06:51 04/10/2008

Vì sao chứng khoán Mỹ giảm điểm sau quyết định của Hạ viện?

Duy Cường

Ngày 3/10, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm bất chấp kế hoạch “giải cứu” Phố Wall đã được Hạ viện chính thức thông qua

Chỉ số Dow Jones giảm 1,5% trong phiên này, thấp hơn tuần trước 7,34% và giảm 22,16% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Chỉ số Dow Jones giảm 1,5% trong phiên này, thấp hơn tuần trước 7,34% và giảm 22,16% so với cùng kỳ năm ngoái - Ảnh: Reuters.
Ngày 3/10, chứng khoán Mỹ đã giảm điểm bất chấp kế hoạch “giải cứu” Phố Wall đã được Hạ viện chính thức thông qua.

Chứng khoán Mỹ: Tuần giảm điểm mạnh nhất trong 6 năm của Dow Jones.

Giá dầu thô kỳ hạn giao tháng 11 tại NYMEX trong ngày 3/10 đã giảm 9 cent/thùng và đóng cửa ngày giao dịch ở mức 93,88 USD/thùng, giảm 12% so với tuần trước.

Hôm thứ Sáu, Ngân hàng Wells Fargo cho biết đã đạt được thỏa thuận mua Ngân hàng Wachovia với giá 15,1 tỷ USD mà không có bất kỳ sự hậu thuẫn nào từ Chính phủ Mỹ.

Ngay lập tức, Citigroup đã tuyên bố thách thức Wells Fargo về thương vụ này bởi vì trước đó Citigroup đã đạt được thỏa thuận (được hậu thuẫn bởi Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Liên bang) về việc thâu tóm quyền điều hành của Wachovia vào ngày 29/9.

Theo giới phân tích nhận định, việc Wells Fargo, một trong số ít ngân hàng ở Mỹ làm ăn có lãi trong cơn bão tài chính vừa qua, tuyên bố mua Wachovia có thể sẽ đưa Citigroup - Wells Fargo bước vào một cuộc chiến pháp lý đầy rủi ro.

Trong phiên giao dịch này, cổ phiếu của Wachovia lên 58,82%, cổ phiếu Wells Fargo giảm 1,7% và cổ phiếu Citigroup mất tới 18,4%.

Liên quan đến tính thanh khoản của các ngân hàng thương mại Mỹ, theo thống kê, nhu cầu vay vốn ngắn hạn của các ngân hàng trong tuần đã tăng vọt khi trung bình mỗi ngày, họ đã vay từ Cục Dự trữ Liên bang 367,8 tỷ USD so với mức 187,75 tỷ USD của tuần trước đó.

Thông tin quan trọng và đáng chú ý nhất trong ngày, vào lúc hơn 12 giờ trưa ngày 3/10 (giờ địa phương), Hạ viện Mỹ đã chính thức thông qua kế hoạch giải cứu ngành tài chính Mỹ với 263 phiếu thuận và 171 phiếu chống.

Lý do khiến Hạ viện Mỹ thông qua kế hoạch này một phần do có những thay đổi so với bản kế hoạch trước và một phần có thể lý giải qua nhận xét của hạ nghị sỹ đảng Dân chủ ở tiểu bang Georgia, John Lewis: “Tôi quyết định rằng cái giá của việc không làm gì sẽ lớn hơn nhiều so với cái giá của việc làm một điều gì đó”.

Kế hoạch này là ý tưởng của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Henry Paulson và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đưa ra ngày 19/9. Sau đó, bản kế hoạch nhận được sự thỏa thuận giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ vào ngày 27/9 nhưng bất ngờ bị Hạ viện bác bỏ vào ngày 29/9.

Tiếp đó bản kế hoạch này được Thượng viện thông qua ngày 1/10 và cuối cùng cũng được Hạ viện thông qua trong lần bỏ phiếu thứ hai.

Trong suốt 15 ngày đó, cả thế giới luôn dõi theo từng diễn biến mới nhất liên quan đến kế hoạch này và qua đó tác động mạnh đến thị trường chứng khoán toàn cầu.

Sau khi được Thượng viện và Hạ viện thông qua, kế hoạch này ngay lập tức đã được Tổng thống Mỹ George W.Bush, người đã có 14 bài phát biểu trong 15 ngày nhằm kêu gọi người dân và các nghị sỹ Mỹ ủng hộ kế hoạch này, ký thông qua.

Chứng khoán Mỹ đã tăng mạnh vào phiên buổi sáng do giới đầu tư tin tưởng kế hoạch giải cứu thị trường tài chính sẽ được thông qua. Và khi kế hoạch được thông qua, các chỉ số tiếp tục tăng điểm, nhưng sau đó thị trường đảo chiều và duy trì đà giảm điểm cho đến cuối ngày giao dịch.

Điều gì khiến thị trường chứng khoán giảm điểm sau quyết định của Hạ viện?

Theo giới phân tích nhận định, kế hoạch 700 tỷ USD này mới chỉ giải quyết được bề nổi của vấn đề mà nước Mỹ đang phải đối mặt, nó mới giúp được Phố Wall tránh bị sụp đổ và nền tài chính tạm thời không biến động mạnh.

Nhưng nước Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề vĩ mô mất cân xứng như thất nghiệp tăng cao, thu nhập có nguy cơ giảm, nền kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn nhiều...

