Trung Quốc nhập khẩu 260 tỷ USD nông sản mỗi năm, Việt Nam mới chiếm 5% thị phần
Lưu lượng xe đưa nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đang tăng lên từng ngày, hiện mỗi ngày tại Lào Cai có trên 500 xe, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Tuy nhiên, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc vẫn còn gặp phải rất nhiều khó khăn, thách thức…
Thông tin tại diễn đàn trực tuyến: Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 10/2/2023, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
CHIẾM TỶ TRỌNG CHƯA ĐẾN 5% THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC
Ông Vương Trịnh Quốc, Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Lào Cai, cho biết từ 8/1 đến nay, các hoạt động tại Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai đã khôi phục bình thường như trước khi chưa có dịch.
“Một tháng qua có hơn 6.000 lượt phương tiện xuất nhập hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai, chủ yếu là Cửa khẩu Kim Thành. Trong đó có 2.000 lượt xe xuất và 4.000 lượt xe nhập khẩu, với các mặt hàng chủ yếu là hoa quả tươi, đậu xanh, lạc, sắn trong đó thanh long tươi chiếm 80%”, ông Quốc thông tin.
Lào Cai cũng tạo điều kiện thuận lợi để các tỉnh Vĩnh Long, Long An, Ninh Thuận xuất khẩu nông sản qua cửa khẩu của tỉnh. Tỉnh cũng kiện tạo điều kiện cơ sở hạ tầng, biện pháp thủ tục đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp.
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhận định, việc Trung Quốc mở rộng cửa các cửa khẩu trở lại từ ngày 8/1/2023 vừa qua là tin mừng đối với doanh nghiệp hai nước song cũng là thách thức với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.
"Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD các mặt hàng nông lâm thủy sản, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu nông lâm thủy sản của Trung Quốc trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5%".
Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nông sản.
Ông Hòa lưu ý các doanh nghiệp muốn xuất khẩu vào Trung Quốc cần hoàn thiện hồ sơ, từ nay đến 30/6/2023. Riêng với mặt hàng hoa quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp hơn 2.000 mã số cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng với rau quả tươi. Việc liên quan đến thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công Thương liên quan đến RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực)”, ông Hòa chia sẻ.
Ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư kiểm dịch thực vật đối với các sản phẩm nông sản gồm: chuối, sầu riêng, măng cụt, thạch đen, cám gạo và gạo. Đồng thời, Cục cũng đang đàm phán để ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch một số quả tươi truyền thống như dưa hấu, thanh long, xoài, mít, nhãn, vải và chôm chôm; hướng dẫn xuất khẩu tạm thời ớt, chanh leo.
Hai bên cũng đang đàm phán kỹ thuật để xuất khẩu: khoai lang (đã ký Nghị định thư, hiện hai bên đang chuẩn bị kiểm tra thực địa các cơ sở đóng gói), dược liệu, bưởi và một số loại quả thuộc nhóm cây có múi và dừa. Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nộp hồ sơ đối với quả na và thảo quả cho phía Trung Quốc.
Một số khó khăn, tồn tại trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc được Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật chỉ rõ: vẫn còn tình trạng mạo danh mã số, sử dụng không đúng mã số để xuất khẩu làm ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt Nam.
“Để giải quyết vấn đề này, trong thời gian vừa qua Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng cơ sở dữ liệu và công bố mã số vùng trồng. Đồng thời phối hợp với các chi cục kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu để kiểm soát chặt chẽ”, ông Đạt thông tin.
Trước việc nhiều doanh nghiệp phản ánh gặp khó khăn trong quá trình đăng ký xuất khẩu gạo vào thị trường Trung Quốc, ông Huỳnh Tấn Đạt cho biết: đến nay mới chỉ có 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu chính ngạch sản phẩm gạo và cám gạo vào Trung Quốc.
“Để được chấp thuận xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo quy định, chứng minh đầy đủ thành phần hồ sơ liên quan đến công đoạn sản xuất ngoài đồng ruộng đến thu hoạch, sơ chế, chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm HACCP”, ông Đạt nhấn mạnh.
