22:21 23/06/2021

TP.HCM đầu tư, phát triển nhiều loại hình buýt thủy nội địa

Xuân Nghi

Nhiều tuyến vận tải hành khách đường thủy nội địa từ TP.HCM đi các tỉnh Long An, Tiền Giang,… sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 – 2030 nhằm phục vụ hành khách đô thị và du lịch bằng buýt đường thủy và thủy taxi...

Một bến tàu thủy du lịch nội địa trên sông ở nội thành TP.HCM
Một bến tàu thủy du lịch nội địa trên sông ở nội thành TP.HCM

UBND TP.HCM vừa giao Sở Giao thông vận tải TPP.HCM phê duyệt đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; trong đó có nhiệm vụ phát triển vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy.

Theo đó, đề án gồm hai giai đoạn. Giai đoạn 2021 - 2025, TP.HCM tiến hành nghiên cứu đầu tư phát triển tuyến vận tải hành khách đường thủy từ TP.HCM đi các tỉnh Long An, Tiền Giang. Giai đoạn 2026 - 2030, đa dạng hóa các loại hình vận tải buýt đường thủy, taxi thủy phục vụ vận tải hành khách đô thị và du lịch.

Đề án gồm sáu tuyến đường thủy bao gồm: Tuyến 1, Sài Gòn - Quận 7; tuyến 2, Sài Gòn - Bình Lợi - Bình Hòa (Q. Bình Thạnh); tuyến 3, Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi - sông Chợ Đệm (H. Bình Chánh); tuyến 4, Sài Gòn - Hiệp Phước (H. Nhà Bè); tuyến 5, Bạch Đằng - Rạch Chiếc - phân khu phía Đông VinCity (TP.Thủ Đức); tuyến 6, sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - rạch Bến Cát - sông Trường Đai - kênh Tham Lương Q.12).

Để triển khai đồng bộ công việc, UBND TP.HCM cũng yêu cầu Sở GTVT đầu tư hạ tầng giao thông đường thủy kết nối với hệ thống cảng biển, nạo vét luồng, nâng cấp các công trình, gồm: Các cầu trên các tuyến Rạch Chiếc - Trau Trảu - sông Tắc, cầu Ông Nhiêu, các cầu trên tuyến rạch Giồng Ông Tố - rạch Đồng Trong. Ngoài ra, Thành phố cũng yêu cầu đầu tư xây dựng cảng cạn Long Bình mới trên sông Đồng Nai nhằm phục vụ di dời cụm cảng Trường Thọ; cảng cạn trong khu công nghệ cao trên rạch Ông Nhiêu phục vụ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.

Trước đó, cuối tháng 5/2020, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định điều chuyển 11 bến thủy nội địa (cầu tàu, nhà chờ, bến đỗ) phục vụ du lịch từ Cảng vụ Đường thủy nội địa sang Trung tâm Quản lý đường thủy. Lý do điều chuyển các bến này cho Trung tâm Quản lý đường thủy là nhằm thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ trong việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa. 11 bến thủy nội địa được điều chuyển gồm: Bến trạm văn phòng Phân khu 2, bến khu di tích Giồng Chùa, bến Tắc Xuất - Cần Thạnh, bến đò Phú Xuân - Phước Khánh, bến Lò Gốm, bến Ban quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ, bến khu dân cư Bình Hòa, bến chùa Hội Sơn, bến trạm chùa Long Hoa, bến đường Bình Đông, bến trạm văn phòng Phân khu 1. Thành phố giao Sở Văn hóa, thể thao và du lịch hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với từng tuyến, điểm du lịch và giao các quận huyện thu hút các đơn vị đầu tư nâng cấp các cầu bến, nhà chờ…

Thành phố khai thác hạ tầng đường thủy hiện hữu kết hợp kêu gọi xã hội hóa đầu tư các bến thủy nội địa trên các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn Thành phố; trong đó ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách, khách du lịch đường thủy trên địa bàn các huyện Cần Giờ và Củ Chi.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có khoảng 30 doanh nghiệp đang kinh doanh, khai thác vận chuyển và phục vụ du lịch đường thủy; 84 phương tiện vận tải khách du lịch, gồm: 6 tàu nhà hàng, 72 tàu/ca nô du lịch và 6 tàu chở khách cao tốc, 4 tàu buýt thủy.

Thành phố có mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, gồm 2.953 tuyến với tổng chiều dài 4.368 km có các tuyến sông, kênh, rạch chảy sâu vào khu vực trung tâm thành phố, tạo nên không gian, cảnh quan kiến trúc thành phố; phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa và phát triển du lịch bằng đường thủy, nhưng thành phố vẫn chưa khai thác được tiềm năng.