Và suy cho cùng, 700 tỷ USD tiền thuế của người dân Mỹ thay vì được sử dụng vào an sinh xã hội... thì nay được “bỏ vào” việc cứu những sai lầm của hệ thống tài chính Mỹ.

Do đó, nếu kế hoạch chi 700 tỷ USD cho thị trường tài chính Mỹ không được thông qua có thể sẽ đẩy chứng khoán Mỹ sụt giảm mạnh, nhưng khi nó được thông qua thì không có nghĩa thị trường chứng khoán sẽ phản ứng tích cực. Bởi vì tác động tâm lý có thể khiến chứng khoán tăng tức thời, nhưng sự bền vững của đà tăng điểm lại phụ thuộc vào các nhân tố tổng hòa trên bình diện vĩ mô.

Sự sụt giảm trong nhiều ngày giao dịch với biên độ lớn trong tuần của thị trường chứng khoán đã đưa chỉ số S&P 500 và Nasdaq có tuần giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 2001 trong khi chỉ số Dow Jones có tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 7/2002.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục giảm 157,47 điểm, tương đương -1,5%, đóng cửa ở mức 10.325,38, giảm 7,34% so với tuần trước và thấp hơn 22,16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chỉ số Nasdaq phiên này trượt 29,33 điểm, tương đương -1,48%, chốt ở mức 1.947,39, mất 10,81% so với tuần trước và giảm 26,58% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cuối cùng, chỉ số S&P 500 mất 15,05 điểm, tương đương -1,35%, đóng cửa ở mức 1.099,23, giảm 9,38% so với tuần trước và thấp hơn 25,14% so với cùng kỳ năm 2007.

Các thông tin đáng chú ý trong tuần:

* Ngày 29/9, Hạ viện Mỹ đã bác bỏ gói hỗ trợ 700 tỷ USD để “giải cứu” Phố Wall khiến chứng khoán Mỹ có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ năm 1987.

* Ngày 1/10, General Electric đã thông báo sẽ bán cổ phiếu ưu đãi có trị giá 3 tỷ USD cho Tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett.

* Ngày 1/10, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói hỗ trợ 700 tỷ USD để “giải cứu” Phố Wall với 74 phiếu thuận và 25 phiếu chống.

* Ngày 2/10, tờ Wall Street Journal đã loan tin về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản.

* Ngày 2/10, Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ đã ban hành quy định kéo dài thời hạn có hiệu lực của lệnh cấm bán khống cổ phiếu của hơn 950 công ty đến ngày 17/10 thay vì ngày 2/10.

Chứng khoán châu Âu: Các thị trường tăng trên 2%

Theo nhận định từ các chuyên gia kinh tế của Citigroup, NP Paribas SA và JPMorgan Chase, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) rất có thể sẽ cắt giảm lãi suất cơ bản đối với đồng Bản Anh trong tuần tới xuống dưới ngưỡng 5%/năm như hiện nay.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu đã đưa ra quyết định giữ nguyên mặt bằng lãi suất 4,25%/năm đối với đồng Euro.

Chứng khoán châu Âu phiên này đã đồng loạt lên điểm mạnh do giới đầu tư hy vọng kế hoạch giải cứu khối tài chính Mỹ sẽ được Hạ viện nước này thông qua trong ngày 3/10.

Nhiều cổ phiếu khối ngân hàng đã lên điểm mạnh, trong đó cổ phiếu của BNP Paribas tăng 11%, cổ phiếu Barclays lên 8,6%, cổ phiếu Credit Suisse tiến thêm 8,3%.

Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 109,91 điểm, tương đương 2,26%, đóng cửa ở mức 4.980,25, giảm 2,12% so với tuần trước, khối lượng giao dịch phiên này đạt 2,45 tỷ cổ phiếu.

Chỉ số DAX của Đức phiên này lên 2,41%, đóng cửa ở mức 5.797,03, thấp hơn tuần trước 4,4% giá trị, khối lượng giao dịch đạt 61 triệu cổ phiếu.

Chỉ số CAC 40 của Pháp tiến thêm 2,96%, đóng cửa ở mức 4.080,75, giảm 1,98% so với tuần trước, khối lượng giao dịch đạt 229 triệu cổ phiếu.

Thị trường

Chỉ số

Phiên trước Đóng cửa Tăng / giảm (điểm) Tăng / giảm (%)
Mỹ Dow Jones 10.482,80 10.325,40 Down157,47 Down 1,50
Nasdaq 1.976,72 1.947,39 Down  29,33 Down 1,48
S&P 500 1.114,28 1.099,23 Down  15,05  Down 1,35
Anh FTSE 100 4.870,34 4.980,25  Up109,91 Up 2,26
Đức DAX 5.660,63 5.797,03 Up136,40 Up 2,41
Pháp CAC 40 3.963,28 4.080,75  Up117,47 Up 2,96
Đài Loan Taiwan Weighted 5.703,72 5.742,23 Up  38,51 Up 0,68
Nhật Nikkei 225 11.154,76 10.938,14 Down216,62 Down 1,94
Hồng Kông Hang Seng 18.211,11 17.682,40 Down528,71 Down 2,90
Hàn Quốc KOSPI Composite 1.419,65 N/A N/A N/A
Singapore Straits Times 2.363,60 2.297,12 Down 66,48 Down 2,81
Trung Quốc Shanghai Composite 2.293,78 N/A N/A N/A
Nguồn:  CNBC, Thomson Reuters, Bloomberg