Ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi xanh cần tài chính xanh
Doanh nghiệp và địa phương vẫn còn gặp nhiều thách thức trong tiếp cận nguồn lực tài chính xanh để đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi xanh...
Mặc dù đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như chủ động ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi xanh, nhưng việc tiếp cận với nguồn lực tài chính lại là khó khăn và thách thức của hầu hết các doanh nghiệp.
Tại hội thảo "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp tham dự đã chia sẻ rất nhiều về thách thức của doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi xanh. Một trong những thách thức nhất chính là việc tiếp cận với nguồn lực tài chính, mặc dù các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng cũng như chủ động ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi xanh.
Hội thảo "Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới” nằmtrong chuỗi hội thảo “Thúc đẩy đầu tư xanh và thị trường tài chính xanh- Hướng tới mục tiêu Net Zero tại Việt Nam” do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức tại ba miền Bắc - Trung - Nam.
Tại miền Bắc, hội thảo đã diễn ra tại Quảng Ninh ngày 15/11/2024 với chủ đề “Đột phá trong thu hút đầu tư xanh: Cơ hội cho các lĩnh vực mới”.
Tại miền Trung, hội thảo đã diễn ra tại Đà Nẵng ngày 21/11/2024 với chủ đề “Công nghệ số thúc đẩy chuyển đổi xanh: Cơ hội phát triển các mô hình kinh tế mới”.
Tại miền Nam, hội thảo dự kiến diễn ra tại TP.HCM ngày 26/11/2024.
CÔNG NGHỆ SỐ LÀ CÔNG CỤ QUAN TRỌNG THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH
Việt Nam đã đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 với tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng là một trong năm quốc gia có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu làm giảm thu nhập quốc dân của đất nước tới 3,5% vào năm 2050.
Điều này đòi hỏi Việt Nam cần sớm nhận thức tầm quan trọng của thực thi chuyển đổi xanh bằng việc tích cực tiếp cận các mô hình kinh tế mới như tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế xanh, tạo động lực thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam.
Ứng dụng công nghệ số được coi là công cụ quan trọng để đạt được mục tiêu chuyển đổi xanh này.
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Kiều Anh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Gò Nổi, chia sẻ mặc dù quy mô Hợp tác xã ở mức độ vừa và nhỏ, nhưng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số để thúc đẩy chuyển đổi xanh từ rất sớm.
Cụ thể, Hợp tác xã chuyên sản xuất các sản phảm thảo dược, tinh dầu và tương lai sẽ phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm dược liệu. Công nghệ được Hợp tác xã ứng dụng để theo dõi ngày xuống giống, bón phân, thu hoạch, xác định chất lượng của từng vụ trồng và khả năng sinh trưởng của từng vùng trồng, hướng tới quy trình sản xuất theo mô hình nông nghiệp xanh, tuần hoàn.
"Ứng dụng công nghệ số giúp đã giúp Hợp tác xã tiết kiệm nguồn nhân lực, gia tăng sản phẩm, tiếp cận với khách hàng và thị trường nhanh hơn", bà Nguyễn Thị Kiều Anh cho biết.
"Bên cạnh đó, chúng tôi còn nhận được nhiều sự hỗ trợ của chính phủ, các cơ quan nhà nước để hiểu hơn về ứng dụng công nghệ cho phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hỗ trợ về công nghệ, cơ sở vật chất để nâng cao năng suất như hệ thống chưng cất, sấy lạnh…".
Đại diện doanh nghiệp tại Đà Nẵng, Enosta, cho biết doanh nghiệp hiện đang tập trung phát triển các giải pháp số tích hợp như hệ thống quản lý bất động sản và đo lường phát thải CO2, giúp tối ưu hóa quản lý mà còn thúc đẩy sự minh bạch và giảm phát thải nhờ vào phân tích dữ liệu và các đề xuất cải tiến quy trình.
Ông Trần Xuân Vũ, đại diện Enosta Group, khẳng định chuyển đổi xanh đang trở thành yêu cầu tất yếu trong các ngành như bất động sản, sản xuất, và dịch vụ. "Sự phát triển mạnh mẽ của IoT, AI, và Blockchain tạo nền tảng tốt để tích hợp công nghệ vào các giải pháp xanh".
DOANH NGHIỆP KHÓ TIẾP CẬN VỚI NGUỒN TÀI CHÍNH XANH
Quá trình chuyển đổi xanh nói chung rất cần nguồn lực tài chính xanh từ các khu vực khác nhau, bao gồm Chính phủ, các nhà tài trợ quốc tế, các tổ chức tài chính, tín dụng. Tuy nhiên, theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Gò Nổi, thách thức lớn nhất với hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ đó là chi phí đầu tư vào công nghệ cao, song việc tiếp cận các nguồn vốn hoặc đi vay vốn lại vô cùng khó khăn.
