“Vật vã” như điện rác
Việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính...
Việt Nam nằm trong 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Mỗi ngày cả nước đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt, khoảng 60% rác là từ các đô thị.
Hầu hết lượng rác thải hiện nay đang được xử lý bằng hình thức chôn lấp gây ra nhiều hệ lụy cho môi trường như ô nhiễm nguồn nước ngầm, ô nhiễm đất, mùi hôi phát tán, nước rỉ rác chảy ra môi trường.
DOANH NGHIỆP "KÊU" NHIỀU THỦ TỤC
Cuối năm 2017 Nhà máy điện rác (waste-to-energy) đầu tiên của Hà Nội được chấp thuận chủ trương đầu tư. Dự án này khởi công tháng 8/2019, trên diện tích 17,51 ha, nằm trong Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn. Tổng vốn đầu tư của Nhà máy lên đến 7.000 tỷ đồng, với công suất xử lý 4.000 tấn rác khô/ngày (tương đương 5.500 tấn rác tươi).
Đây được xem là nhà máy điện rác lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai thế giới, sau Nhà máy điện rác Thâm Quyến (Trung Quốc).
Mặc dù được tạo nhiều điều kiện để sớm hoàn thành, góp phần xử lý 1 trong những vấn đề cấp thiết nhất của thành phố, nhưng dự án này cũng chậm tiến độ và mất tới hơn 5 năm để hoàn thành.
Đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý Hà Nội, chủ đầu tư của dự án khi trao đổi với VnEconomy đã cho biết, dự án điện rác liên quan đến nhiều Bộ, ngành nên từ khi có chủ trương đầu tư tới lúc hoàn thành các thủ tục pháp lý, doanh nghiệp tốn rất nhiều thời gian.
Doanh nghiệp phải đến rất nhiều các bộ, ngành để nộp hồ sơ như Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên Môi trường, Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy của Bộ Công An, sau đó xuống các sở, ban ngành ở địa phương. Tính chung phải qua hơn 10 cơ quan, đơn vị, lúc đó mới có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng dự án.
Đặc biệt, các bước, các quy trình này không được thực hiện đồng thời cùng một lúc, mà phải tuần tự từng bước một. Ví dụ nếu được làm đồng thời, thì doanh nghiệp vừa có thể nộp hồ sơ lên Bộ Công Thương xin bổ sung quy hoạch điện, vừa nộp hồ sơ lên Bộ Tài nguyên Môi trường xin đánh giá tác động môi trường... Từ khi có chủ trương đầu tư tới khi hoàn thành các tủ tục pháp lý, doanh nghiệp đã phải mất tới 21 tháng.
HÀNG LOẠT DỰ ÁN CHẬM TIẾN ĐỘ
Được biết, bên cạnh dự án điện rác tại Hà Nội, hiện nay Công ty Cổ phần Năng lượng môi trường Thiên Ý cũng đang triển khai 1 dự án điện rác khá lớn khác tại Phù Ninh, Phú Thọ.
Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 2.242 tỉ đồng, quy mô 10ha. mặc dù có quy mô nhỏ hơn và được khởi công sớm hơn cả nhà máy điện rác Hà Nội, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thể hẹn ngày hoàn thành.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, rác thải sinh hoạt cũng là vấn đề gây bức xúc suốt nhiều năm vừa qua. Nhưng tới nay, thành phố lớn nhất cả nước chưa có nhà máy điện rác đi vào hoạt động.
Tháng 7/2024, Dự án Nhà máy đốt rác phát điện Tâm Sinh Nghĩa tại huyện Củ Chi, TP.HCM chính thức được khởi công sau nhiều năm chờ thủ tục. Dự án có công suất xử lý 2.000 - 2.600 tấn rác/ngày, tổng mức đầu tư giai đoạn I là 6.400 tỷ đồng.
Ngoài ra, thành phố còn có các dự án chuyển đổi công nghệ sang đốt rác phát điện: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt NAM (3.000 tấn/ngày), Công ty Môi trường Đô thị TP (1.000 tấn rác/ngày); Công ty TASCO (500 tấn/ngày). Song song đó, thành phố kêu gọi đầu tư dự án đốt rác phát điện theo hình thức PPP, nâng công suất trong tương lai có thể đạt 10.500 tấn/ngày.
