17:36 09/08/2021

VACC kiến nghị giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng, bất động sản

Phan Dương

Sự bùng phát trở lại của dịch bệnh Covid 19 đang làm trầm trọng thêm những khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng và kinh doanh bất động sản. Trước bối cảnh đó, một số hiệp hội đã kiến nghị nhiều giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc, giúp doanh nghiệp cầm cự được qua thời điểm khó khăn này...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tại văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 9/8, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt nam (VACC) đề nghị Thủ tướng giao Bộ xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16; Bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân… vào chi phí đầu tư xây dựng công trình; Có hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công, hoặc phải tạm dừng trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.

ĐỂ DOANH NGHIỆP VỪA ỔN ĐỊNH SẢN XUẤT, VỪA CHỐNG DỊCH AN TOÀN

VACC cũng kiến nghị với Thủ tướng những công trình xây dựng hạ tầng kỹ thuật, san nền có mặt bằng rất thoáng, không bị tập trung đông người hoặc những công trình xây dựng đang ở vào giai đoạn hoàn thiện cuối để bàn giao mà không nằm trong vùng dịch trọng điểm thì vẫn cho phép tiếp tục triển khai (nhưng phải áp dụng đầy đủ các biện pháp kiểm tra phòng chống dịch). Qua đó, hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp xây dựng thực hiện được “mục tiêu kép” vừa ổn định sản xuất vừa chống dịch an toàn.

“Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng đều vô cùng khó khăn nên chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ một số biện pháp cụ thể như: dừng thu bảo hiểm xã hội 6 tháng cuối năm cho tất cả các lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng. Vì lao động thời vụ nông nhàn là một đặc thù của ngành xây dựng Việt Nam. Hiện nay, do tình hình dịch bệnh, công việc thì phải dừng, về quê thì không được mà ở lại cũng không có thu nhập. Đây là một vấn đề bức xúc mà toàn bộ các doanh nghiệp xây dựng đều tha thiết mong Thủ tướng quan tâm xử lý”, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC chia sẻ.

Ngoài ra, các doanh nghiệp thuộc VACC cũng kiến nghị được giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý 2/2021 sang đầu năm 2022; Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021; Các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%; Hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021; Có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cũng mong muốn các Sở xây dựng địa phương cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá các vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách, có được đơn giá chính xác, phù hợp tránh làm thiệt thòi cho các nhà thầu xây dựng.

Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoRea) cũng có văn bản gửi Bộ Xây dựng, đề nghị có giải pháp xử lý “ách tắc” đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nông nghiệp, hoặc có quyền sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở phù hợp với quy hoạch, theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng lại không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.

 “Ách tắc” này gây thiệt hại rất lớn cho các doanh nghiệp bất động sản, người tiêu dùng và cả Nhà nước, mà nguyên nhân là do khoản 1, khoản 4 điều 23 Luật Nhà ở 2014 và khoản 5 điều 1 Nghị định 30/2021/NĐ-CP chỉ công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại trong 02 trường hợp: có 100% đất ở; hoặc, có các loại đất khác “dính” với đất ở”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoRea phân tích.

Cũng theo đơn vị này, hiện nay, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng đối với dự án nhà ở thương mại rất phức tạp, như một “ma trận”, tốn rất nhiều thời gian của doanh nghiệp và làm cho cán bộ công chức nhà nước rất “vất vả”, thậm chí dễ bị “rủi ro” trong thi hành công vụ.

Do vậy, HoRea đề nghị Bộ Xây dựng chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Tài chính để thống nhất quy trình thủ tục đầu tư xây dựng đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhằm thực hiện dự án nhà ở thương mại, để hướng dẫn UBND cấp tỉnh thống nhất thực hiện.

NHIỀU BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG SẼ CÙNG VÀO CUỘC

Bên cạnh đó, HoRea cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp về lãi suất cho vay; Đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế xem xét hỗ trợ về thuế, tiền sử dụng đất như: cho phép giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại đến hết năm 2021; Chưa thu thuế cho thuê nhà của cá nhân trong năm 2021… Từ đó nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, cho người nộp thuế do tác động của đại dịch Covid…

Cũng bàn về các giải pháp để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng thị trường bất động sản; đại diện Bộ Xây dựng cho biết, Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao sẽ khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành về đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản.

Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Nghị định 117/2015/NĐ-CP về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhàở và thị trường bất động sản; Nghiên cứu, trình ban hành và triển khai thực hiện tốt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2040, ổn định và cân đối cung cầu nhà ở góp phần ổn định thị trường bất động sản.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát vướng mắc, hoàn thiện pháp luật về đầu tư đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai, quản lý sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp…, không để chuyển nhượng trái pháp luật, sử dụng sai mục đích, đồng thời tạo thuận lợi trong thủ tục giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất....

Bộ Tài chính theo sát hơn nữa diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản luôn phát triển một cách ổn định và lành mạnh, góp phần vào ổn định chung cho cả nền kinh tế…

Còn các địa phương thì có nhiệm vụ đẩy mạnh triển khai thực hiện các chính sách, văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản mới ban hành; Công bố công khai và tổ chức thực hiện liên thông, rút ngắn thời gian quá trình xem xét, giải quyết thủ tục hành chính trong cấp mới, điều chỉnh, kiểm tra, rà soát dự án kinh doanh bất động sản…

Nhiều ý kiến kỳ vọng, với sự “vào cuộc” của nhiều bộ, ngành, địa phương, những khó khăn của thị trường cũng như của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản sẽ nhanh chóng được tháo gỡ.