Vì sao doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm hàng loạt công ty nông nghiệp lớn?
Trong một thập kỷ qua, doanh nghiệp Trung Quốc đã mua lại gần 300 công ty nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm nước ngoài
Trung Quốc đã và đang mạnh tay mua lại các công ty nông nghiệp lớn của thế giới trong mấy năm gần đây. Trang CNN Money cho biết, điều này đã dẫn tới nhiều lo ngại.
Cách đây hai tuần, tập đoàn hóa chất quốc doanh Chem China của Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD mua lại công ty sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống khổng lồ Syngenta của Thụy Sỹ. Đây là vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tiếp đó, vào hôm thứ Ba vừa rồi, công ty hóa chất Dow Chemical của Mỹ tuyên bố rằng một quỹ đầu tư nông nghiệp có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc sẽ trả 1,1 tỷ USD để thâu tóm mảng hạt giống ngô và nghiên cứu nông nghiệp của công ty này ở Brazil.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Dealogic, trong vòng một thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã chi tổng cộng 91 tỷ USD để mua lại gần 300 công ty nước ngoài trong các lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm.
Các chuyên gia nói rằng những cuộc thâu tóm doanh nghiệp ngành nông nghiệp là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng cung cấp lương thực-thực phẩm cho dân số gần 1,4 tỷ người của nước này. Khi mức sống của người Trung Quốc ngày càng tăng và người dân có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm thịt hơn, nước này cần nguồn cung thức ăn chăn nuôi lớn hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn phải đối mặt với những thách thức lớn khác: lực lượng lao động ngành nông nghiệp nước này đang lão hóa nhanh, tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu, chất lượng đất suy giảm - theo ông Rob Bailey, một chuyên gia về an ninh lương thực thuộc viện nghiên cứu chính sách Chatham House.
Chưa kể, năng suất nông nghiệp tại các trang trại của Trung Quốc chỉ ở mức thấp do phương thức canh tác lỗi thời, theo ông Brett Stuart, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập công ty Global AgriTrends.
Ông Stuart nhận định, những vụ mua lại mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy Trung Quốc muốn thâu tóm bí quyết khoa học cần thiết để nâng cao năng suất mùa màng trong nước.
“Trung Quốc đang cố gắng thâu tóm tri thức”, ông Stuart nói. “Tôi cho rằng những động thái này cho thấy họ đang cố gắng nhiều nhất có thể để có thể tự đảm bảo được nguồn cung lương thực… Nguồn lương thực được xuất khẩu trên thế giới là không đủ cho Trung Quốc nếu nước này gặp khủng hoảng lương thực”.
Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đề cao việc đề phòng trường hợp xảy ra thiếu lương thực. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc từng trải qua thời kỳ thiếu lương thực nghiêm trọng trong giai đoạn “đại nhảy vọt” hồi cuối thập niên 1950. Các nhà lịch sử học cho rằng hàng chục triệu người đã chết trong nạn đói đó, nhưng đây vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc.
Các vụ mua lại của Trung Quốc trong ngành nông nghiệp là phục vụ cho lợi ích của nước này, nhưng cũng dẫn tới lo ngại rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hiện đại.
“Các quốc gia ngày càng lo về chuyện làm thế nào họ có thể tiếp tục tiếp cận với nguồn cung lương thực nếu xảy ra một vụ mất mùa lớn”, ông Bailey nói.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty nông nghiệp ở nước ngoài là những doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Nếu xảy ra thiếu lương thực, không thể loại trừ khả năng những công ty này sẽ “bỏ qua” hợp đồng kinh doanh và thay vào đó đưa lương thực về thị trường Trung Quốc.
Những lo ngại về an ninh quốc gia đã được đề cập vào năm 2013 khi công ty Shuanghui International của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất thịt lợn Smithfield Foods của Mỹ. Tuy nhiên, ông Stuart cho biết, theo thỏa thuận, sản lượng thịt lợn của Smithfield sau vụ mua lại này không được thay đổi nhiều và không được chuyển về Trung Quốc.
“Khi Trung Quốc tiếp tục mua thêm ngày càng nhiều tài sản nông nghiệp ở nước ngoài, thì vấn đề này sẽ càng được quan tâm”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất đang cố gắng tăng cường sức mạnh nông nghiệp. Những nước như Saudi Arabia và Nhật Bản cũng đều đã và đang mua lại các công ty trong chuỗi cung cấp lương thực toàn cầu, nhưng các vụ mua lại không đình đám như của Trung Quốc, theo ông Bailey.
