Trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải khai báo trực tiếp về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng
Sau khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công, trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động cần đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng...
Người lao động gửi phản ánh đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội liên quan đến trợ cấp thất nghiệp. Theo nội dung phản ánh, người lao động đã đăng ký nhận trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công tại TP. HCM theo hình thức nhận tiền qua ngân hàng và được chấp nhận.
Câu hỏi đặt ra là: Tất cả quy trình này đều online hay chỉ 3 tháng nhận tiền trợ cấp thất nghiệp? Người lao động có phải trình diện tại cơ quan giới thiệu việc làm hằng tháng hay không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật Việc làm, trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng người lao động phải trực tiếp thông báo với Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp về việc tìm kiếm việc làm.
Trừ các trường hợp sau đây: Người lao động ốm đau, thai sản, tai nạn có giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; trường hợp bất khả kháng.
Các trường hợp này phải thực hiện thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng gián tiếp theo quy định tại Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 28/2015 đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 15/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 53 Luật Việc làm, người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp khi không thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng theo quy định.
Theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về bảo hiểm thất nghiệp, người lao động đã hưởng ít nhất 1 tháng trợ cấp thất nghiệp theo quy định, mà có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác, thì phải làm đề nghị chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đồng thời, gửi cho Trung tâm Dịch vụ việc làm nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Như vậy, sau khi làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp online trên Cổng dịch vụ công, trong quá trình hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải đến trực tiếp Trung tâm Dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm hằng tháng.
Nếu người lao động có nhu cầu chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp, thì thực hiện các thủ tục chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp theo các quy định nêu trên.
Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp được quy định tại Điều 16 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP của Chính phủ gồm: Đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo mẫu do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định.
Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn, hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc hợp đồng làm việc.
Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với hợp đồng lao động theo mùa vụ, hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng, đến dưới 12 tháng, thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động là bản chính, hoặc bản sao có chứng thực của hợp đồng đó. Ngoài ra cần nộp sổ bảo hiểm xã hội.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ước đến hết tháng 6, số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 18,3 triệu người, chiếm 39,05%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp ước đạt 14,2 triệu người, tăng 1,67% so với cùng kỳ 2023.