15:09 28/06/2021

TP.HCM:  "siết" chợ truyền thống thì đi chợ online

Minh Nguyệt

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, một số chợ truyền thống tại TP.HCM tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp phạm vi hoạt động và phát phiếu chẵn - lẻ để thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch...

Thời gian qua, chợ truyền thống đã và đang thay đổi hình thức kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh với các cửa hàng tiện lợi, bách hoá hiện đại. Hiện tại, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM lại khiến các tiểu thương chợ truyền thống phải tiếp tục nhanh chóng thích nghi với phương thức bán hàng trực tuyến để duy trì doanh thu.

BÁN HÀNG TRÊN ZALO

Tối ngày 26/6, ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết công ty đã nhận được công văn khẩn của UBND huyện Hóc Môn về việc tạm dừng các hoạt động tập kết giao hàng trực tiếp tại chợ đầu mối Hóc Môn. Thời gian được tính từ 0 giờ ngày 28/6 đến 10 giờ 4/7, Ban giám đốc đã tiến hành thông báo ngay cho các thương nhân.

Sau khi thông báo đến các thương nhân tại chợ, thông qua mạng xã hội, các sạp đã thông tin đến bạn hàng việc tạm ngưng bán hàng trực tiếp tại chợ vài ngày nhưng vẫn bán hàng qua điện thoại. UBND huyện cũng giao Ban giám đốc công ty thông tin đến các tiểu thương biết để thay đổi hình thức vận chuyển, giao và nhận hàng theo hình thức điều phối trực tuyến, giao tận nơi cho những khách hàng, không thực hiện trực tiếp tại chợ, đảm bảo hàng hoá lưu thông thông suốt, đến tay người tiêu dùng.

Cũng như vậy, các tiểu thương tại Chợ Bình Khánh- TP. Thủ Đức cho hay, thực hiện yêu cầu phòng dịch trong những ngày vừa qua tuy không mở sạp nhưng hàng hóa thực phẩm khô vẫn xuất bán đều đặn và giao tận nơi cho người tiêu dùng. Nhiều tiểu thương tại chợ đã dùng điện thoại thông minh, đưa hình hàng hóa lên zalo, kết bạn với khách hàng quen và giờ đây ai có nhu gì cứ đặt hàng qua Zalo sẽ được giao tận nơi, thanh toán có thể chuyển khoản.

Ngay cả các mặt hàng tươi sống như thịt cá giờ đây cũng có thể mua bán thông qua mạng xã hội.
Ngay cả các mặt hàng tươi sống như thịt cá giờ đây cũng có thể mua bán thông qua mạng xã hội.

Tại các chợ truyền thống lớn, bán sỉ như chợ Bình Tây, Bà Chiểu... giờ đây nhiều tiểu thương đã thành thạo với việc quay video, chụp hình mẫu sản phẩm rồi gửi cho khách hàng lựa chọn, tạo đơn hàng để giao hàng qua các app và nhận tiền bằng chuyển khoản. Nhờ đó, các chủ sạp hàng vẫn đảm bảo doanh thu, hàng hóa cung cấp đến các chợ lẻ đều đặn.

Bà Huỳnh Mỹ Hương, chủ sạp hàng thịt heo, thịt bò ở Chợ Hoàng Hoa Thám- Quận Phú Nhuận cho hay các đơn hàng online nhận được mỗi ngày duy trì ổn định, nhất là khi bà học được cách ứng dụng mạng xã hội để kết nối với bạn hàng và nhận thanh toán qua chuyển khoản. “Từ khi dịch bùng phát, nhiều khách hàng ngại đi đến chợ đông người nên tôi chuyển qua nhắn tin Zalo xem hàng ngày, hàng tuần khách có nhu cầu gì không thì sẽ chuẩn bị hàng rồi đem giao tận nhà. Mua bán giao dịch xong khách sẽ chuyển tiền vào tài khoản cho mình,” bà Hương cho biết.

RAU CỦ TĂNG GIÁ DO VẬN CHUYỂN KHÓ KHĂN

Sau khi TP.HCM tiếp tục có công văn siết chặt công tác phòng chống dịch tại chợ truyền thống, giá các mặt hàng rau củ quả ở các chợ dân sinh có dấu hiệu tăng giá.

Khảo sát tại chợ Bình Triệu (TP.Thủ Đức) ngày 17/6 cho thấy, giá các loại rau tăng ít nhất 30% so với khoảng nửa tháng trước. Cụ thể, bí đỏ 20.000 đồng/kg, tăng 8.000 đồng/kg, thậm chí không có để mua. Các loại rau như rau muống, mồng tơi, cải các loại hay xà lách… đều tăng từ 10% tới 30% tùy loại. Rau muống hiện có giá bán 28.000 đồng/kg, cải xanh 20.000 đồng/kg, dưa leo 30.000 đồng/kg. Giá thịt heo cũng tăng 3.000 đồng/kg tới 5.000 đồng/kg tùy loại.

Chị Hương Lan (quận 5, TP.HCM) cho biết giá hầu hết các loại rau đều tăng, một số loại hải sản như tôm, cá… đã tăng giá 20% tùy loại. “Dù tăng giá nhưng ba ngày nay cũng không có hàng để đặt mua, vì bà con tiểu thương nghỉ bán nhiều.Trong khi đó, giá một số loại trái cây như thanh long, xoài, ổi, dưa hấu lại giảm giá nhẹ do đang vào mùa,” chị Lan nói.

Không chỉ rau xanh ở chợ mà ở một số cửa hàng cũng tăng mạnh. Cụ thể như dưa leo lên 30.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng/kg so với lúc đầu tháng 6; đậu cô ve có giá 44.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg; các loại củ quả như bắp cải, cà rốt, khoai tây... tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg. Ngược lại giá các thực phẩm khác như hàng khô, đông lạnh thì hầu như không thay đổi.

Tại các chợ dân sinh, giá các loại rau tăng ít nhất 30% so với khoảng nửa tháng trước.
Tại các chợ dân sinh, giá các loại rau tăng ít nhất 30% so với khoảng nửa tháng trước.

Theo giải thích chung của một số tiểu thương, giá rau xanh tăng lên là do thực hiện giãn cách xã hội không chỉ ở TP.HCM mà còn ở nhiều tỉnh thành khác nên việc vận chuyển khó khăn hơn, nhất là rau xanh phải được cung cấp hằng ngày cho tươi mới. Bên cạnh đó họ cũng sợ không bán hết nên lấy ít hàng hơn trước nhưng người mua lại nhiều hơn khi xe đẩy, vỉa hè không còn... Do đó, mức tăng này chủ yếu diễn ra ở chợ truyền thống hoặc các cửa hàng nhỏ lẻ trong khi tại một số cửa hàng và siêu thị như Bách hóa Xanh, Co.opmart, Lottemart... giá chỉ tăng nhẹ hoặc ổn định.

Bên cạnh đó, giá các loại thịt cá lại khá ổn định. Cụ thể, thịt heo đùi 150.000 đồng/kg, thịt cốt lết 140.000 đồng/kg, sườn non 153.000 đồng/kg, chân giò 140.000 đồng/kg, ba rọi 180.000 đồng/kg, nạc đùi 150.000 đồng/kg, cà chua 20.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng/kg).