Cách đây hai tuần, tập đoàn hóa chất quốc doanh Chem China của Trung Quốc đã hoàn tất thương vụ trị giá 44 tỷ USD mua lại công ty sản xuất thuốc trừ sâu và hạt giống khổng lồ Syngenta của Thụy Sỹ. Đây là vụ thâu tóm ở nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp Trung Quốc.
Tiếp đó, vào hôm thứ Ba vừa rồi, công ty hóa chất Dow Chemical của Mỹ tuyên bố rằng một quỹ đầu tư nông nghiệp có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc sẽ trả 1,1 tỷ USD để thâu tóm mảng hạt giống ngô và nghiên cứu nông nghiệp của công ty này ở Brazil.
Theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Dealogic, trong vòng một thập kỷ qua, các công ty Trung Quốc đã chi tổng cộng 91 tỷ USD để mua lại gần 300 công ty nước ngoài trong các lĩnh vực nông nghiệp, hóa chất và thực phẩm.
Các chuyên gia nói rằng những cuộc thâu tóm doanh nghiệp ngành nông nghiệp là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng cung cấp lương thực-thực phẩm cho dân số gần 1,4 tỷ người của nước này. Khi mức sống của người Trung Quốc ngày càng tăng và người dân có nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm thịt hơn, nước này cần nguồn cung thức ăn chăn nuôi lớn hơn.
Tuy nhiên, Trung Quốc còn phải đối mặt với những thách thức lớn khác: lực lượng lao động ngành nông nghiệp nước này đang lão hóa nhanh, tình trạng ô nhiễm, biến đổi khí hậu, chất lượng đất suy giảm - theo ông Rob Bailey, một chuyên gia về an ninh lương thực thuộc viện nghiên cứu chính sách Chatham House.
Chưa kể, năng suất nông nghiệp tại các trang trại của Trung Quốc chỉ ở mức thấp do phương thức canh tác lỗi thời, theo ông Brett Stuart, Giám đốc điều hành kiêm nhà đồng sáng lập công ty Global AgriTrends.
Ông Stuart nhận định, những vụ mua lại mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy Trung Quốc muốn thâu tóm bí quyết khoa học cần thiết để nâng cao năng suất mùa màng trong nước.
“Trung Quốc đang cố gắng thâu tóm tri thức”, ông Stuart nói. “Tôi cho rằng những động thái này cho thấy họ đang cố gắng nhiều nhất có thể để có thể tự đảm bảo được nguồn cung lương thực… Nguồn lương thực được xuất khẩu trên thế giới là không đủ cho Trung Quốc nếu nước này gặp khủng hoảng lương thực”.
Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đề cao việc đề phòng trường hợp xảy ra thiếu lương thực. Tuy nhiên, vấn đề này đặc biệt nhạy cảm đối với Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới.
Trung Quốc từng trải qua thời kỳ thiếu lương thực nghiêm trọng trong giai đoạn “đại nhảy vọt” hồi cuối thập niên 1950. Các nhà lịch sử học cho rằng hàng chục triệu người đã chết trong nạn đói đó, nhưng đây vẫn là một chủ đề cấm kỵ ở Trung Quốc.
Các vụ mua lại của Trung Quốc trong ngành nông nghiệp là phục vụ cho lợi ích của nước này, nhưng cũng dẫn tới lo ngại rằng điều đó có thể ảnh hưởng đến các quốc gia khác trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng lương thực hiện đại.
“Các quốc gia ngày càng lo về chuyện làm thế nào họ có thể tiếp tục tiếp cận với nguồn cung lương thực nếu xảy ra một vụ mất mùa lớn”, ông Bailey nói.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm công ty nông nghiệp ở nước ngoài là những doanh nghiệp có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Nếu xảy ra thiếu lương thực, không thể loại trừ khả năng những công ty này sẽ “bỏ qua” hợp đồng kinh doanh và thay vào đó đưa lương thực về thị trường Trung Quốc.
Những lo ngại về an ninh quốc gia đã được đề cập vào năm 2013 khi công ty Shuanghui International của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất thịt lợn Smithfield Foods của Mỹ. Tuy nhiên, ông Stuart cho biết, theo thỏa thuận, sản lượng thịt lợn của Smithfield sau vụ mua lại này không được thay đổi nhiều và không được chuyển về Trung Quốc.
“Khi Trung Quốc tiếp tục mua thêm ngày càng nhiều tài sản nông nghiệp ở nước ngoài, thì vấn đề này sẽ càng được quan tâm”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nước duy nhất đang cố gắng tăng cường sức mạnh nông nghiệp. Những nước như Saudi Arabia và Nhật Bản cũng đều đã và đang mua lại các công ty trong chuỗi cung cấp lương thực toàn cầu, nhưng các vụ mua lại không đình đám như của Trung Quốc, theo ông Bailey.