23:02 26/11/2014

Vì sao tôn, thép giả tràn ngập thị trường?

Song Hà

“Chúng tôi biết hết, doanh nghiệp nào làm giả, làm nhái, nhưng chưa muốn lên tiếng”, lãnh đạo một doanh nghiệp nói

Quang cảnh hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phối hợp tổ chức hôm 26/11.<br>
Quang cảnh hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phối hợp tổ chức hôm 26/11.<br>
Vấn nạn tôn, thép giả đang khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính, người tiêu dùng cũng như cả nền kinh tế thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì xem ra vẫn chưa có câu trả lời thoả đáng.

“Khách hàng bị móc túi trắng trợn”


Hàng loạt ý kiến thẳng thắn đã được đưa ra tại hội thảo “Vấn nạn gian lận thương mại trong thị trường tôn thép: Nhận diện và quản lý” do Thời báo Kinh tế Việt Nam và Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) phối hợp tổ chức hôm 26/11.

Phó chủ tịch VSA Nguyễn Văn Sưa nói, hiện tượng tôn nhái, tôn giả đã xuất hiện trên một diện rộng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Trong đó nổi lên là tình trạng in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín trong ngành thép in lên hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy định về quy cách, kích thước, chất lượng, không xuất hoá đơn…

Tình trạng nhập hàng Trung Quốc chất lượng kém rồi in nhãn mác, thương hiệu của các doanh nghiệp uy tín tại Việt Nam để tiêu thụ cũng được không ít doanh nghiệp áp dụng.

Còn theo Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Lê Phước Vũ, theo ước tính của doanh nghiệp này, với vấn nạn tôn giả đang lộng hành hiện nay, người tiêu dùng đã bị “móc túi” một cách trắng trợn.

Cụ thể, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 - 6.000 đồng/m tôn giả. Với một ước tính thận trọng, khoảng 20% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái tương đương khoảng 346 nghìn đồng/1,73 triệu tấn, thì số tiền thiệt hại ít nhất là 400 tỷ đồng.

Và điều quan trọng hơn, đối với chất lượng công trình, dù là dân dụng hay công nghiệp, nếu mua phải tôn giả, tôn kém chất lượng, không đủ độ dày… sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của công trình sau khi đưa vào sử dụng.

“Chúng tôi biết hết, doanh nghiệp nào làm giả, làm nhái, nhưng chưa muốn lên tiếng. Có doanh nghiệp cũng không muốn gian dối, nhưng vì những doanh nghiệp xung quanh đều làm thế nên họ cũng phải theo. Chúng tôi muốn khi tới đây, những doanh nghiệp gian dối sẽ tự thay đổi cách nghĩ, cách làm, còn nếu không thì buộc chúng tôi phải báo cáo lên cơ quan quản lý”, ông Vũ nói.

Theo một lãnh đạo của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, do tính đặc thù của mặt hàng tôn, sắt thép nên thường những người trong ngành sản xuất hay xây dựng mới am hiểu tính năng kỹ thuật từng loại, còn đối với phần lớn người tiêu dùng thì có thể nói sự hiểu biết về mặt hàng này còn rất hạn chế.

Khi nhà thầu không minh bạch nào đó đưa vào công trình các cọc bê tông, các loại thép giả, không đúng quy chuẩn, nếu giám sát thi công không đủ chuyên môn thì khó phát hiện và cuối cùng mối nguy tiềm tàng này sẽ là do người tiêu dùng gánh chịu.

Bên nào cũng có lỗi?


Buổi hội thảo càng trở nên sôi nổi hơn khi các đại biểu mổ xẻ nguyên nhân của vấn nạn.

Đại diện một số doanh nghiệp và hiệp hội cho rằng, để tình trạng này diễn ra trên diện rộng có phần trách nhiệm thuộc các cơ quan quản lý, mà cụ thể là cơ quan hải quan và quản lý thị trường chưa làm hết trách nhiệm của mình.

Tuy nhiên, phản hồi lại, ông Trần Việt Hưng, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho rằng, khi làm các thủ tục thông quan hàng nhập khẩu thì gần như 100 sắt thép đều đạt điều kiện nhập khẩu. Do đó, cơ quan hải quan không thể khẳng định là những mặt hàng đó có bị ảnh hưởng đến chất lượng khi sử dụng hay không.

Hơn nữa, việc kiểm tra, xác minh các sản phẩm sắt thép là một thách thức lớn và khó thực thi vì đơn giản, một container hàng sắt thép thì cơ quan hải quan không thể dỡ ra hết, sau đó cắt ra lấy mẫu để đi kiểm định độ dày, chất lượng, sơn phủ… như thế nào.

“Thực tế thì đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa nhận được phản ánh nào của doanh nghiệp về chất lượng các sản phẩm tôn thép khi thông quan”, ông Hưng nói.

Trong khi đó, theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu, trách nhiệm chống hàng giả, hàng nhái có phần lỗi thuộc về chính các doanh nghiệp trong ngành tôn, thép.
 
Bởi đơn giản, ngay với việc liên kết, hợp tác với nhau thông qua một tổ chức chính thống là hiệp hội, đến thời điểm này các doanh nghiệp vẫn bàng quan. Minh chứng rõ nhất là đến thời điểm này, chỉ có một doanh nghiệp trong ngành tham gia hiệp hội chống hàng giả.

Thậm chí, theo ông Bảo, liệu các doanh nghiệp tôn, thép làm ăn chân chính, có thương hiệu lớn như Hoa Sen, Thăng Long, Phương Nam… dù sản phẩm có chất lượng tốt, nhưng liệu mức giá đã phù hợp chưa?

“Nhiều người dân hiện nay vẫn mua những mặt hàng kém chất lượng, nhưng giá cả chỉ bằng 1/3 sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng. Họ bằng lòng với chất lượng của các sản phẩm đó, thậm chí chỉ là hàng giả, hàng nhái, hàng giá rẻ từ Trung Quốc”, một đại biểu nói.

Tranh luận về trách nhiệm thuộc bên nào khi để vấn nạn tôn, thép giả hoành hành trên thị trường dường như vẫn chưa có hồi kết, bởi mỗi bên đều đưa ra những phản biện riêng cho mình.

Chính vì thế, theo Chủ tịch Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ, chỉ có sự vào cuộc đồng bộ và quyết liệt, liên tục của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, người tiêu dùng và đặc biệt là của báo chí, truyền thông, thì “may ra” vấn nạn tôn, thép giả mới cho thể nhanh chóng bị đẩy lùi.