16:01 05/09/2024

Từ vụ bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng: Cần chuyển tuyến khi các cơ sở chăm sóc quá tải

Nhật Dương

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, hiện tại các cháu bé tại cơ sở mái ấm Hoa Hồng (TP. HCM) đã được đưa tới các cơ sở trợ giúp xã hội công lập khác để chăm sóc và đảm bảo được an toàn…

Mái ấm Hoa Hồng - nơi xảy ra vụ trẻ bị bạo hành. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử TP. HCM.
Mái ấm Hoa Hồng - nơi xảy ra vụ trẻ bị bạo hành. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử TP. HCM.

Liên quan đến vụ việc bạo lực trẻ em tại mái ấm Hoa Hồng (quận 12, TP. HCM), trao đổi với báo chí ngày 5/9, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), nhấn mạnh đây là sự việc đáng tiếc không được phép xảy ra tại một cơ sở chăm sóc trẻ em công lập được cấp phép.

TỪNG KIỂM TRA NHƯNG BẠO LỰC KHÔNG ĐƯỢC PHÁT HIỆN

Theo lãnh đạo Cục Trẻ em, trong cấp phép và đăng ký xin phép của cơ sở này đã có nội dụng định kỳ phải báo cáo 6 tháng một lần với vơ quan quản lý lao động.

Cơ sở này đã từng được kiểm tra về tình trạng hoạt động, song không được phát hiện và sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra.

Hôm qua (4/9), Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, trong đó, lãnh đạo Bộ yêu cầu địa phương giải quyết gấp 3 vấn đề. 

Cùng ngày, Cục Trẻ em cũng nhận được báo cáo nhanh của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM về việc vào cuộc xác minh xử lí vụ việc, cũng như chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ các cháu bé là nạn nhân.

Địa phương cũng có văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về việc xử lý vụ việc và chăm sóc cháu bé vừa bị bạo hành ở mái ấm Hoa Hồng.

"Hiện nay các cháu bé tại cơ sở này đã được đưa tới 13 cơ sở trợ giúp xã hội công lập khác để chăm sóc và đảm bảo an toàn. Đến giờ phút này có thể yên tâm là các cháu bé đã được chăm sóc tốt, được an toàn", ông Nam thông tin.

Về các bước tiếp theo, ông Nam cho hay sẽ tuân thủ theo quy định của pháp luật, cũng như các quy trình xử lý, hỗ trợ, can thiệp trong trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục.

TP.HCM cũng là một trong những địa phương đầu tiên ban hành quy trình xử lý với các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em. Như vậy, địa phương đã vào cuộc kịp thời.

Để có giải pháp khắc phục, giảm thiểu tối đa tình trạng tương tự xảy ra, cũng như các vụ việc bạo lực trẻ em trong các cơ sở trợ giúp xã hội – nơi có trách nhiệm chăm sóc, đảm bảo an toàn cho trẻ, ông Nam cho rằng cần có giải pháp giám sát, thanh tra, kiểm tra từ phía các cơ quan quản lý. Bởi chính các cơ sở là những nơi có nguy cơ cao hơn cả.

Đặc biệt, cần nêu cao trách nhiệm giám sát từ chính người đứng đầu các cơ sở này, giám sát viên, hay hệ thống camera.

Theo ông Nam, vụ bảo mẫu bạo hành trẻ ở mái ấm Hoa Hồng, một phần nguyên nhân khiến vụ việc chậm bị phát hiện đó là do cơ sở này không lắp đặt hệ thống giám sát kỹ thuật, công nghệ.

Theo ghi nhận của báo chí, ban ngày cơ sở này chăm sóc rất tử tế, như là trình diễn nhưng tối đến thì diễn ra tình trạng bạo hành. Câu chuyện này đặt ra vấn đề trách nhiệm của người đứng đầu thế nào.