TP HCM kiến nghị Bộ Tài nguyên – Môi trường hỗ trợ, có ý kiến với Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương về việc ưu tiên tăng quy mô nguồn điện rác của TP HCM từ 123 MW hiện nay lên tối thiểu 240 MW nhằm phù hợp với hiện trạng triển khai các dự án nhà máy xử lý rác theo công nghệ đốt phát điện của thành phố.
Một tỉnh thành khác ở phía nam là Đồng Nai cũng đang rất mong muốn có nhà máy điện rác. Năm 2022, Dự án Điện rác Vĩnh Tân được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 28/NQ-HĐND.
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 2.300 tỷ gồm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 có công suất xử lý 800 tấn rác/ngày, phát điện 20MW và giai đoạn 2 nâng công suất lên 1.200 tấn/ngày, phát điện đạt 30MW.
Nhưng tính tới tháng 8 vừa qua, tức là sau hơn 2 năm, báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Điện rác Vĩnh Tân vẫn chưa được thực hiện xong.
Có các vướng mắc lớn của dự án được chỉ rõ, đó là quy hoạch chi tiết 1/500 huyện Vĩnh Cửu chưa lập xong, hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định không được thông qua, từ 2 vướng mắc này dẫn đến nhiệm vụ lựa chọn nhà đầu tư chậm.
Một số dự án điện rác khác tại Bắc Ninh vừa hoàn thành nhưng cũng gặp nhiều khó khăn khiến dự án chưa thể vận hành thương mại.
Nhà máy điện rác tại xã Ngũ Thái (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Môi trường Thuận Thành và Tập đoàn JFE Nhật Bản hợp tác đầu tư, công suất xử lý 500 tấn rác/ ngày, đêm, công suất phát điện từ 11-13 MW, được vận hành thử nghiệm từ tháng 11-2023.
Theo kế hoạch , tổ hợp điện rác này sẽ vận hành chính thức vào tháng 6-2024, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà máy chưa được ký hợp đồng xử lý rác thải, bao gồm cả đơn giá xử lý rác thải với UBND tỉnh Bắc Ninh; chưa xin được cấp phép hoạt động điện lực với Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương; chưa xin xác nhận vận hành thương mại COD với Tập đoàn điện lực Việt Nam… dẫn đến chưa có đơn giá xử lý chính thức, giá xử lý hiện tại thấp hơn chi phí sản xuất rất nhiều, chưa có doanh thu bán điện…
Nhà máy điện rác tại xã An Thịnh (huyện Lương Tài, Bắc Ninh) do Công ty TNHH năng lượng mới EU-CONCH VENTURE Bắc Ninh làm chủ đầu tư, công suất xử lý 300 tấn rác/ ngày, đêm, công suất phát điện 6 MWh, được vận hành thử nghiệm tháng 11-2023, vận hành thương mại vào tháng 4-2024, đang tiếp nhận và xử lý rác thải cho các huyện Yên Phong, Gia Bình, Lương Tài.
Tuy nhiên, lượng rác cung cấp cho Nhà máy hiện vẫn thiếu trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến hệ thống dây chuyền vận hành, doanh thu của Nhà máy (mới tiếp nhận, xử lý được 200 tấn rác/ngày, đêm); đơn giá xử lý rác quá thấp, giá xử lý các khâu bảo vệ môi trường lại cao, khiến Nhà máy vẫn phải bù lỗ.
Ngoài ra, do biến động của lưới điện quốc gia, thường xuyên bị ngắt điện, ảnh hưởng không nhỏ đến chu trình vận hành bình thường của Nhà máy; lượng tro xỉ đã được xử lý đạt chuẩn có thể tái sản xuất làm vật liệu xây dựng, san lấp nền, nhưng nay chưa được sử dụng, vẫn tập kết tại nhà máy…
Theo ước tính, có tới trên 70% lượng rác thải tại Việt Nam đang được xử lý chủ yếu bằng công nghệ chôn lấp, chỉ có 13% rác được đốt cháy để thu hồi năng lượng. Điều đáng nói, việc chôn lấp rác đang ngày càng khó khăn khi quỹ đất dùng cho việc này ngày một thu hẹp.
Trước thực trạng trên, việc phát triển các nhà máy đốt rác phát điện được nhận định không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn đóng góp quan trọng và tích cực về mặt môi trường.
Một số chuyên gia nhận định, việc chậm tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện sẽ dẫn đến hệ lụy phụ thuộc vào việc xử lý rác bằng chôn lấp gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên và tăng phát thải khí nhà kính; chậm phát triển năng lượng tái tạo, khiến Việt Nam khó đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.