15:02 15/12/2023

Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội

Hà Lê

Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và 11/2023…

Phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và 11/2023
Phiên họp thứ 28, chiều 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và 11/2023

Trình bày báo cáo, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Quốc hội và điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định, nâng cao đời sống của nhân dân đã được tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua. Đồng thời, cử tri tin tưởng các hoạt động ngoại giao này sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, góp phần phát triển kinh tế của đất nước và tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 10 và tháng 11/2023

Bên cạnh những kết quả đã đạt, cử tri và nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình hình mưa lũ tại các tỉnh miền Trung. Tình hình biến đổi khí hậu đã gây sạt lở núi, bờ biển, xâm thực ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của người dân. Thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động dẫn đến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, chi phí đầu vào phục vụ cho sản xuất tăng cao, trong khi đầu ra giá thành thấp, cộng với những tác động bất lợi của thời tiết ảnh hưởng đến đời sống nông dân.

Cử tri đặc biệt lo lắng về việc thời gian gần đây xảy ra các vụ cướp tiệm vàng, cướp ngân hàng, các đối tượng rất manh động, đã dùng hung khí nguy hiểm gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho người dân; tình hình chất lượng không khí nguy hại cho sức khỏe, nhất là ở các thành phố lớn; việc nhiều công nhân tại Nghệ An bị bệnh nghề nghiệp gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, thậm chí tính mạng do mắc bệnh bụi phổi silic.

Cử tri và nhân dân bày tỏ sự bức xúc về tình trạng xuống cấp về đạo đức trong trường học; việc trong chương trình học của học sinh tiểu học, có tình trạng nhà trường đưa các môn học tự nguyện đăng ký của chương trình dạy liên kết vào giảng dạy chính khóa và thu tiền. Cử tri cho rằng, đây như là một trong các hình thức “dạy thêm - học thêm” cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể hơn trong thời gian tới.

Các đại biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội
Các đại biểu thảo luận. Ảnh: Quốc hội

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, tình hình công dân khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong tháng 11/2023 có chiều hướng tăng so với tháng 10/2023. Tại Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, các cơ quan đã tiếp 824 lượt với 1.925 công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về 822 vụ việc, trong đó có 432 vụ việc khiếu nại, 100 vụ việc tố cáo, 290 vụ việc kiến nghị, phản ánh và có 72 lượt đoàn đông người.

Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương sớm có giải pháp khắc phục các điểm sạt lở hoặc di dời các hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm để ổn định đời sống và sản xuất, đồng thời nghiên cứu có các giải pháp tổng thể lâu dài nhằm ngăn chặn có hiệu quả những tác hại của biến đổi khí hậu; có giải pháp hữu hiệu để bình ổn giá, ổn định cuộc sống người dân, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo.

Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, rà soát tình trạng nhà trường đưa các môn học tự nguyện đăng ký của chương trình dạy liên kết vào giảng dạy chính khóa và thu tiền, có biện pháp điều chỉnh phù hợp; chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc bạo lực học đường, xúc phạm giáo viên, có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng xuống cấp về đạo đức trong trường học cũng như chấm dứt vấn nạn bạo lực học đường hiện nay.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chỉ đạo kiểm tra, giải quyết, đảm bảo quyền lợi cho những công nhân bị bệnh nghề nghiệp, kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về an toàn lao động của doanh nghiệp (nếu có), đồng thời kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn lao động cho những người lao động làm việc tại những nơi có môi trường độc hại trên phạm vi toàn quốc.

Bộ Công an tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán sắp tới.

Phát biểu tại phiên họp, Phó trưởng ban Tiếp công dân Trung ương Trần Quốc Dũng cho biết, trước tình hình công dân khiếu kiện lên Trung ương tăng cao trong tháng 11 và tháng 12, Thanh tra Chính phủ và Ban Dân nguyện của Quốc hội đã phối hợp rất chặt chẽ, vận động được rất nhiều công dân trở về địa phương, vận động được hơn 1.000 công dân tập trung ở khu vực Ba Đình trong những dịp lễ về trụ sở để tiếp.

Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương để giải quyết dứt điểm các vụ việc có dấu hiệu phức tạp về an ninh, trật tự.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, số lượng đơn thư lớn là do có rất nhiều đơn gửi trùng, đơn không đủ điều kiện xử lý, đơn đã giải quyết hết thẩm quyền. Cụ thể là có tới 5.624/6.702 đơn không đủ điều kiện xử lý, đơn đã giải quyết hết thẩm quyền. Như vậy, thực tế, tình hình đơn thư không đến nỗi phức tạp.

Nhìn chung, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước ổn định; nhân dân tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ và rất phấn khởi với kết quả mà nước ta đã đạt được. Có được điều đó là nhờ sự cố gắng chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có công tác dân nguyện của Quốc hội.