Tuyển quá biên chế, lãnh đạo sẽ phải bồi hoàn kinh phí
Lãnh đạo các đơn vị nếu thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật
Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị sẽ phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng cho việc sử dụng vượt quá biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao.
Bộ Nội vụ vừa công bố lấy ý kiến dự thảo Nghị định mới về quản lý biên chế công chức.
Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, quy định hiện hành chưa nêu cụ thể trình tự quyết định biên chế công chức hàng năm và chưa quy định hình thức xử lý đối người đứng đầu bộ, ngành, địa phương khi thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức.
Cùng với đó, việc quy định thời hạn gửi kế hoạch biên chế công chức hàng năm của các đơn vị về Bộ Nội vụ thẩm định để trình Thủ tướng phê duyệt, chưa phù hợp với thời gian lập kế hoạch và phân bổ ngân sách hàng năm.
Quy định hiện hành cũng không quy định thời hạn các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực phải xây dựng văn bản hướng dẫn xác định biên chế công chức để gửi Bộ Nội vụ ban hành, nên dẫn đến việc chưa có bộ, ngành nào đề nghị Bộ Nội vụ ban hành hướng dẫn xác định biên chế công chức một cách thống nhất.
Việc quy định về giao biên chế công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của các đơn vị sự nghiệp công lập ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện là chưa phù hợp.
Ngoài ra, với một số luật mới được ban hành như Luật tổ chức Chính phủ 2015; Luật tổ chức chính quyền địa phương; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015..., nên nhiều nội dung trong các nghị định hiện hành không còn phù hợp.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập này, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Nghị định mới về quản lý biên chế công chức.
Theo đó, điểm mới đáng chú ý tại dự thảo này là Bộ Nội vụ đề xuất người đứng đầu bộ, ngành, địa phương nếu thực hiện không đúng quy định về quản lý biên chế công chức sẽ bị xem xét xử lý trách nhiệm theo quy định của Đảng và pháp luật; đưa vào xem xét phân loại, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Đồng thời, lãnh đạo các đơn vị sẽ phải bồi hoàn số kinh phí đã sử dụng cho việc sử dụng vượt quá biên chế công chức được cơ quan có thẩm quyền giao, hoặc thực hiện không đúng đối tượng, không đúng quy định về quản lý, sử dụng số biên chế công chức.
Ngoài ra, dự thảo của Bộ Nội vụ cũng quy định thời hạn các bộ, ngành, địa phương trình biên chế công chức của năm tiếp theo chậm nhất là 15/6 về Bộ Nội vụ, để Bộ này thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt trước ngày 20/7 hàng năm.
Sau thời hạn trên, nếu đơn vị nào không gửi kế hoạch thì Bộ Nội vụ sẽ trình Thủ tướng tinh giản biên chế cao hơn 1% so với tỉ lệ tinh giản theo lộ trình.
Được biết, tổng biên chế công chức năm 2018 của các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài (không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; biên chế công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã), biên chế công chức dự phòng và biên chế của các Hội có tính chất đặc thù hoạt động trong phạm vi cả nước là hơn 265.000 người.
Năm 2019, dự kiến tổng biên chế công chức giảm còn hơn 259.000 người.