Ứng dụng gọi xe ngưng hoạt động, đặt hàng online tăng đột biến tại TP.HCM
UBND TP.HCM yêu cầu tạm ngưng hoạt động vận tải công cộng, tạm ngừng hoạt động dịch vụ xe công nghệ và xe ôm truyền thống trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16...
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, sẽ áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng toàn thành phố trong 15 ngày, từ 0 giờ ngày 9/7.
CHỈ GIAO HÀNG THỰC PHẨM THIẾT YẾU
TP.HCM yêu cầu tạm ngưng các hoạt động vận chuyển hành khách bằng xe công nghệ, xe ôm, hoạt động bán đồ ăn mang về kể từ 0 giờ ngày 9/7. Từ sáng sớm ngày 9/7, các ứng dụng gọi xe đều có các hành động tuân thủ quy định mới ban hành của TP.HCM liên quan chiến dịch phòng chống Covid-19.
Hầu hết các dịch vụ vận chuyển đều tuân thủ Chỉ thị 16 giãn cách xã hội. Đến nay, các dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe công nghệ 4 bánh, 2 bánh; dịch vụ giao đồ ăn đều đã tạm dừng hoạt động. Riêng hoạt động giao hàng thực phẩm thiết yếu vẫn duy trì tại TP.HCM.
“TP.HCM mong muốn người dân chia sẻ cùng chính quyền trong giai đoạn này và phát huy tinh thần “Mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”. Thành phố đã rất cân nhắc trước khi đưa ra quyết định, nhằm đặt sức khoẻ người dân lên trên hết, quyết tâm dập dịch.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM Nguyễn Thành Phong
Grab đã thông báo đến khách hàng tạm ngưng hoạt động tất cả các dịch vụ GrabBike, dịch vụ GrabFood tại TP.HCM. Riêng giao hàng và giao thực phẩm thiết yếu (GrabMart) vẫn hoạt động.
Now cũng gửi tin nhắn đến người dùng trong việc đóng dịch vụ giao nhận đồ ăn Now Food. Các dịch vụ giao hàng và giao thực phẩm vẫn duy trì.
Các ứng dụng khác như Be, Gojek tự động tắt các dịch vụ bị yêu cầu tạm ngưng. Những tính năng này không còn nhìn thấy trên giao diện ứng dụng.
Baemin, ứng dụng chỉ hoạt động giao đồ ăn, cũng ra thông báo tương tự với khách hàng ở TP.HCM.
Ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh 7 yêu cầu trong đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 này, như: tất cả người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết, trừ các trường hợp mua lương thực, thuốc men, cấp cứu... và một số trường hợp khác. Các dịch vụ cung cấp hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định: Thành phố đủ lượng hàng cung ứng và các biện pháp phân phối hàng hóa, đảm bảo duy trì ổn định và đáp ứng nhu cầu của người dân. Người dân không tập trung đông người mua sắm, tích trữ hàng hóa và hãy cùng đồng hành cùng thành phố nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phóng kêu gọi nhân dân Thành phố phát huy tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ; mỗi gia đình, tổ dân phố, khu phố là một pháo đài chống dịch”; đồng thời ủng hộ, cảm thông khi Thành phố áp dụng các biện pháp giãn cách, cách ly trên diện rộng để kiểm soát, khống chế dịch bệnh theo Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 9/7.
Với các quy định trên, chủ thể bị ngưng hoạt động lần này là các hàng quán bán mang về. Do một số hàng quán để xảy ra tình trạng shipper đứng xếp hàng lấy đồ ăn, không bảo đảm giãn cách, dễ lây bệnh. Các nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM đã bị ngưng hoạt động từ chỉ thị trước đó, nay không được bán mang về, nên phải đóng cửa. Các dịch vụ giao đồ ăn của ứng dụng bị tác động gián tiếp nên buộc phải ngừng hoạt động tạm thời.
ĐẶT HÀNG THIẾT YẾU QUA ONLINE
Người dân TP.HCM có thể đặt hàng trên website của các nhãn hàng, sàn thương mại điện tử trong 15 ngày giãn cách xã hội như kênh mua hàng online của siêu thị Co.opmart, MM Mega Market, Bách hóa xanh... Tuy nhiên, do vài ngày qua, nhiều người dân tăng cường mua hàng để tích trữ nên không tránh khỏi hệ thống bị quá tải, giao hàng chậm.
UBND TP.HCM cũng khuyến cáo người dân mua hàng nên bình tĩnh lựa chọn kênh mua sắm phù hợp nhu cầu, chỉ mua số lượng vừa đủ, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều, gây quá tải lên các hệ thống.
Gần đây, tất cả các sàn thương mại điện tử đều cung cấp thêm nhiều loại trái cây, thực phẩm tươi sống như rau, củ, thịt, cá, trứng... Chỉ cần cài đặt ứng dụng trên điện thoại hoặc truy cập vào website sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… người tiêu dùng có thể mua sắm nhanh chóng và thanh toán qua ví điện tử, thẻ visa hoặc trả sau khi nhận hàng.
Ngay trong sáng 8/7, sau khi có quyết định chính thức TP.HCM sẽ thực hiện Chỉ thị 16, Sendo lập tức mở chương trình "Đi chợ tại nhà" với hàng chục loại thực phẩm tươi sống tuyển chọn, gồm 25 loại rau, củ tươi, trái cây, trứng sạch cùng các mặt hàng bách hóa thiết yếu như gia vị, mì gói, đồ hộp. Sendo cho biết đã kết nối trực tiếp với các hợp tác xã nuôi trồng tại các địa phương lân cận để có nguồn hàng. Từ đó, bảo đảm cung ứng được hàng trăm tấn thực phẩm tươi sống cho người dân TP.HCM mà không cần thông qua các chợ đầu mối.
Lazada cũng tích cực bán thực phẩm trên sàn với nhiều phương án sắp xếp nhân sự giao hàng. Đại diện sàn này thông tin chỉ trong ngày 7/7, doanh số của ngành hàng thực phẩm tươi sống đã đạt mức tương đương cả tháng 7/2020. Trong đó, có 120.000 hộp sữa tươi đã được bán hết chỉ trong 3 giờ; hơn 2 tấn sườn que và thịt gà cùng 10.000 trứng gà, vịt đã được bán hết sau 12 giờ đầu tiên.
Nhóm nền tảng mua hộ thứ 2 là các "siêu" ứng dụng cung cấp dịch vụ đa dạng như Grab có dịch vụ Grabmart kết nối với một số chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm và chợ truyền thống để cung cấp dịch vụ đi chợ hộ cho người dân một cách hiệu quả nhờ lực lượng shipper sẵn có.
Tương tự, Now - ứng dụng chuyên giao đồ ăn, đồ uống, nhưng từ nhiều năm nay, nền tảng này cũng đã cung cấp dịch vụ đi chợ hộ với dịch vụ NowFresh - thực phẩm. Now kết nối với khá nhiều chuỗi siêu thị, cửa hàng lớn như Aeon, Big C, Farmers’ Market, Vinamilk, FamilyMart, King Fruit - Vua trái cây, Hải sản Hoàng Gia, Homefarm, K-Market, Vinamit Organic... để cung cấp nguồn thực phẩm đa dạng cho khách hàng.
UBND TP.HCM cũng khuyến cáo người dân mua hàng nên bình tĩnh lựa chọn kênh mua sắm phù hợp nhu cầu, chỉ mua số lượng vừa đủ, không cần thiết phải tích trữ quá nhiều, gây quá tải lên các hệ thống.