15:07 02/11/2021

Vaccine ngừa Covid-19 dạng uống được thử nghiệm lâm sàng trong tháng 11

Hoài Phương

Vaccine ngừa Covid-19 dạng uống hiện là chế phẩm đặc biệt hấp dẫn đối với các quốc gia đang phát triển, do có thể giúp các nước này giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng…

Nam Phi đã từng là nơi thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm đối với các loại vaccine ngừa Covid-19 nhưng đây là lần đầu tiên nước này thử nghiệm vaccine dạng uống. Loại vaccine này do Oravax - công ty con của Công ty Oramed Pharmaceuticals - sản xuất.

Oramed đã sử dụng "phần tử giống virus" để nhắm vào ba trong số các protein bề mặt của Covid-19, bao gồm cả những protein ít bị đột biến hơn. Công ty này khẳng định điều đó có thể giúp tạo ra hiệu quả tốt hơn nhằm chống lại các biến chủng trong tương lai của virus.

Oramed cho biết vaccine dạng uống đặc biệt gây chú ý với các quốc gia đang phát triển do có thể giúp các nước này giảm gánh nặng hậu cần trong các chiến dịch tiêm chủng. Tuy nhiên, loại vaccine này cũng có thể gây thu hút ở các quốc gia giàu có - nơi vấn đề sợ kim tiêm đang là một yếu tố thường bị bỏ sót khi thảo luận về sự do dự tiêm chủng.

“Vaccine ngừa Covid-19 dạng uống không đòi hỏi phải có nhân viên y tế chuyên nghiệp thực hiện (như đối với tiêm chủng)," theo tuyên bố của Oramed. "Chúng cũng dễ thuyết phục hơn đối với người sử dụng tiềm năng vì không liên quan đến kim tiêm”.

Ông Nadav Kidron, Giám đốc điều hành Công ty Oramed Pharmaceuticals, cho rằng vaccine dạng uống là một giải pháp tiềm năng: “Vaccine Covid-19 dạng uống cho phép mọi người tự sử dụng tại nhà. Sau khi hoàn thành thử nghiệm Giai đoạn 1 này, công ty dự định tiếp tục thử nghiệm Giai đoạn 2 và 3 để tiến tới được phê duyệt sử dụng khẩn cấp ở các quốc gia đã thử nghiệm”.

Vaccine Covid-19 dạng uống cho phép mọi người tự sử dụng tại nhà.
Vaccine Covid-19 dạng uống cho phép mọi người tự sử dụng tại nhà.

Thêm vào đó, vaccine dạng uống được cho sẽ là một lựa chọn đáng quan tâm khi các nước thúc đẩy chương trình vaccine tăng cường. Sản phẩm này cũng đang được kỳ vọng sẽ trở thành một vũ khí hiệu quả trong cuộc chiến ngừa Covid-19 tại châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 29/10 cảnh báo nỗ lực tiêm chủng của châu lục này đang đối mặt nguy cơ do thiếu ống tiêm.

Giám đốc WHO khu vực châu Phi, ông Matshidiso Moeti, ngày 28/10 cho biết: “Đầu năm tới, vaccine ngừa Covid-19 sẽ bắt đầu được chuyển nhiều đến châu Phi, nhưng tình trạng khan hiếm ống tiêm sẽ có thể gây gián đoạn tiến trình tiêm phòng”. Ông cũng kêu gọi cần có biện pháp mạnh để nhanh chóng nhằm tăng cường sản xuất ống tiêm.

Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), châu lục này sắp phải đối mặt với “nguy cơ thiếu hụt” khoảng 2,2 tỷ ống tiêm dùng một lần, trong đó có loại ống tiêm tự hủy sử dụng cho tiêm vaccine ngừa Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Đây là loại ống tiêm có khả năng tự hủy sau lần tiêm đầu tiên nên không thể tái sử dụng, thích hợp cho mọi hình thức tiêm chủng.

Tình trạng thiếu hụt này sẽ kéo dài trong ít nhất trong quý 1/2022. Nếu không có biện pháp nào được thực thi, chỉ 5 nước châu Phi - gần 10% dân số châu lục - đạt mục tiêu tiêm chủng mà WHO đề ra, bao gồm quần đảo Seychelles, Mauritius, Maroc, Tunisia và Cape Verde.

WHO đặt mục tiêu mỗi quốc gia có 40% dân số được tiêm ít nhất một mũi vaccine vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, 82 quốc gia, đặc biệt là ở châu Phi, có nguy cơ không đạt được mục tiêu này do nguồn cung không đủ.

Nam Phi hiện đang thử nghiệm nhiều loại vaccine khác nhau nhưng Oravax hiện là vaccine duy nhất ở dạng uống. Vaccine này cũng đang được hợp tác phát triển với công ty Premas Biotech có trụ sở tại Ấn Độ. Việc thử nghiệm lâm sàng ở Nam Phi dự kiến sẽ tiến hành đồng thời với thử nghiệm ở Tel Aviv (Israel) ngay sau khi Bộ Y tế Israel phê duyệt.

Nam Phi hiện đang thử nghiệm nhiều loại vaccine khác nhau nhưng Oravax hiện là vaccine duy nhất ở dạng uống.
Nam Phi hiện đang thử nghiệm nhiều loại vaccine khác nhau nhưng Oravax hiện là vaccine duy nhất ở dạng uống.

Trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu giai đoạn 3 trên phạm vi toàn cầu, hãng Sinovac Biotech (Trung Quốc) cũng cho biết sẽ tiến hành thử nghiệm vaccine CoronaVac ngừa Covid-19 của hãng với trẻ em và thanh thiếu niên ở Nam Phi. Sinovac Biotech và đối tác ở Nam Phi là Numolux Group cho biết thử nghiệm này sẽ đánh giá tính hiệu quả, khả năng tạo miễn dịch cũng như độ an toàn của vaccine CoronaVac đối với trẻ em và thanh thiếu niên từ 6 tháng đến 17 tuổi.

Tham gia lần thử nghiệm trên toàn cầu này sẽ có 14.000 người ở các nước gồm Chile, Philippines, Malaysia, Kenya, trong đó có 2.000 người ở Nam Phi. Cơ quan Quản lý dược phẩm Nam Phi (SAHPRA) đã phê chuẩn cuộc thử nghiệm này và những trẻ em đầu tiên sẽ được tiêm vaccine CoronaVac tại Trung tâm nghiên cứu lâm sàng MeCRU thuộc Đại học Khoa học Y tế Sefako Makgatho.

Theo hãng Sinovac Biotech và Numolux, mục tiêu đầu tiên của nghiên cứu này là đánh giá hiệu quả của vaccine CoronaVac loại hai liều đối với các ca trẻ em và thanh thiếu niên mắc Covid-19 có biểu hiện triệu chứng cũng như đối với những ca nhập viện và mắc Covid-19 thể nặng.