07:26 22/01/2025

"Truy" nguồn ô nhiễm, tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí Hà Nội

Nhĩ Anh

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội. Do đó, theo chuyên gia, chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường Thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được. Cùng với đó cần thúc đẩy giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm không khí...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc. Từ đầu mùa đông đến nay, Hà Nội trải qua nhiều đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng và kéo dài.

Theo kết quả nghiên cứu, kiểm kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Thế giới, giao thông (bao gồm cả bụi đường) là nguồn gây ô nhiễm chính (đóng góp từ 58- 74%) cho bầu không khí thành phố.

"TRUY" NGUỒN GÂY Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ

Nhìn nhận thực trạng ô nhiễm không khí hiện nay, tại tọa đàm Giải pháp triển khai vùng phát thải thấp tại Hà Nội, bà Nguyễn Hoàng Ánh, Trưởng Phòng Quản lý chất lượng môi trường, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết qua theo dõi chất lượng không khí trên website của Tổng cục môi trường có thể thấy mức độ ô nhiễm đang gia tăng qua các năm, là vấn đề lo ngại.

“Không khí "có chân", không phải ở đâu gây ô nhiễm thì ô nhiễm ở đó mà ô nhiễm lan từ nơi này sang nơi khác. Chất lượng môi trường không khí chịu ảnh hưởng rất lớn của khí hậu thời tiết, đặc biệt cứ đến cuối năm lại chịu tác động rất lớn, do đó cần nhìn nhận tổng quát để thấy đâu là yếu tố chủ quan, đâu là yếu tố khách quan khi xem xét nguyên nhân ô nhiễm không khí”, bà Ánh nói.

Chuyên gia này phân tích, có 6 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến ô nhiễm không khí, bao gồm: Xây dựng; giao thông vận tải; sản xuất công nghiệp; đốt mở; dân sinh và khí hậu thời tiết. Ô nhiễm thường bùng phát dịp cuối năm do các hoạt động kinh tế xã hội đạt mức cao nhất, xây dựng ồ ạt, giao thương hàng hóa tấp nập, các nhà máy xí nghiệp tăng công suất tối đa...

"Truy" nguồn ô nhiễm, tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí Hà Nội - Ảnh 1

Chia sẻ vấn đề này, bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó trưởng phòng Quản lý Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nhận định: Những ngày cuối năm, ô nhiễm không khí luôn là vấn đề nhức nhối. Hà Nội có mức độ ô nhiễm không khí nặng hơn so với TP.HCM do nhiều nguyên nhân.

Trong đó nguyên nhân chủ yếu là điều kiện khí hậu thời tiết không thuận lợi, không khí không đối lưu lên cao được; còn ở tầng thấp có nhiều sương mù khiến không khí đặc quánh, ứ đọng.

Ngoài ra, theo bà Chi lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trong thành phố và từ các tỉnh về Hà Nội đông hơn so với những thời gian khác trong năm khiến chất lượng không khí của thành phố bị ảnh hưởng xấu do bụi đường, khí thải từ các phương tiện.

Theo thống kê quý IV tại trạm quan trắc cố định và liên tục trên địa bàn thành phố, chỉ số ô nhiễm không khí đạt mức kém là 48,91%, đạt mức xấu là 44,37%. Thời điểm chất lượng không khí ảnh hưởng sức khoẻ người dân chiếm nhiều hơn so với cả năm.

Vì vậy, Hà Nội đã đưa vùng phát thải thấp vào Luật Thủ đô để giảm nguồn ô nhiễm không khí từ giao thông. Đây là bước đột phá của Hà Nội, cũng như cả nước nhằm phát triển giao thông xanh, sạch, thuận tiện, chi phí thấp, hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

Còn theo Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng, các báo cáo, nghiên cứu khoa học của nhiều chuyên gia và Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ ra không khí tại Hà Nội thường ô nhiễm nhất vào mùa đông. Đặc biệt năm nay, tình trạng ô nhiễm trầm trọng hơn do ít mưa. Tuy nhiên, vấn đề phát thải của phương tiện giao thông là một trong những nguyên nhân lớn gây nên ô nhiễm môi trường tại Hà Nội nói riêng và các thành phố lớn trên thế giới nói chung.

Ngoài các nguyên nhân gây được nêu ra nhiều năm qua như hoạt động xây dựng, sản xuất, nông nghiệp, đốt rác... cần phải nghiên cứu về vùng môi trường có tác động đến chất lượng không khí Hà Nội. Ông Tùng nhấn mạnh “chỉ khi kiểm soát được các nguồn phát thải ảnh hưởng đến chất lượng môi trường thủ đô thì tình trạng ô nhiễm không khí mới dần cải thiện được”.

THÍ ĐIỂM VÙNG PHÁT THẢI THẤP, PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG XANH

Để giảm thiểu ô nhiễm không khí từ nguồn giao thông, sáng 12/12, tại Kỳ họp lần thứ 20, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy định thực hiện vùng phát thải thấp trên địa bàn Hà Nội, có hiệu lực từ 1/1/2025. Trước mắt, thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp tại hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.

Bà Chi cho biết giải pháp, vùng phát thải thấp được đưa ra trong Luật Thủ đô sẽ được triển khai trong năm 2025. “Chúng tôi đang xây dựng những hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí”.

