Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung cơ chế đặc thù phát triển Đà Nẵng
Chiều 14/5, tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng...
Tại phiên họp, trước khi tiến hành thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
ĐẢM BẢO TÍNH HỢP LÝ VÀ KHẢ THI
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, để tiếp tục cụ thể hóa chủ trương của Đảng về phát triển thành phố Đà Nẵng, trên cơ sở đánh giá 03 năm thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội, Chính phủ đã trình sửa đổi, bổ sung Nghị quyết này với 30 chính sách cụ thể đề nghị thí điểm, gồm: 9 chính sách về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng, 21 chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.
Trong đó, 6 chính sách tương tự như Quốc hội đã cho phép áp dụng tại một số địa phương, 10 chính sách tương tự nhưng điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn của thành phố Đà Nẵng; 05 chính sách đề xuất mới.
Về các nội dung cụ thể dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, đối với 6 chính sách tương tự như các chính sách Quốc hội cho phép áp dụng thí điểm tại một số địa phương, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến có nên trình Quốc hội cho phép thành phố Đà Nẵng áp dụng thí điểm hay không?
Bởi, hiện nay các chính sách này đang áp dụng thí điểm chưa có tổng kết đánh giá. Đối với 10 nhóm chính sách tương tự các chính sách Quốc hội đã cho phép áp dụng thí điểm tại một số địa phương nhưng có điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với thực tiễn tại thành phố Đà Nẵng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mở rộng thêm chính sách có cần thiết cho thành phố Đà Nẵng đã hợp lý và đủ căn cứ đảm bảo tính khả thi hay không?
Đối với các chính sách mới và các chính sách về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, Ủy ban Thường vụ cho ý kiến về sự cần thiết, cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, tính phù hợp, tính khả thi. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về việc áp dụng pháp luật, hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp và các nội dung khác mà thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm.
PHẢI KỊP THỜI THÁO GỠ CÁC VƯỚNG MẮC VỀ THỂ CHẾ
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, đa số ý kiến đồng tình cao với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng đã bảo đảm cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn và đúng thẩm quyền.
Về một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, một số ý kiến cho rằng, nội dung chính sách đề xuất thí điểm khá rộng, với hai nhóm chính sách lớn và 30 chính sách cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến ngân sách nhà nước và nguồn lực đảm bảo cho thực hiện chính sách…
Bên cạnh đó, có những chính sách đề xuất khác với quy định hiện hành, do vậy đối với những chính sách đã chín, đã rõ được thực tế kiểm nghiệm chứng minh mới đưa vào nghị quyết; đối với vấn đề chưa chín, chưa rõ cần tiếp tục nghiên cứu.
Một số ý kiến cho rằng cần quan tâm đến tính trọng tâm, trọng điểm; tính đặc thù; tính đột phá; tính hợp lý, khả thi và tính lan tỏa, tác động sâu rộng của chính sách; chú trọng chính sách để thành phố Đà Nẵng phát triển thành phố cảng biển đô thị quốc tế, đảm bảo vai trò trọng điểm phát triển miền Trung kết nối với khu vực Tây nguyên.
Chính sách trong Dự thảo Nghị quyết cũng cần tập trung tháo gỡ kịp thời những vướng mắc về thể chế, chính sách pháp luật đang cản trở tiến trình phát triển của thành phố Đà Nẵng, góp phần khai thông nguồn lực, phát huy tiềm năng, thế mạnh. Đồng thời, đề cao vai trò điều hành, kiểm soát quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Đối với các cơ chế, chính sách đặc thù đã được áp dụng cho các địa phương khác, cần tiếp tục rà soát làm rõ hơn về sự cần thiết, tính khả thi; đối với chính sách mới không nhắc lại trong Nghị quyết các chính sách đã được quy định tại các luật vừa được Quốc hội thông qua…
Cũng tại phiên họp, một số ý kiến cũng đóng góp hoàn thiện quy định về khu thương mại tự do; Bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của UBND quận và UBND phường; Về thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị; Về nhóm chính sách tương tự đã được áp dụng tại các địa phương khác nhưng có điều chỉnh, mở rộng thêm; Về một số nội dung giao Chính phủ…
Tại phiên họp, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã tiếp thu, giải trình các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới, thành phố rất cần động lực mới để phát triển, nhất là động lực về cơ chế; mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội thông qua nghị quyết.
Đặc biệt, cho phép thành phố Đà Nẵng thực hiện ngay mô hình chính quyền đô thị, kèm theo đó là các cơ chế, chính sách để vận hành nhằm phát huy tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị. Nếu Nghị quyết được thông qua, thành phố Đà Nẵng có đủ điều kiện về nguồn lực và quyết tâm chính trị để cụ thể hóa nghị quyết vào thực tiễn và là cơ sở để nhân rộng chính sách mới trong thực tiễn.
XEM XÉT TẠI KỲ HỌP THỨ 7
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết đảm bảo chất lượng trình Quốc hội và lưu ý một số vấn đề.
Cụ thể, tiếp tục rà soát thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 43-NQ/TW, Kết luận 79-KL/TW của Bộ Chính trị để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết, đảm bảo có các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, đột phá, có tính lan tỏa; đồng thời khắc phục được những hạn chế, vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội. Không đưa vào Nghị quyết những chính sách đã có trong các luật khác, hoặc không thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Đối với các chính sách thực sự cần thiết mà chưa phù hợp với chủ trương của Đảng, phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và lưu ý rà soát đối chiếu Nghị quyết 27-NQ/TW, các quy định về tiền lương, thu nhập tăng thêm, Nghị quyết 18-NQ/TW đối với các quy định có liên quan đến tổ chức bộ máy và biên chế.