ƯU TIÊN CHĂM SÓC TRẺ TRONG MÔI TRƯỜNG GIA ĐÌNH

Một nguyên nhân khác nữa được Cục trưởng Cục Trẻ em chỉ ra là chúng ta thiếu đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên biệt. Đội ngũ thanh tra, kiểm tra không đủ người vì nhân lực hạn chế, trong khi đó số cơ sở có liên quan tới chăm sóc trẻ em lại quá nhiều.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: MOLISA.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Ảnh: MOLISA.

Đơn cử như riêng TP. HCM đã có hàng trăm cơ sở làm nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, dù ở đâu cũng cần đội ngũ chăm sóc xã hội chuyên nghiệp để làm việc thường xuyên, giám sát, phòng ngừa từ sớm, từ xa, phát hiện sớm những trường hợp trẻ có nguy cơ xâm hại.

Bài học nữa theo ông Nam là việc cấp phép cần xem xét lại. Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra, số trẻ chăm sóc ở mái ấm Hoa Hồng vượt gấp đôi, có thời điểm còn gần gấp 3 so với số trẻ được cấp phép. Như vậy, nhu cầu chăm sóc vượt quá năng lực.

“Khi vượt quá năng lực thì điều tất yếu xảy ra là trẻ không an toàn. Số trẻ nhiều quá thì nhân viên bị quá tải, tâm lý cũng không bình thường, cơ sở không thực sự an toàn”, ông Nam nhìn nhận.

Vì vậy, với TP. HCM, Cục Trẻ em cũng đề nghị địa phương cần thiết lập mạng lưới điều phối, chuyển tuyến khi các cơ sở quá tải và không được phép giữ trẻ.

“Hiện nay có tình trạng nhiều cơ sở muốn giữ trẻ lại để thu hút nguồn tài trợ, hỗ trợ từ phía cộng đồng, thậm chí không muốn chuyển trẻ đi và không muốn thực hiện những quy định về quyền trẻ em”, ông Nam nêu thực tế.

Luật Trẻ em ưu tiên biện pháp chăm sóc môi trường gia đình, hoặc môi trường gia đình thay thế - môi trường tốt nhất. Chăm sóc tập trung chỉ là biện pháp cuối cùng.

“Do đó, trách nhiệm của người đứng đầu là phải lập danh sách trẻ được chăm sóc, báo cáo cơ quan chức năng để điều tiết, chuyển tuyến. Cùng với đó, ngay lập tức phối hợp với chính quyền địa phương để chuyển trẻ về lại với môi trường gia đình gốc, hoặc tìm cá nhân, người chăm sóc thay thế bằng môi trường gia đình”, lãnh đạo Cục Trẻ em nói.

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết cơ sở trợ giúp xã hội mái ấm Hoa Hồng được cấp phép thành lập vào tháng 7/2023.

Đây là cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập không thu phí với chức năng trợ giúp, nuôi dưỡng các trẻ em cơ sở, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, sống lang thang với quy mô chăm sóc không quá 39 trẻ.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra, mái ấm Hoa Hồng đang thực hiện nuôi dưỡng, chăm sóc 86 trẻ. Trong đó có 15 trẻ sơ sinh, 36 trẻ từ 1-2 tuổi, 31 trẻ từ 3-5 tuổi đang học tại trường mầm non ngoài cộng đồng, 3 trẻ từ 6-12 tuổi và 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện.

Ngay sau khi nhận được thông tin về việc bạo hành trẻ em xảy ra tại cơ sở nêu trên, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã chỉ đạo Cục Trẻ em kịp thời nắm tình hình, có văn bản hướng dẫn cơ quan quản lý lao động ở địa phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác minh thông tin.

Đồng thời, triển khai quy trình hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo quy định tại Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em.

Công an Quận 12, TP. HCM cũng đã triệu tập chủ cơ sở là Giáp Thị Song Hương và người bạo lực trẻ em về cơ quan công an để xác minh, điều tra.