16:37 16/05/2022

Vì sao lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ khiến Mỹ và châu Âu lo sợ?

Điệp Vũ

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách cải thiện chuỗi cung ứng lương thực, sau khi lệnh cấm xuất khẩu Ấn Độ và một số quốc gia khác khiến cho vấn đề khan hiếm lương thực trên toàn cầu trở nên căng thẳng hơn...

Thu hoạch lúa mì ở Ấn Độ - Ảnh: BBC.
Thu hoạch lúa mì ở Ấn Độ - Ảnh: BBC.

Cuối tuần vừa rồi, ngoại trưởng nhóm 7 nền công nghiệp phát triển (G7) cảnh báo rằng chiến tranh ở Ukraine đang làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng đói trên toàn cầu. Đó là bởi chiến tranh khiến Ukraine không thể xuất khẩu ngũ cốc, phân bón và dầu thực vật. Ngoài ra, chiến sự cũng phá huỷ mùa màng và cản trở việc gieo trồng vụ mới ở nước này.

Việc nguồn cung những mặt hàng trên trở nên thắt chặt đang làm khó nhiều quốc gia trên thế giới vì khiến giá tiêu dùng leo thang ngày càng mạnh. Một số nước, do muốn đảm bảo nguồn cung trong nước, đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu. Chẳng hạn, Ấn Độ vào hôm thứ Bảy vừa rồi công bố cấm xuất khẩu lúa mì “để quản lý tình hình an ninh lương thực nói chung trong nước”.

“Đây là một vấn đề rất đáng lo ngại”, ông Valdis Dombrovskis – quan chức phụ trách vấn đề thương mại của EU – nói với kênh CNBC về biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực của nhiều quốc gia, trong đó có Ấn Độ.

“Chúng tôi đã nhất trí với Mỹ về hợp tác và phối hợp các giải pháp trong lĩnh vực này. Chiến tranh ở Ukraine và sự gia tăng giá lương thực do chiến tranh đang dẫn tới mối lo về an ninh lương thực, khiến nhiều quốc gia bắt đầu đặt ra các biện pháp hạn chế. Chúng tôi cho rằng đây là một khuynh hướng chỉ có thể khiến cho vấn đề thêm phần trầm trọng”, ông Dombrovskis phát biểu, đề cập đến những lệnh cấm như việc Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ hay Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì.

Việc đặt ra những biện pháp như vậy có thể đẩy giá hàng hoá cơ bản tăng cao, trong đó có giá lương thực. Đối với EU, đây là vấn đề lạm phát giá lương thực – ông Dombrovski giải thích.

Vào ngày thứ Hai (16/5), Mỹ và EU sẽ có các cuộc thảo luận tại Pháp về hoạt động của Hội đồng Thương mại và Kỹ thuật (TTC) song phương. Đây là cơ quan được thiết lập vào năm 2021 nhằm khôi phục quan hệ kinh tế và thương mại xuyên Đại Tây Dương sau những đòn thuế quan ăn miếng trả miếng và bất đồng gay gắt thời Tổng thống Mỹ Donald Trump giữa hai đồng minh lâu năm. Cải thiện chuỗi cung ứng lương thực dự kiến sẽ là một chủ đề của các cuộc thảo luận lần này.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra sau khi một đợt sóng nhiệt kỷ lục gây sụt giảm sản lượng và đẩy giá lúa mì ở nước này tăng vọt. Dù áp lệnh cấm, Ấn Độ vẫn sẽ cung cấp lúa mì cho những nước có lời đề nghị từ chính phủ. Những lô lúa mì xuất khẩu đã có thư tín dụng (L/C) không thể thu hồi cũng vẫn được vận chuyển.

Giá lúa mì giao sau tại sàn Chicago Board of Trade của Mỹ đã tăng vọt sau khi Ấn Độ đưa ra lệnh cấm nói trên, từ mức dưới 1.200 cent/giạ lên xấp xỉ 1.250 cent/giạ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng đây có thể chỉ là phản ứng tức thời của thị trường và các nhà giao dịch cần có thêm thời gian để hiểu rõ chi tiết và ảnh hưởng thực sự của lệnh cấm.

Giá lúa mì ở Chicago Board of Trade tăng vọt sau khi có lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ. Đơn vị: cent/giạ.
Giá lúa mì ở Chicago Board of Trade tăng vọt sau khi có lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ. Đơn vị: cent/giạ.

Ai Cập, một trong những nước nhập khẩu nhiều lúa mì nhất thế giới, ngày 15/5 nói rằng các hợp đồng mua lúa mì giữa Chính phủ Ai Cập với phía Ấn Độ không nằm trong lệnh cấm. Gần đây, nước này đã nhất trí mua 500.000 tấn lúa mì từ Ấn Độ.

“Điều này có nghĩa là thế giới không mất hoàn toàn nguồn cung lúa mì xuất khẩu của Ấn Độ. Chẳng qua là dòng chảy thương mại thay đổi, và khối lượng xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ có thể giảm mà thôi”, nhà phân tích Dennis Voznesenski thuộc Rabobank nhận định.

Ngoài ra, theo ông Voznesenski, vụ thu hoạch lúa mì ở châu Âu, Bắc Mỹ và Nga sẽ sớm bắt đầu, giúp giải toả tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường lúa mì vật chất và qua đó giúp giảm bớt áp lực lạm phát.

Tuy nhiên, động thái của Ấn Độ là một dấu hiệu quan trọng cho thấy các hợp đồng thuơng mại giữa chính phủ với chính phủ sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, khi lương thực ngày càng được xem là một công cụ chính trị - vị chuyên gia nhấn mạnh. “Thay vì được bán cho người trả giá cao nhất, lúa mì sẽ được vận chuyển đến nơi mà chính phủ của nước bán mong muốn”, ông Voznesenski phát biểu.