KIẾN NGHỊ KÉO DÀI THỜI GIAN THÔNG QUAN ĐẾN 22 GIỜ
Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Lào Cai nêu vấn đề: Doanh nghiệp nông sản nếu phải dừng quá lâu ở cửa khẩu sẽ bị thiệt hại do khâu bảo quản.
“Các doanh nghiệp Trung Quốc khi xuất khẩu sang Việt Nam được tạo điều kiện tối đa để thông quan nhanh nhất, an toàn nhất. Tôi hy vọng phía Vân Nam cũng tạo điều kiện như vậy với hàng hóa từ Lào Cai sang. Mặt khác, đề nghị phía bạn kéo dài thời gian thông quan đến 22h hàng ngày”, bà Nguyệt kiến nghị.
“Cách đây 2 ngày, Trung Quốc đã khai thông tuyến đường sắt giữa Lào và Thái Lan. Như vậy, thời gian vận chuyển hàng hóa, trong đó có các sản phẩm nông sản từ Thái Lan sang Trung Quốc sẽ giảm bớt 1 ngày, cùng với đó chi phí vận chuyển sẽ giảm trên 20%. Đây là một vấn đề đặt ra cho chúng ta”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cảnh báo.
TS Trà My, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam lâm thời tại Trung Quốc, cho rằng: Quan điểm sai lầm của nhiều người là thị trường Trung Quốc dễ tính. Chúng tôi hoạt động nhiều năm tại đây, thấy rằng sự thật không phải như vậy.
Bà My lưu ý các doanh nghiệp trong nước về việc “gò ép” số lượng mà quên đảm bảo chất lượng. “Hôm trước tôi đến một kho hàng sầu riêng, thấy nhiều quả vẫn còn sâu, rệp trên vỏ. Nếu chúng ta cứ cố đóng những container hàng như vậy thì khả năng cao sẽ bị trả lại.
"Việc hàng xuất khẩu không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng xấu đến uy tín ngành hàng. Việc một số doanh nghiệp mượn mã số để xuất khẩu sẽ gây hậu quả rất lớn”, bà My cảnh báo.
Bà Trà My bày tỏ “rất đáng tiếc” khi nông dân và doanh nghiệp chưa chủ động học cách nghiên cứu về việc bán tận nơi cho đối tác Trung Quốc. Lần này về nước, bà My mang theo nhiều đơn hàng, trong đó có hai đơn 60.000 tấn mỗi năm, đơn nhỏ nhất 10.000 tấn, tổng 150.000 tấn.
Doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng sang Trung Quốc lâu nay tập trung vào đường bộ, mà quên mất đường biển có nhiều ưu thế. Hiệp hội chúng tôi có các thành viên ở Sơn Đông, Thượng Hải, sẵn sàng hỗ trợ nếu doanh nghiệp và bà con đi đường biển.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết hiện nay, tại Lào Cai, mỗi ngày có trên 500 xe xuất khẩu nông sản, còn tại Lạng Sơn bình quân mỗi ngày có trên 800 xe được thông quan. Như vậy, lưu lượng xe đang tăng lên.
"Các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ các đơn vị như Ban Quản lý Cửa khẩu để nắm bắt thông tin về tiến độ thông quan, tránh ùn tắc, đảm bảo chất lượng hàng nông sản, thời gian thông quan và chi phí vận tải. Về chuẩn bị cho xuất khẩu ớt, khoai lang, chanh leo, các tỉnh có nhiều sản phẩm này cần rà soát cơ sở đóng gói, vùng nguyên liệu để đăng ký; các tỉnh muốn tổ chức lễ xuất hàng lô đầu tiên cần đề nghị sớm với Bộ", Thứ trưởng Nam lưu ý.
Thứ trưởng Nam thông tin thêm, hiện nay, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan phía bạn để mở cửa cho các sản phẩm bơ, bưởi, dứa, na, thảo quả, đẩy mạnh đàm phán. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phối hợp về cơ sở đóng gói, mã số vùng trồng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường liên hệ Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh, Trung Quốc để thảo luận nội dung; cử đoàn sang tỉnh Vân Nam đẩy mạnh xúc tiến nông sản vào thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản.