TP.HCM chỉ đạo xử lý tình trạng giả danh nhân viên ngân hàng nước ngoài để lừa đảo
Một số chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn TP.HCM phản ánh bị các tổ chức cho vay qua app sử dụng thông tin, hình ảnh để thực hiện hành vi lừa đảo…
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND thành phố về việc bị các đối tượng sử dụng thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo.
Do đó, vừa qua Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng đã có chỉ đạo giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Công an TP.HCM theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị nghiên cứu phản ánh của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM về việc chi nhánh ngân hàng nước ngoài bị các đối tượng sử dụng thông tin để lừa đảo.
Từ đó, TP.HCM sẽ nắm bắt thông tin và phối hợp xử lý đối với những nội dung phát sinh thuộc thẩm quyền, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch trên địa bàn thành phố.
Theo phản ánh của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thời gian qua xảy ra hiện tượng một số cá nhân không rõ lai lịch đã tự nhận là nhân viên của ngân hàng, sử dụng mạng xã hội để kết bạn, yêu cầu những người có nhu cầu vay vốn truy cập vào các đường dẫn do các đối tượng này cung cấp nhằm khai thác thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại, địa chỉ, căn cước công dân) và đề nghị những người này chuyển tiền trước để được cho vay hoặc đặt cọc để được giải tỏa khoản vay. Sau đó các đối tượng này chiếm đoạt các khoản tiền đã được chuyển.
Các ngân hàng nhận định việc làm trên đã gây ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Về các phản ánh trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận thấy đây không phải là thông tin mới. Thực tế, từ cuối năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM đã nhận được các phản ánh tương tự của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đã có báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Tại văn bản số 254/NHNN-TTGSNH ngày 14/1/2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có hướng dẫn, yêu cầu các tổ chức tín dụng có liên quan thực hiện rà soát, chấn chỉnh xử lý nội bộ để tránh rủi ro cho hoạt động của đơn vị mình.
Đồng thời, đề nghị các đơn vị có văn bản báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM để được xem xét và xử lý (theo hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước Việt Nam thì việc xử lý tổ chức giả mạo địa chỉ hợp pháp của tổ chức tín dụng thuộc thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh); trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển hồ sơ liên quan đến cơ quan điều tra để phối hợp xử lý theo thẩm quyền.
Theo đó, các đơn vị có phản ảnh nội dung này đã có văn bản thông báo với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM và trình báo sự việc với Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP.HCM để đề nghị hỗ trợ, xử lý.
Ngoài ra, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng tăng cường đăng tải thông tin, hình ảnh về ngân hàng mình trên trang thông tin điện tử nhằm cung cấp thông tin chính xác cho khách hàng khi có nhu cầu giao dịch.
Từ cơ sở nêu trên, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM nhận thấy hiện tượng sử dụng thông tin, hình ảnh của các chi nhánh ngân hàng nước ngoài trên địa bàn TP.HCM để thực hiện hành vi lừa đảo lại tiếp diễn và đang diễn ra phức tạp, có khả năng sẽ có nhiều tổ chức tín dụng sẽ bị các đối tượng sử dụng thông tin, hình ảnh, thương hiệu để lừa đảo, trục lợi gây ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM nếu như vấn đề này không được giải quyết triệt để.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Việt Nam (NCSC) đã ghi nhận hàng loạt website giả mạo các sàn thương mại điện tử nổi tiếng, ngân hàng… để thực hiện hành vi lừa đảo.
Hệ thống của Trung tâm gần đây đã tiếp nhận 224 phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về tình trạng website giả mạo, lừa đảo. Nhóm ngành tài chính - ngân hàng hiện đang là mục tiêu hàng đầu của các cuộc tấn công lừa đảo, theo sau là ngành bán lẻ - thương mại và giả mạo cơ quan chức năng.
Để phòng chống lừa đảo trực tuyến hiệu quả, người dùng cần nâng cao nhận thức và kiến thức về an ninh mạng bằng cách cập nhật các kiến thức, tìm hiểu các thông tin liên quan (hình thức lừa đảo, dấu hiệu cảnh báo, phân biệt nội dung thông tin).
Do đó, cùng với việc công khai các website giả mạo và phối hợp ngăn chặn để người dùng tránh truy cập cũng như làm theo hướng dẫn của các trang này, NCSC cũng khuyến cáo người dùng cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi thực hiện giao dịch chuyển tiền cũng như cung cấp thông tin cá nhân.