UPCoM sôi động, nhà đầu tư lại mở mạnh tài khoản chứng khoán trong tháng 5
Trong tháng 5, nhà đầu tư trong nước mở mới 132.010 tài khoản trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 131.839 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở mới 171 tài khoản...
Số liệu mới nhất từ Tổng công ty lưu lý và bù trừ chứng khoán Việt Nam cho thấy, trong tháng 5 vừa qua, nhà đầu tư trong nước mở mới 132.010 tài khoản trong đó nhà đầu tư cá nhân mở mới 131.839 tài khoản, nhà đầu tư tổ chức mở mới 171 tài khoản.
Như vậy, số lượng tài khoản mở mới đã quay trở lại tăng mạnh sau khi sụt giảm trong tháng 4 vừa qua. Mặc dù vậy, vẫn thấp hơn so với số tài khoản mở mới tháng 3/2024 là hơn 163.000 tài khoản.
VN-Index tăng 5,9% trong tháng 5, trong khi HNX-index và UPCoM-Index tăng lần lượt 8,9% và 7,2%. Với mức tăng này, VN-Index vượt trội so với các thị trường chứng khoán trong khu vực, chủ yếu được thúc đẩy bởi lợi nhuận ròng Q1/24 của các công ty niêm yết đạt 11,3% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi nền kinh tế phục hồi và mức nền Q1/23 thấp; kỳ vọng về việc Mỹ xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và Lực cầu bắt đáy khi thị trường có thời điểm sụt giảm hơn 100 điểm trong tháng 4.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng 13%. Hiệu suất này chỉ kém thị trường chứng khoán Nhật Bản. Cụ thể, Nikkei ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội 17% so với đầu năm khi nhà đầu tư kỳ vọng vào việc cải tổ hệ thống tổ chức của các doanh nghiệp Nhật Bản có khả năng thúc đẩy lợi nhuận;
Trong một cuộc khảo sát gần đây, các công ty Nhật Bản cho biết đã đưa ra mức tăng lương cao nhất trong vòng 32 năm sau cuộc đàm phán lương mùa xuân; Tỷ giá USDJPY tăng, mặc dù có thể làm tăng chi phí nhập khẩu, có thể phần nào hỗ trợ các công ty xuất khẩu- chiếm hơn nửa chỉ số TOPIX 500.
Sự hồi phục của thị trường trong tháng 5 đi kèm với thanh khoản yếu, cho thấy cả bên mua và bên bán đều tương đối thận trọng do những yếu tố kinh tế bất định như áp lực tỷ giá leo thang hay nền lãi suất trong nước tăng gần đây điển hình là lãi suất trái phiếu chính phủ và lãi suất liên ngân hàng.
Giá trị giao dịch bình quân trên cả ba sàn giảm 10,6% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 71,2% so với cùng kỳ xuống 23,1 nghìn tỷ đồng/phiên tươngd dương 899,9 triệu USD. Trong đó, HOSE: 20,2 nghìn tỷ đồng/phiên (785,9 triệu USD), giảm 9,6% so với tháng trước; HNX: 1,9 nghìn tỷ đồng/phiên (72,9 triệu USD), giảm 12,9% so với tháng trước; UPCoM: 1,1 tỷ đồng (41,5 triệu USD), tăng 53,9% so với tháng trước.
Đáng chú ý, sàn UPCoM chứng kiến mức thanh khoản tăng vọt 53,9% trong tháng 5 nhờ động lực tích cực của cổ phiếu BSR khi nhà đầu tư kỳ vọng vào câu chuyện chuyển sàn hay VEA với kỳ vọng vào việc doanh nghiệp trả cổ tức tiền mặt lớn.
Sau khi bán ròng 5,2 tỷ đồng vào T4/24, khối ngoại gia tăng bán ròng 8,3 nghìn tỷ đồng trong tháng 5, từ đó nâng giá trị bán ròng lũy kế kể từ đầu năm lên 23,2 nghìn tỷ (905,1 triệu USD). Tỷ trọng giá trị giao dịch của khối ngoại giảm xuống 9,3% từ mức 14,2% của tháng trước.
Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ, hay chênh lệch lãi suất toàn cầu đang gây ra tình trạng rút vốn, đặc biệt ở những thị trường bị mất giá đồng nội tệ khi nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên bảo toàn vốn. Cụ thể, áp lực bán ròng chủ yếu đến từ các quỹ ETF lớn như DCVFM VNDiamond ETF (FUEVFVND) bị rút ròng 1,5 nghìn tỷ đồng trong tháng 5.