Đồng thời, rà soát để đánh giá tác động đầy đủ đặc biệt là các chính sách mới, từng chính sách phải có điều kiện để thực hiện, gắn trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực; không hợp thức hóa các sai phạm, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân, hài hòa lợi ích của Nhà nước, của nhà đầu tư.
Rà soát để đảm bảo các chính sách không trái với Hiến pháp, phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo an ninh, quốc phòng, ổn định trật tự xã hội và đời sống Nhân dân. Đánh giá thêm ảnh hưởng tiêu cực của các chính sách, mức độ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, đặc biệt là Ngân sách trung ương vì thành phố Đà Nẵng là địa phương có tỷ lệ điều tiết của Trung ương; làm rõ thêm kết quả đầu ra của từng chính sách.
Về cho phép thành phố Đà Nẵng quyết định nguồn vay trong nước và ngoài nước trong tổng cho vay, cần đánh giá kỹ tác động, sự cần thiết phải có nguyên tắc, theo dõi, tổng hợp đảm bảo điều hành chung, đảm bảo tỷ trọng vay nợ trong nước và ngoài nước của quốc gia. Rà soát tính khả thi, tính thực tế của các điều kiện đảm bảo thực hiện chính sách, nhất là chính sách đang áp dụng thí điểm ở các tỉnh thành phố khác nhưng hiệu quả chưa cao, kể cả các chính sách trong Nghị quyết 119/2020/QH14 thành phố Đà Nẵng đang áp dụng.
Rà soát căn cứ, tính hợp lý, sự cần thiết, tính thuyết phục để nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các cơ quan thẩm tra; đề nghị không đưa vào hoặc thu hẹp phạm vi, hoặc cân nhắc một số nội dung khi đưa vào Nghị quyết một số chính sách, như việc giao Chính phủ nghiên cứu cơ chế chính sách phát triển Trung tâm tài chính của thành phố Đà Nẵng; Cân nhắc việc giao Chính phủ chủ động ban hành chính sách; Rà soát thu hẹp danh mục ngành nghề ưu đãi, thu hút đầu tư; Bổ sung đánh giá thuyết minh làm rõ một số nội dung đối với chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ đối với hoạt động đổi mới và khởi nghiệp vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo; Cân nhắc các quy định miễn trừ trách nhiệm đối với thử nghiệm có kiểm soát các giải pháp công nghệ mới, rà soát làm rõ một số nội dung về chính sách này.
Bổ sung điều kiện để thu hồi đất đối với xây dựng các trung tâm logistics, khu hậu cần dịch vụ logistic và cân nhắc quy định làm rõ cơ sở tiêu chí, điều kiện kết quả chính sách hỗ trợ 5% tổng chi phí mua thiết bị trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn trí tuệ nhân tạo; Đồng thời rà soát các ý kiến khác với từng chính sách mà các cơ quan thẩm tra đề nghị bổ sung làm rõ.
Về khu thương mại tự do, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, nhiều ý kiến đồng tình nhưng cần nghiên cứu bổ sung tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra để quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết về các khái niệm, mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, chính sách phát triển và quản lý nhà nước, phương án phát triển, nguồn lực phát triển, việc đầu tư hạ tầng, kết quả đầu ra khi thành lập khu thương mại tự do; bổ sung sự cần thiết tính hiệu quả và khả năng quản lý kiểm soát của nhà nước; đồng thời đánh giá tác động đầy đủ với các chính sách cụ thể về khu thương mại tự do.
Rà soát các chính sách tương tự như các chính sách Quốc hội đã có nghị quyết cho các tỉnh, thành phố khác thực hiện thí điểm để biên tập, thể hiện chặt chẽ, tương đồng trong Nghị quyết.
Rà soát các nội dung có liên quan đến tổ chức bộ máy và chính quyền đô thị; trường hợp mở rộng thêm chính sách cần đánh giá kỹ tác động tích cực, tác động tiêu cực; nêu rõ căn cứ đánh giá tính hợp lý, khả thi như thí điểm áp dụng đầu tư kinh doanh chợ theo phương thức PPP.
Bên cạnh đó, việc thí điểm các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt và cân nhắc để quy định rõ các khoản chưa phẩn bổ 2% tổng chi trong dự toán ngân sách phường được tính vào tổng dự phòng các cấp ngân sách thành phố Đà Nẵng và theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và cân nhắc quy định tổng thể mức đầu tư tối thiểu của các dự án PPP.
Rà soát các quy định về điều khoản thi hành để làm rõ cụ thể hơn nhiệm vụ giao Chính phủ, Bộ, ngành, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh đảm bảo các điều kiện cần thiết để triển khai các chính sách trong Nghị quyết; Rà soát đảm bảo có đầy đủ các quy định gắn trách nhiệm đã được phân cấp, phân quyền, ủy quyền, giao thẩm quyền gắn liền với quy trình thủ tục và rà soát các quy định về áp dụng pháp luật, quy định chuyển tiếp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Tổng Thư ký Quốc hội chỉ đạo tổng hợp các ý kiến tham gia trong Phiên họp, thông báo ý kiến Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đến các cơ quan liên quan thực hiện. Chính phủ tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Hồ sơ Dự thảo Nghị quyết, gửi Quốc hội và Ủy ban Tài chính, Ngân sách thẩm tra chính thức, trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV.