10:11 14/08/2023

Vì sao chưa đưa giáo viên mầm non vào nhóm được nghỉ hưu trước tuổi?

Nhật Dương

Giáo viên mầm non mặc dù được đánh giá có đặc thù riêng, song chưa được đưa vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại do chưa đủ các yếu tố. Vì thế, tuổi nghỉ hưu của nhóm này hiện vẫn thực hiện tăng theo lộ trình, không được nghỉ hưu sớm…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Mới đây, tại Diễn đàn Người lao động 2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết cơ quan này tiếp tục đề xuất và đang phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để đưa đối tượng giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Nếu thuộc nhóm này, giáo viên mầm non có thể được nghỉ hưu sớm 5 năm.

Trước đó, khi góp ý vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng từng đề xuất bổ sung trường hợp người lao động là giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm 5 năm so với tuổi quy định.

Tuy nhiên, về phía Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội không tiếp thu bổ sung về tuổi nghỉ hưu thấp hơn cho giáo viên mầm non, do không phù hợp với định hướng của Trung ương về tuổi nghỉ hưu, và không phù hợp với nguyên lý của chế độ hưu trí.

Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành và dự thảo Luật đã quy định việc nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị cơ quan quản lý giáo viên mầm non tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đặc thù nghề nghiệp của đối tượng này để xem xét, bổ sung vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách, pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), nhấn mạnh đây là vấn đề cần quan tâm ở thực tiễn hiện nay, nhất là trong điều kiện tuổi nghỉ hưu của người lao động đã được điều chỉnh tăng lên theo lộ trình của Bộ luật Lao động năm 2019, và có một số đối tượng vẫn được giảm tuổi nghỉ hưu từ 5 – 10 năm.

“Giáo viên mầm non là nhóm có đặc thù riêng, nhưng chưa thuộc đối tượng để được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm. Ngay từ khi bắt đầu xây dựng Bộ luật Lao động cũng như các chế độ chính sách, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn thống nhất đề nghị đưa đối tượng giáo viên mầm non vào nhóm được nghỉ hưu sớm, vì họ có đặc thù nghề nghiệp, hầu như giáo viên mầm non không thể nghỉ hưu ở tuổi 60 với nữ, 62 với nam”, ông Lê Đình Quảng nói.

Theo ông, mục đích đề xuất đưa giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại cũng chính là để họ được về hưu sớm 5 năm so với quy định hiện hành. Hiện nay, tổ chức công đoàn đang tiếp tục đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền về nguyện vọng của người lao động.

“Trước khi đề xuất, hệ thống công đoàn đã có những nắm bắt tâm tư của người lao động và chúng tôi thấy nguyện vọng đó là hoàn toàn phù hợp để điều chỉnh”, ông Quảng nói thêm.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học, Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng cần nghiên cứu xem xét kỹ đề xuất này, thậm chí chưa cần thiết phải đưa nhóm giáo viên mầm non vào danh mục nghề nặng nhọc, độc hại. Bởi, bên cạnh những phương pháp giảng dạy truyền thống, thì hiện nay xu hướng là ngày càng áp dụng nhiều phương pháp dạy học trực tuyến, mặt khác tuổi thọ của Việt Nam cũng đã được cải thiện đáng kể.  

Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Trường hợp người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, việc rà soát, bổ sung, sửa đổi danh mục nghề làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện hằng năm, dựa trên kết quả đánh giá điều kiện lao động và đề xuất của các bộ, ngành, địa phương.

Các nghiên cứu, đánh giá điều kiện lao động cho thấy, đến nay nghề giáo viên mầm non chưa đủ các yếu tố điều kiện lao động để xếp vào nghề, công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Do đó, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá thêm các yếu tố đặc trưng về điều kiện lao động của nghề giáo viên mầm non để xem xét, bổ sung theo nguyện vọng của người lao động.