TP.HCM lập tổ công tác nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm
Khu vực trung tâm TP.HCM gồm: các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành sẽ được thiết kế tổng thể và lên kế hoạch đầu tư xây dựng…
UBND TP.HCM vừa ban hành quyết định về thành lập Tổ công tác đầu tư nghiên cứu phát triển không gian đô thị khu vực trung tâm thành phố, định hướng phát triển về giao thông, bến bãi đậu xe, trung tâm thương mại ngầm, không gian ngầm (gọi tắt là Tổ công tác).
Theo đó, Tổ công tác gồm 14 thành viên do ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm Tổ trưởng; ông Trương Trung Kiên, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm Tổ phó; lãnh đạo các sở, ngành liên quan làm thành viên.
Tổ công tác có nhiệm vụ tổng hợp thông tin, đánh giá hiện trạng khu vực toàn diện về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kiến trúc cảnh quan đô thị, cũng như các đồ án quy hoạch trước đây và kết quả của các cuộc thi ý tưởng phát triển quy hoạch không gian đô thị khu vực trung tâm TP.HCM…
Từ những thông tin nghiên cứu trên, Tổ công tác xây dựng phương án định hướng thiết kế đô thị tổng thể và đề xuất kế hoạch đầu tư xây dựng khu vực trung tâm thành phố tại các trục đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi, Công viên 23/9, khu vực nhà ga Bến Thành, Chợ Bến Thành (bao gồm định hướng phát triển giao thông, quy hoạch xây dựng không gian trên mặt đất và phát triển không gian ngầm).
Đồng thời, tổng hợp báo cáo, tham mưu đề xuất trình UBND TP.HCM về định hướng quy hoạch, hình thức đầu tư và phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với khu tam giác Trần Hưng Đạo - Nguyễn Thái Học - Phạm Ngũ Lão, quận 1 và khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 theo nội dung Kết luận của Ban cán sự đảng UBND TP.HCM.
Bên cạnh đó, xác định nghĩa vụ tài chính đối với việc khai thác sử dụng không gian ngầm, đề xuất kế hoạch thực hiện, hình thức kêu gọi đầu tư, nguồn vốn đầu tư, phân kỳ đầu tư (thứ tự ưu tiên đầu tư, thời gian thực hiện).
Ngoài ra, tổ chức hội thảo, mời các chuyên gia để phản biện, tổng hợp đề xuất phương án và kế hoạch thực hiện trình Thường trực UBND TP.HCM xem xét trước ngày 30/8/2023, báo cáo Thường trực Thành ủy xin chủ trương tổ chức thực hiện.
Trước đó, Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM được UBND TP.HCM giao tham mưu thành lập Tổ công tác rà soát thực hiện dự án Khu tứ giác Nguyễn Cư Trinh (Mả Lạng) và dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học.
Tổ công tác khẩn trương làm việc, đề xuất UBND TPHCM về phương thức thực hiện dự án trong quý II/2023, đảm bảo khả thi, đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế, đảm bảo tối đa quyền lợi của người dân theo quy định.
Được biết, Khu Mả Lạng là khu tứ giác giới hạn bởi 4 tuyến đường Nguyễn Trãi - Cống Quỳnh - Trần Đình Xu - Nguyễn Cư Trinh, quận 1. Trước năm 1975, nơi này có nhiều ngôi mộ nằm xen cài với nhà dân nên thường được người dân gọi là khu Mả Lạng. Từ 1975 - 1985, các ngôi mộ tại khu này được di dời đi.
Tuy có vị trí đắc địa ở khu trung tâm quận 1 nhưng khu Mả Lạng có hàng trăm căn nhà diện tích dưới 20m2, sập xệ, nằm san sát nhau. Để chỉnh trang đô thị, từ năm 2000, TP.HCM đã có chủ trương giải tỏa khu Mả Lạng với tổng diện tích gần 7 ha. Khi đó, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn được giao làm chủ đầu tư nhưng không thể triển khai dự án.
Đến năm 2007, dự án chỉnh trang khu Mả Lạng được chuyển giao cho Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư. Dự kiến, khu Mả Lạng sẽ trở thành khu phức hợp, khách sạn, cao ốc văn phòng và trung tâm thương mại.
Để thực hiện dự án, sẽ phải giải toả trắng hơn 1.400 căn nhà. Theo kế hoạch, công tác di dời, bố trí tái định cư cho người dân khu Mả Lạng bắt đầu từ giữa năm 2018. Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Đến năm 2022, UBND TP.HCM giao các sở ngành tham mưu xem xét, chấm dứt dự án.
Dự án Khu tam giác Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học có diện tích hơn 12.500 m2, được xem là "tam giác vàng" ở trung tâm TP.HCM.
Năm 2007, nơi này được quy hoạch chức năng thương mại, dịch vụ như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính... Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án chưa được thực hiện vì vướng mắc pháp lý kêu gọi đầu tư, cuối năm 2020 TP.HCM đã huỷ bỏ.