"Do đó, cần phải có chính sách hỗ trợ để một hợp tác xã nông nghiệp nhỏ như chúng tôi có thể đi vay vốn hoặc tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi xanh, bền vững", bà Nguyễn Thị Kiều Anh đề xuất.
Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận công nghệ cũng là thách thức vì đối tượng chủ yếu của Hợp tác xã là bà con nông dân. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật chưa đồng bộ vì ở nông thôn nên khả năng tiếp cận và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật còn khó khăn.
Cùng vấn đề này, ông Vũ cũng cho biết việc áp dụng công nghệ xanh cần nguồn vốn đáng kể để nghiên cứu và triển khai.
Ông Vũ nêu thực tế các tập đoàn như VinGroup, Masan đã đầu tư mạnh vào công nghệ xanh, áp dụng hệ thống quản lý phát thải, năng lượng tái tạo và IoT. Những công ty này có nguồn lực tài chính mạnh, dễ dàng tiếp cận công nghệ hiện đại. Dù chiếm phần lớn trong nền kinh tế, nhưng các doanh nghiệp vừa và nhỏ lại gặp khó khăn trong việc đầu tư vào công nghệ số xanh do hạn chế về chi phí, nhân lực công nghệ và chưa nhận thấy lợi ích lâu dài.
Đại diện doanh nghiệp cung cấp các giải pháp công nghệ cho chuyển đổi xanh cũng nhấn mạnh khung pháp lý còn thiếu các quy định cụ thể về việc đo lường và báo cáo phát thải làm chậm quá trình áp dụng giải pháp của doanh nghiệp.
"Cần tăng cường hợp tác giữa chính phủ và doanh nghiệp để giảm rủi ro tài chính và nhân rộng các giải pháp công nghệ xanh," ông Vũ đề xuất.
Ngoài ra, cần miễn hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ số xanh; Tổ chức nhiều chương trình đào tạo, hội thảo để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích và cách ứng dụng công nghệ vào chuyển đổi xanh. "Chúng tôi tin rằng với sự hỗ trợ từ chính sách và sự nỗ lực của doanh nghiệp, chuyển đổi xanh sẽ là động lực quan trọng để phát triển bền vững tại Việt Nam".
Về phía cơ quan nghiên cứu chính sách, TS. Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế Tài nguyên và Môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, đề xuất một số giải pháp để thu hút nguồn lực tài chính xanh, bao gồm tín dụng xanh và trái phiếu xanh.
Theo TS. Mạnh, các doanh nghiệp địa phương nếu đầu tư vào các dự án có mục đích bảo vệ môi trường như xử lý chất thải, thu gom và xử lý chất thải hoặc bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, phát triển các ngành kinh tế mang lại lợi ích cho môi trường như nông nghiệp xanh, giao thông xanh… có thể tiếp cận với các kênh tín dụng từ các ngân hàng thương mại (BIDV, Vietin Bank, HSBC) ở Việt Nam đều có cung cấp tín dụng xanh.
Bên cạnh đó, rất nhiều địa phương hiện nay đã bắt đầu phát hành trái phiếu xanh. Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp tất cả các nhu cầu phát hành trái phiếu xanh của các bộ ngành, địa phương và kỳ vọng tới đây sẽ phát hành gói trái phiếu xanh chính phủ. Nhiều doanh nghiệp hiện nay cũng đã chủ động phát hành trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế.
"Tài chính xanh là xu hướng hiện nay nên các ngân hàng, định chế tài chính, quỹ đầu tư đều quan tâm", TS. Mạnh khẳng định. "Bản thân các ngân hàng nếu không làm cũng sẽ vi phạm quy định của thị trường quốc tế, cơ hội tiếp cận các nguồn lực của ngân hàng thương mại Việt Nam cũng giảm đi. Do đó, điều quan trọng là các doanh nghiệp, địa phương cần phải tìm hiểu kỹ để có thể tiếp cận được nguồn tài chính xanh".
Còn PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, gợi ý một nguồn lực tài chính mới từ việc phát triển các dự án có thể thực hiện được giao dịch tín chỉ carbon.
"Có một tổ chức đang kết nối với Viện chúng tôi để giới thiệu với Tp. Hồ Chí Minh dự án, nếu thành công thì mức giá bán 1 tín chỉ carbon có thể lên tới 40 USD, tức là gấp 10 lần so giá bây giờ," ông Quân thông tin.
"Điều này cho thấy có nhiều tổ chức khác nhau và nhu cầu mua tín chỉ carbon khác nhau. Nếu doanh nghiệp, địa phương có những dự án tiềm năng thì sẽ giao dịch tốt."