Vì sao chủ trương “thịnh vượng chung” của Trung Quốc khiến Hermes, Gucci lo sợ?
Những thương hiệu hàng xa xỉ như Hermes, Gucci và Louis Vuitton đã “kiếm đậm” từ người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm qua...
Những thương hiệu hàng xa xỉ như Hermes, Gucci và Louis Vuitton đã “kiếm đậm” từ người tiêu dùng Trung Quốc trong những năm qua. Giờ đây, vận may của các hãng này có nguy cơ đổi chiều, khi Bắc Kinh kêu gọi “thịnh vượng chung” - tờ báo Nhật Bản Nikkei nhận định.
Vài tháng gần đây, thông điệp về “thịnh vượng chung” bắt đầu nổi lên trong các cuộc thảo luận chính trị tại Trung Quốc, thường được hiểu là tài sản ở mức vừa phải cho tất cả mọi người chứ không chỉ tập trung ở một số ít. Điều này khiến các hãng đồ hiệu lo ngại rằng tầng lớp nhà giàu Trung Quốc sẽ không còn thoải mái rút ví để sắm những chiếc túi xách giá 3.000 USD như trước.
Nỗi sợ này thể hiện rõ trên thị trường chứng khoán trong tuần trước. Giá cổ phiếu của Kering -công ty sở hữu thương hiệu Gucci - niêm yết tại thị trường Paris sụt 17%. Cổ phiếu công ty Thuỵ Sỹ Richemont với những thương hiệu như Cartier và Piaget lao dốc 14%. Cổ phiếu LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton và Hermes giảm tương ứng 13% và 8%. Giá cổ phiếu của các hãng siêu xe cũng không tránh được sự sụt giảm, với Porsche giảm 10% và Ferrari trượt 6%.
Tại một cuộc họp của Uỷ ban Các vấn đề tài chính và kinh tế thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tuần trước, Chủ tịch Tập Cận Bình gọi “thịnh vượng chung” là một phần của “phát triển kinh tế chất lượng cao”. Cuộc họp kêu gọi điều chỉnh “thu nhập quá cao” và phân bố lại tài sản vốn đã tập trung quá nhiều vào một nhóm nhỏ những người siêu giàu ở Trung Quốc, theo đó thúc đẩy bình đẳng kinh tế và xã hội.
Những tuyên bố này dẫn tới đồn đoán rằng thị trường hàng xa xỉ là lĩnh vực tiếp theo có thể bị Chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát, sau khi Bắc Kinh gần đây siết “gọng kìm” đối với các lĩnh vực công nghệ và giáo dục tư nhân. Nếu ngành đồ hiệu trở thành một mục tiêu tăng cường giám sát mới, người giàu ở Trung Quốc có thể sẽ không còn được mua sắm thoải mái những món đồ xa xỉ như hiện nay.
Công ty đầu tư Jefferies ước tính rằng tầng lớp siêu giàu ở Trung Quốc có khoảng 110.000 người, và số này chiếm khoảng 1/4 tổng doanh thu đồ hiệu bán cho người Trung Quốc cả ở trong nước và ngoài nước.
Tờ Wall Street Journal cho biết sau bài phát biểu của ông Tập Cận Bình, tổng giá trị vốn hoá của các hãng đồ hiệu tại châu Âu sụt giảm khoảng 70 tỷ USD trong tuần trước.
Nhu cầu đồ hiệu của người tiêu dùng Trung Quốc cũng từng chao đảo ở giai đoạn cao điểm trong chiến dịch chống tham nhũng của nước này. Vào năm 2012, thị trường hàng xa xỉ ở Trung Quốc chỉ tăng trưởng 2%, so với mức tăng khoảng 10% mỗi năm trong 3 năm trước đó.
“Nếu việc phân bố lại tài sản theo lời kêu gọi thịnh vượng chung dẫn tới một tầng lớp trung lưu đông đảo hơn ở Trung Quốc, thì điều đó sẽ có lợi cho nền kinh tế Trung Quốc trong trung đến dài hạn”, theo nhà nghiên cứu Naoto Saito thuộc Viện nghiên cứu Daiwa.
“Hiện chưa rõ việc phân bố lại tài sản sẽ diễn ra một lần hay theo từng giai đoạn”, nguồn tin từ một công ty quản lý tài sản nhận định.
Theo một báo cáo của Bain & Co. vào năm ngoái, Trung Quốc đại lục là thị trường hàng hiệu duy nhất tăng trưởng trong năm 2020, với mức trưởng ước đạt 45%, đưa doanh thu lên 44 tỷ Euro, tương đương 52,21 tỷ USD.
Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, Trung Quốc được Bain dự báo sẽ trở thành thị trường hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2025. Tuy nhiên, lời kêu gọi “thịnh vượng chung” của ông Tập có thể khiến dự báo này khó trở thành hiện thực.