Trịnh Văn Quyết lĩnh án 21 năm tù, khắc phục hơn 1.866 tỷ đồng
Tòa án phạt bị cáo Quyết mức án18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 21 năm tù...
Trong các ngày 22-5/8, Tòa án nhân dân TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn FLC) và 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
CỰU CHỦ TỊCH FLC LĨNH ÁN 21 NĂM TÙ
Sau nhiều ngày nghị án, tòa án phạt bị cáo Quyết mức án 18 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Về trách nhiệm dân sự, bị cáo Quyết bồi thường cho các nhà đầu tư là hơn 1.366 tỷ đồng, phải truy nộp số tiền 500 tỷ đồng hưởng lợi từ hành vi thao túng chứng khoán. Tổng số tiền bị cáo phải khắc phục là hơn 1.866 tỷ đồng. Ghi nhận gia đình bị cáo dùng toàn bộ tài sản để khắc phục hậu quả và xác nhận đã nộp 264 tỷ đồng.
Em gái bị cáo Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế nhận mức án 11 năm 6 tháng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 30 tháng tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 14 năm tù. Bị cáo Huế phải khắc phục 251 tỷ đồng.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga nhận mức án 6 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2 năm tù tội Thao túng thị trường chứng khoán, tổng hợp hình phạt 8 năm tù. Bị cáo Nga phải truy nộp 83 tỷ đồng.
Các bị cáo còn lại nhận mức án từ 20 tháng cho hưởng án treo đến 11 năm tù về các tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thao túng thị trường chứng khoán, Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nhóm bị cáo phạm tội liên quan đến chứng khoán bị cấm hành nghề trong lĩnh vực chứng khoán 1 năm.
Theo Hội đồng xét xử, căn cứ lời khai của các bị cáo, tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, có đủ căn cứ xác định bị cáo Quyết và các đồng phạm có hành vi nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, rồi chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Ngoài ra, từ năm 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ruột) cùng nhiều thuộc cấp mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng lập hồ sơ, thủ tục để thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thực hiện hành vi thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Các hành vi thao túng trên bị cáo buộc tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu nêu trên, thu lợi bất chính khoảng 700 tỷ đồng. Do hành vi thao túng mã AMD diễn ra trước thời điểm Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, số tiền các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi thao túng 4 mã HAI, GAB, ART, FLC là hơn 684 tỷ đồng.
Tòa án xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết giữ vai trò chủ mưu, chỉ đạo việc nâng khống vốn góp Công ty Faros, đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu hành cổ phiếu ROS, đưa cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE. Ông Quyết cũng là người quyết định việc sử dụng số tiền chiếm đoạt được.
Bị cáo Trịnh Văn Quyết cũng là người chỉ đạo việc lập, quản lý, sử dụng các tài khoản chứng khoán, mua bán liên tục để thao túng giá 5 mã cổ phiếu.
“Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm pháp luật hình sự, chứng khoán, số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, lợi dụng sàn chứng khoán HOSE, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư, gây bức xúc trong xã hội. Do đó cần phải xử lý nghiêm”, bản án sơ thẩm nêu rõ.
Trước đó, quá trình xét xử, ông Quyết thừa nhận làm một số việc “vượt quá giới hạn pháp luật cho phép”. Ông Quyết nói rất hối hận vì nhiều người thân, người bạn, đồng nghiệp vì tin tưởng mình mà rơi vào vòng lao lý.
Cựu chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC xin giảm nhẹ án cho các bị cáo liên đới và gửi lời xin lỗi đến các bị hại. Nhiều bị cáo khác cũng thừa nhận lỗi đã tiếp tay cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư. Có bị cáo cho rằng, vụ án xảy ra đã làm lộ những lỗ hổng trong các quy định hoạt động của thị trường chứng khoán…
Liên quan đến việc xác định số lượng bị hại và số tiền chiếm đoạt, Hội đồng xét xử nhận định, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi gian dối làm cho các nhà đầu tư lầm tưởng Công ty Faros có vốn thật để thu lợi hơn 3.600 tỷ đồng.
Tòa án xác định có 25.853 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS trong đợt đầu là bị hại. Có nhà đầu tư đã bán cổ phiếu, có người có lãi, có người bị thua lỗ, có người không còn sở hữu cổ phiếu… song tòa án vẫn xác định họ là bị hại.
Bởi lẽ tại thời điểm mua cổ phiếu, họ không biết các bị cáo có hành vi nâng khống vốn. Việc có nhà đầu tư không bị thua lỗ có thể do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan… Vì vậy tòa án xác định việc Viện kiểm sát truy tố các bị cáo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng là có căn cứ.
Về nhóm tội Thao túng thị trường chứng khoán, Hội đồng xét xử xác định Công ty chứng khoán BOS thu phí từ hành vi bất hợp pháp hơn 42 tỷ đồng nên buộc phải truy nộp số tiền trên.