 
Bà Lưu Thị Thanh Chi.
Bà Lưu Thị Thanh Chi.
Chúng tôi đang xây dựng hướng dẫn chi tiết để thực hiện vùng phát thải thấp. Vùng phát thải thấp tập trung vào các phương tiện giao thông, cụ thể khi lưu thông vào vùng phát thải thấp sẽ khuyến khích các phương tiện giao thông xanh, cấm các phương tiện xe không đạt tiêu chí về lượng phát thải, gây ô nhiễm không khí...

Hai quận Ba Đình và Hoàn Kiếm đang thực hiện thí điểm vùng phát thải thấp trong năm 2025. Trong đó, có cơ chế đặc thù về thuế phí, khoanh vùng khu vực làm vùng phát thải thấp, hạ tầng giao thông, kết nối giao thông công cộng và giao thông cá nhân, hệ thống camera giám sát và lực lượng giám sát…; dán tem cho các phương tiện sử dụng năng lượng xanh, năng lượng sạch.

Ngoài ra, Hà Nội vừa phê duyệt đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh, điện trên thành phố. Từ đó, tiến tới Hà Nội đạt tỉ lệ 100% xe buýt sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh trong năm 2035.

Từ góc độ địa phương triển khai, ông Nguyễn Cương Quyết, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình nhìn nhận việc thí điểm vùng phát thải thấp là vấn đề rất khó, không đơn giản. Đơn cử như việc xử lý ô nhiễm không khí liên quan đến bếp than tổ ong đã được thực hiện từ năm 2018- 2022 mới chấm dứt được. Do đó cần kiên trì nâng cao nhận thức của người dân.

Bà Trịnh Thị Minh Phương, Phòng Tài nguyên và Môi trường, quận Hoàn Kiếm cho biết ngay sau khi HĐND Tp.Hà Nội ban hành Nghị quyết 47/2024, quận Hoàn Kiếm đã có các cuộc họp, nhằm tìm ra những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Những khó khăn và thuận lợi khi triển khai vùng phát thải thấp của quận Hoàn Kiếm và Ba Đình là tương đồng nhau. Trong quá trình thực hiện vùng phát thải thấp quận Hoàn Kiếm gặp phải một số khó khăn, trong đó liên quan phần lớn đến ý thức của người dân. Bởi lẽ, trong khi nhiều người thực hiện đi xe điện để góp phần cải thiện chất lượng không khí, thì vẫn có nhiều trường hợp có hành động gây ô nhiễm.

Ngoài ra, do cơ sở hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa được kết nối đồng nhất nên gây khó khăn cho quá trình thực hiện vùng phát thải thấp.

Quận Hoàn Kiếm sẽ đề xuất khả năng mở rộng phố đi bộ, để giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân. Mở rộng hệ thống xe điện chạy xuyên toàn quận để góp phần cải thiện chất lượng không khí nội đô, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 47.

 
Bà Nguyễn Hoàng Ánh.
Bà Nguyễn Hoàng Ánh.
Giao thông xanh là thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải có góc nhìn rộng bởi giao thông xanh là hành vi ứng xử, từ phương tiện, quy trình vận hành, người vận hành... đến yếu tố ngoại cảnh, tích hợp lại thành văn hóa giao thông xanh.

Để hạn chế nguồn khí thải từ phương tiện giao thông, năm 2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.

Ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường, Bộ Giao thông Vận tải thông tin, Bộ đã triển khai từ sớm kiểm soát ô nhiễm từ phương tiện giao thông. Trong đó, việc kiểm soát khí thải của phương tiện giao thông lưu hành từ năm 2017, đến nay đã nâng mức quy chuẩn lên 2 lần; thực hiện kiểm soát tại nguồn đối với phương tiện giao thông sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới. Những tiêu chuẩn này cao và đi trước các nước trong khu vực.

Bộ cũng đã rà soát, tạo hành lang pháp lý để phương tiện giao thông xanh đủ điều kiện lưu thông trên đường. Cùng với đó đã ban hành quyết định về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp; thông tư quy định phân loại phương tiện giao thông đường bộ và dấu hiệu nhận biết xe cơ giới sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh, thân thiện môi trường…

Đây là chính sách tạo tiền đề thực hiện các chính sách khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi năng lượng xanh trong giao thông vận tải, trong đó có ô tô điện.

Để thúc đẩy giao thông xanh, giảm thiểu ô nhiễm không khí, trong đó việc hỗ trợ cho các địa phương thí điểm triển khai vùng phát thải thấp, quan trọng nhất là người dân sẵn sàng chuyển đổi, có ý thức và mong muốn chuyển đổi phương tiện vì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.

Bà Ánh cho rằng giao thông xanh là thực sự cần thiết để đảm bảo tiến trình phát triển bền vững. Tuy nhiên, phải có góc nhìn rộng bởi giao thông xanh là hành vi ứng xử, từ phương tiện, quy trình vận hành, người vận hành... đến yếu tố ngoại cảnh, tích hợp lại thành văn hóa giao thông xanh.

Ô nhiễm bắt đầu từ ý thức hệ và vướng từ thực tế. Hành vi giao thông không phải một phường, một quận. Mọi phương tiện đều bình đẳng, vậy giữ chỗ này lại di chuyển sang chỗ khác nên tổng phát thải không thay đổi. Do vậy sau thí điểm phải làm rộng hơn.

Bà Ánh thông tin, Quốc hội đã đưa kiểm soát không khí vào chương trình giám sát; Nghị quyết 01 của Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án về xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường tại các đô thị, dự kiến trình vào quý III/2025.