15:45 27/03/2023

Trung Quốc cam kết hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, vì sao Jack Ma vẫn chưa trở lại?

Hoài Thu

Tỷ phú Jack Ma có lẽ là một trong những cơ hội tốt nhất để Chính phủ Trung Quốc khôi phục niềm tin vào khu vực kinh tế tư nhân của nước này. Nhưng đến nay, vị tỷ phú vẫn bỏ ngoài tai những chào mời của Bắc Kinh...

Tỷ phú Jack Ma gần như biến mất khỏi truyền thông sau bài phát biểu "vạ miệng" năm 2020 - Ảnh: Bloomberg
Tỷ phú Jack Ma gần như biến mất khỏi truyền thông sau bài phát biểu "vạ miệng" năm 2020 - Ảnh: Bloomberg

Là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất Trung Quốc, ông Jack Ma người đồng sáng lập tập đoàn Alibaba và startup công nghệ tài chính Ant Group, đã biến mất hoàn toàn khỏi truyền thông sau bài phát biểu chỉ trích nhà chức trách ở Thượng Hải năm 2020. Bài phát biểu “vạ miệng” được cho là nguồn cơn khiến Ant Group bị đình chỉ thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và khiến Alibaba chịu sự giám sát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng.

"THỦ LĨNH" CỘNG ĐỒNG DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN CHƯA TRỞ LẠI

Những năm sau đó, Bắc Kinh khởi động chiến dịch siết quản lý với nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, các nền tảng internet cho tới giáo dục. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp toàn cầu ngày càng hoài nghi về cam kết của Bắc Kinh đối với các doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, khi Trung Quốc gần đây chuyển sang tập trung vào phục hồi kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống Covid, Chính phủ nước này muốn phát triển hình ảnh thân thiện với doanh nghiệp.

Theo nguồn tin thân cận của Bloomberg, các nhà chức trách Trung Quốc đã nhiều lần thử thuyết phục ông Jack Ma - người hiện đang ở nước ngoài - về nước và giúp thể hiện sự hỗ trợ của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tỷ phú 58 tuổi vẫn lựa chọn ở lại nước ngoài và nói rằng ông đã rút khỏi ban lãnh đạo của các công ty do mình sáng lập để tập trung vào nghiên cứu công nghệ nông nghiệp.

Còn tại Ant Group và Alibaba, ông nói với các giám đốc không nên đặt nặng  việc ông có trở về Trung Quốc hay không và nhấn mạnh rằng ông vẫn dõi theo họ dù ở xa - nguồn tin cho hay.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của vị tỷ phú nổi tiếng có nguy cơ trở thành một biểu tượng cho sự ngờ vực của tầng lớp doanh nhân cũng như các nhà đầu tư toàn cầu đối với Bắc Kinh, ngay giữa thời điểm tân Thủ tướng Lý Cường cam kết hỗ trợ khu vực tư nhân.

Quảng cáo cho ngày hội mua sắm nhân dịp Lễ độc thân của Alibaba tại Thượng Hải vào tháng 11/2022 - Ảnh: Bloomberg
Quảng cáo cho ngày hội mua sắm nhân dịp Lễ độc thân của Alibaba tại Thượng Hải vào tháng 11/2022 - Ảnh: Bloomberg

Theo các nhà phân tích, kể cả khi Bắc Kinh liên tục nhấn mạnh rằng sẽ hỗ trợ khu vực tư nhân, sự hoài nghi vẫn rất lớn.

“Thông điệp công khai là hỗ trợ các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, nhưng hệ tư tưởng và sự kiểm soát của nhà nước vẫn diễn ra mạnh mẽ”, ông Christopher Marquis, đồng tác giả cuốn sách “Mao and Markets: The Communist Roots of Chinese Enterprise”, nhận xét. “Các doanh nghiệp vẫn nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền”.

Sự biến mất đột ngột vào tháng trước của doanh nhân ngành ngân hàng Bao Fan - một nhân vật được cho là có liên quan tới một cuộc điều tra của Chính phủ - đã làm dấy lên nỗI lo trong giới doanh nhân ở Trung Quốc rằng chiến dịch siết quản lý khu vực tư nhân của Bắc Kinh vẫn chưa kết thúc.

Tới tháng 1 năm nay, kể cả khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thông báo đang xem xét các phương thức để hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ, các thực thể do Chính phủ hậu thuẫn vẫn tìm cách siết chặt kiểm soát đối với Alibaba bằng việc thâu tóm “cổ phiếu vàng” tại công ty truyền thông thuộc tập đoàn này. Kế hoạch tương tự cũng được thực hiện với một chi nhánh của công ty công nghệ Tencent - nguồn tin của Bloomberg cho biết. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng dự kiến thành lập một cơ quan quốc gia để giám sát và bảo vệ tài nguyên dữ liệu.

“Cách tiếp cận của Bắc Kinh vẫn là ưu tiên các tổ chức Đảng và nhà nước”, ông George Magnus, một tác gia nổi tiếng về Trung Quốc, nhận định. “Các doanh nghiệp tư nhân được phép phát triển, miễn là họ theo đuổi và tôn trọng các mục tiêu và triết lý của Đảng”.

Điều này có tác động rất lớn đối với tỷ phú Jack Ma, Alibaba và Ant - những công ty đi đầu trong lĩnh vực tư nhân ở Trung Quốc.

SỐ PHẬN CỦA ANT

Từng là một biểu tượng của sự đổi mới sáng tạo và khu vực tư nhân của Trung Quốc, Ant Group đã bị đình chỉ thương vụ IPO có giá trị kỷ lục vào tháng 10/2020. Chỉ vài năm trước đó, ông Jack Ma, cũng là một Đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc - được vinh danh vì những đóng góp cho đất nước tại một sự kiện tại Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh.

Khuôn viên của Ant Group tại thành phố Hàng Châu, Chiết Giang - Ảnh: Bloomberg
Khuôn viên của Ant Group tại thành phố Hàng Châu, Chiết Giang - Ảnh: Bloomberg

Tuy nhiên, mọi thứ đảo chiều chỉ sau bài phát biểu của ông Jack Mai tại hội nghị thượng đỉnh Bund Summit ở Thượng Hải. Trong đó, ông cảnh báo những quy định lỗi thời của Trung Quốc sẽ bóp nghẹt sự đổi mới sáng tạo, đồng thời ví các tổ chức tài chính truyền thống của nước này là “hiệu cầm đồ”.

Chỉ vài ngày sau đó, các nhà chức trách Trung Quốc đình chỉ IPO của Ant vào phút chót, gây chấn động thị trường Hồng Kông và Mỹ. Theo một nguồn tin, công ty này vẫn có kế hoạch niêm yết nhưng có thể sẽ vẫn hoãn IPO trong năm nay. Và khi niêm yết, những mảng kinh doanh không phải là nền tảng cho hoạt động tài chính ở Trung Quốc của công ty sẽ bị loại ra, và chỉ bao gồm mảng kinh doanh ở nước ngoài cũng như các mảng công nghệ gồm chuỗi khối và dịch vụ cơ sở dữ liệu.

Ant cũng tập trung vào cải tổ hoạt động để làm hài lòng các nhà chức trách Trung Quốc như xây dựng các tường lửa trong hệ sinh thái của mình. Hồi tháng 1, ông Jack Ma cho biết sẽ từ bỏ quyền kiểm soát tại Ant với việc giảm quyền biểu quyết của mình xuống chỉ còn 6,2%.

Do đó, khi Ant khởi động lại kết hoạch IPO, đây sẽ là một công ty rất khác so với gã khổng lồ được định giá 315 tỷ USD vào năm 2020. Định giá của Ant hiện đã giảm đáng kể khi công ty này chuyển hướng theo hướng thiên về tài chính nhiều hơn công nghệ. Tháng 11 năm ngoái, Fidelity Investments định giá Ant chỉ khoảng 64 tỷ USD.

Tiếp đó, công ty này cũng phải tìm ra quan chức nhà nước nào sẽ giám sát hoạt động kinh doanh khổng lồ trải dài từ quản lý tài sản, thanh toán cho tới tín dụng của mình. Và quan trọng hơn, khi nào nhà chức trách sẽ cấp cho công ty giấy phép hoạt động tài chính để đảm bảo sự tồn tại của mình.

KHU VỰC TƯ NHÂN TRONG GỌNG KÌM

Tất cả những điều này được cho là lý do để ông Jack Ma tỏ ra thận trọng hơn. Ngoài việc phải rút khỏi các công ty của mình, ông cũng mất đi sức ảnh hưởng là một nhà lãnh đạo trong cộng đồng doanh nghiệp ở Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, ông từ chức chủ tịch hiệp hội doanh nhân ở tỉnh Chiết Giang - nơi đặt trụ sở của Ant.

Ông Jack Ma tại đảo Mallorca năm 2021 - Ảnh: Getty Images
Ông Jack Ma tại đảo Mallorca năm 2021 - Ảnh: Getty Images

Do không có thông tin chính thức về những gì đã xảy ra với ông, người dùng mạng xã hội bắt đầu đồn đoán về tài sản của ông. Dù vậy, nguồn tin của Bloomberg cho biết ông vẫn đang trong trạng thái sức khỏe và tinh thần tốt. Ông đã đi vòng quanh thế giới, từ Vienna cho tới Tokyo, Hồng Kông. Tháng 7 năm ngoái, ông ghé thăm Đại học Wageningen ở Hà Lan để tìm hiểu về nông nghiệp và ngư nghiệp bền vững. Đầu năm nay, ông được nhìn thấy tại một nhà hàng ở Bangkok, Thái Lan.

Theo nguồn tin, ông Jack Ma đã tự dằn vặt mình vì việc Ant gặp trắc trở sau bài phát biểu của ông ở Thượng Hải năm 2020. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, kể cả không có sự kiện đó, công cuộc siết quản lý của Bắc Kinh vẫn xảy ra. Ant đã lấn sân sang lĩnh vực cho vay truyền thống. Lượng dữ liệu khổng lồ mà công ty này thu được khiến họ trở thành mục tiêu của các nhà quản lý - những người muốn kiểm soát an ninh quốc gia tốt hơn và khai thác tài nguyên dữ liệu đó cho hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, hiện tại, tình hình đã có những dấu hiệu khởi sắc. Các nhà chức trách gần đây đã cho phép công ty cho vay tiêu dùng của Ant tăng vốn. Chủ tịch Eric Jing của Ant đã có một cuộc phỏng vấn hiếm hoi với truyền thông nhà nước vào đầu năm nay, trong đó ông nhấn mạnh sự hỗ trợ của Chính phủ với các doanh nghiệp tư nhân.

“Đất nước đã thay đổi lập trường hoặc thay đổi mức độ hỗ trợ dành cho khu vực kinh tế tư nhân”, ông Jing nói với một hãng thông tấn nhà nước ở Chiết Giang. “Chính phủ kỳ vọng các công ty internet sẽ tiếp tục tạo ra việc làm và cạnh tranh với quốc tế”.

Dù vậy, ở thời điểm hiện tại, các doanh nhân tư nhân vẫn chưa xóa bỏ được quan ngại. Sự sụt giảm tăng trưởng tại Alibaba và Ant đang ảnh hưởng đến các startup hoạt động dựa vào hệ sinh thái khổng lồ của hai công ty này.

Một nhà sáng lập doanh nghiệp giấu tên ở Chiết Giang cho rằng khu vực tư nhân vẫn chưa cải thiện đáng kể sau chiến dịch siết quản lý vài năm qua của nhà chức trách. "Cánh tay thép" của nhà nước vẫn có mặt khắp nơi và sự hỗ trợ mà Bắc Kinh cam kết vẫn còn hạn chế.

Theo giới quan sát, tác động của chiến dịch trên tới các tầng lớp doanh nhân ở Trung Quốc sẽ còn kéo dài, dù ông Jack Ma có trở lại hay không.

“Tôi phải nói rằng doanh nghiệp càng lớn thì càng gặp nguy hiểm”, ông Hu, người sáng lập một công ty tư nhân cỡ trung ở Trung Quốc chia sẻ và đề nghị giấu tên. “Ông Jack Ma vẫn nên là một vị thủ lĩnh tinh thần tại các doanh nghiệp của ông ấy và đi vòng quanh thế giới. Đó là một lựa chọn an toàn nhất. Hãy quên những tham vọng của ông ấy đi”.