17:17 09/08/2023

Vì sao phải xác thực người dùng mạng xã hội Facebook, Tiktok bằng số điện thoại?

Đỗ Phong

Việc đề xuất bổ sung quy định xác thực người dùng trên mạng xã hội bằng số điện thoại là phù hợp với xu thế, đồng thời, hỗ trợ, thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực hiện giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 72/2013/NĐ-CP (Nghị định 72) về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến người dân có đề xuất quy định về việc xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội tại Việt Nam qua số điện thoại di động.

GIÁM SÁT, PHÁT HIỆN, XỬ LÝ CÁC HÀNH VI VI PHẠM

Chia sẻ tại họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông chiều tối ngày 8/8/2023, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, hiện nay trên mạng xã hội có 3 hình thức xác thực người dùng phổ biến gồm email, số điện thoại di động và số chứng minh thư/căn cước công dân. Trong đó, hình thức phổ biến nhất là xác thực bằng email và số điện thoại di động.

Theo bà Huyền, các mạng xã hội trong nước đã thực hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại di động (khoảng 30%), bằng email (khoảng 30%), hoặc chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại (khoảng 40%).

Đối với các mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube hiện xác thực người dùng bằng số điện thoại, Twitter sử dụng email. Riêng với Facebook, người dùng có thể lựa chọn 1 trong 2 hình thức email hoặc số điện thoại. Với Tiktok, nền tảng này cho phép người dùng đăng ký bằng hình thức nào thì xác thực qua hình thức đó (tài khoản mạng xã hội khác, email hoặc số điện thoại).

Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về việc đề xuất quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội tại Việt Nam qua số điện thoại di động.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông, nói về việc đề xuất quy định xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội tại Việt Nam qua số điện thoại di động.

Xuất phát từ thực tiễn và dự trên kinh nghiệm quốc tế, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, ban soạn thảo nhận thấy cần tham mưu đề xuất phương pháp quy định xác thực người dùng mạng xã hội thông qua số điện thoại.

Phân tích lý do cho đề xuất này, bà Huyền cho rằng, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có xu hướng gia tăng và xảy ra ở khắp các tỉnh thành. Cùng với đó, vấn đề này còn xuất phát từ yêu cầu của cơ quan quản lý và nhu cầu của người dân cần phải quản lý chặt các tài khoản mạng xã hội.

Do đó, việc đề xuất bổ sung quy định xác thực người dùng trên mạng xã hội bằng số điện thoại sẽ thuận lợi cho các cơ quan chức năng thực hiện giám sát, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm.

Mạng xã hội hiện có mức độ ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa nhanh và rộng nên với việc định danh, người dùng sẽ giúp nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng khi cung cấp thông tin, nội dung trên môi trường mạng, nhất là khi nội dung đăng tải gắn với một cá nhân cụ thể.

Ngoài ra, việc bổ sung quy định xác thực người dùng bằng số điện thoại di động là để phù hợp, đồng bộ với các quy định hiện hành. Theo đó, Luật An ninh mạng của Việt Nam quy định yêu cầu xác thực thông tin người dùng, đăng ký tài khoản số, bảo mật thông tin tài khoản người dùng, cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng của Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.

Đại diện Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nhấn mạnh, đây là những cơ sở cho việc đề xuất bổ sung quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72.

Bên cạnh đó, hiện nay, người dùng dịch vụ đang có xu hướng chuyển từ máy tính (PC) sang di động (mobile). Vì vậy cần phải thay đổi phương thức xác thực. Nếu như trước đây chủ yếu xác thực bằng email thì hiện nay các mạng xã hội trong và ngoài nước đã chuyển sang xác thực bằng số điện thoại di động cho phù hợp thực tế và tạo thuận lợi cho người dùng. Việc yêu cầu xác thực người dùng mạng xã hội qua số điện thoại có tính khả thi cao khi các mạng xã hội trong và ngoài nước đều đang thực hiện các quy định và sử dụng hình thức xác thực này, bà Huyền nói.

Thực tế hiện nay một số nước như Trung Quốc đã yêu cầu các mạng xã hội phải xác thực bằng ID người dùng. Tại Nga cũng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải xác thực người dùng qua số điện thoại người dùng.  Ấn Độ cũng quy định các mạng xã hội phải thiết lập cơ chế để xác thực danh tính tài khoản người dùng.

Một số ý kiến nhận xét, việc quy định xác thực người dùng mạng xã hội qua số điện thoại phù hợp với xu thế phát triển, đồng thời có tác động tích cực tới người dùng và các mạng xã hội tại Việt Nam.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP XỬ LÝ KHẨN CẤP CÁC HÀNH VI VI PHẠM LIVESTREAM

Ngoài ra, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 72, đã đề xuất quy định "cắt" đường truyền internet đối với một số tổ chức, cá nhân vi phạm khi cung cấp thông tin lên mạng như livestream. Bà Huyền chia sẻ thêm, livestream là một tính năng mới trên mạng xã hội được phát triển mạnh trong thời gian gần đây, đặc biết hỗ trợ hiệu quả cho các hoạt động bán hàng online, quảng cáo.

Tuy nhiên, gần đây, một số tổ chức, cá nhân lợi dụng tính năng livestream trên mạng xã hội để tuyên tuyền chống phá Đảng và Nhà nước, đưa thông tin sai sự thật, bôi nhọ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, uy tín của các tổ chức, cá nhân…

Đề xuất quy định "cắt" đường truyền internet đối với một số tổ chức, cá nhân vi phạm khi cung cấp thông tin lên mạng như livestream.
Đề xuất quy định "cắt" đường truyền internet đối với một số tổ chức, cá nhân vi phạm khi cung cấp thông tin lên mạng như livestream.

Khi livestream, các tổ chức, cá nhân có thể thông báo trước nhưng cũng có trường hợp livestream bất ngờ, không thông báo trước. Các nội dung liveatream rất khó để kiểm soát được mức độ vi phạm trước khi cung cấp tới người dùng.

Do đó, để tăng cường hiệu quả xử lý các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ internet trong đó có livestream thực hiện các hành vi vi phạm, cơ quan soạn thảo đã đề xuất bổ dung thêm biện pháp để xử lý nhanh, khẩn cấp bằng hình thức dừng cung cấp internet các đối tượng vi phạm trên môi trường mạng trong dự thảo nghị định thay thế nghị định 72.

“Đây là biện pháp mạnh và cần thiết để hạn chế việc cung cấp các nội dung vi phạm trong một số tình huống”. Tuy nhiên, đại diện Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho rằng việc dừng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet chỉ là một trong các biện pháp bổ sung để xử lý ngay lập tức các tình huống vi phạm được phát hiện trên môi trường mạng, chứ chưa phải là biện pháp triệt để.

Hiện nay, cơ quan soạn thảo đang lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan trên cơ sở thống nhất các quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ internet để xây dựng quy trình triển khai trong thực tế.

Bà Huyền nhấn mạnh, về nguyên tắc, livestream là một hình thức cung cấp thông tin trên mạng. Do đó các tổ chức, cá nhân khi cung cấp các dịch vụ phải tuân thủ, không vi phạm các quy định cung cấp nội dung trên môi trường mạng cũng như các quy định pháp luật chuyên ngành.