sao cho đảm bảo về thời lượng học tập nhưng không cứng nhắc khi các học sinh phải nghỉ học đối với tình hình y tế và tình hình sức khỏe của các em.