14:56 03/01/2025

Viện VEPR: Kinh tế tăng trưởng ổn định nhưng rủi ro vẫn tiềm ẩn trong năm 2025

Phương Hoa

Nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam trong năm qua được đánh giá là đã duy trì mức tăng trưởng ổn định, tuy nhiên, khi bước sang năm 2025, nhiều thách thức tiềm ẩn vẫn đang chờ đợi, đặt ra những rủi ro đáng kể đối với đà phục hồi và phát triển kinh tế...

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày báo cáo tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) trình bày báo cáo tại tọa đàm. Ảnh: Việt Dũng.

Ngày 3/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam phối hợp tổ chức tọa đàm “Kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”. 

Báo cáo của VEPR chỉ ra rằng nhiều rủi ro tiềm ẩn vẫn hiện hữu, có thể tạo ra những lực cản đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2025.

KINH TẾ TOÀN CẦU NĂM 2024 HẠ CÁNH MỀM

Về kinh tế toàn cầu, VEPR cho rằng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 được đánh giá hạ cánh mềm sau giai đoạn đầy biến động của đại dịch Covid-19. Cụ thể, tăng trưởng GDP của nền kinh tế của Hoa Kỳ dự báo đạt 2,8% trong năm 2024, nhờ vào sự bứt phá ấn tượng trong 11 tháng đầu năm và sự phục hồi đáng kể của chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Tại khu vực EU, GDP được kỳ vọng tăng trưởng 1,3%, trong khi nền kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng chậm lại, chỉ đạt khoảng 4,7% trong năm nay.

Báo cáo cũng nhấn mạnh xu hướng lạm phát giảm nhanh tại hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, lạm phát trong quý 3/2024 có dấu hiệu tăng nhẹ, từ mức 2,5% vào tháng 9 tăng lên 2,7% vào tháng 11. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc ghi nhận tỷ lệ lạm phát giảm xuống 0,2% trong tháng 11, thấp hơn dự báo và chạm đáy kể từ tháng 6, cho thấy nguy cơ giảm phát bất chấp các biện pháp kích thích từ chính phủ. Trong khi đó, Nhật Bản chứng kiến lạm phát tăng lên 2,9% vào tháng 11, chủ yếu do giá thực phẩm tăng mạnh nhất trong vòng 8 tháng qua.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), lạm phát toàn cầu năm 2024 đã giảm nhờ các chính sách thắt chặt tiền tệ, giá năng lượng duy trì ở mức thấp và áp lực chuỗi cung ứng được giải tỏa.

“Tuy nhiên, trong những năm tới, lạm phát toàn cầu có thể chịu ảnh hưởng từ các căng thẳng địa chính trị và xu hướng hạn chế tự do thương mại”, ông Việt nhấn mạnh.

Về tăng trưởng trong các lĩnh vực kinh tế cụ thể, khu vực sản xuất toàn cầu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ vào đầu năm 2024 nhưng có dấu hiệu chững lại vào cuối năm, với Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) sản xuất tháng 12 chỉ đạt 49,4.

Về thương mại, hoạt động thương mại toàn cầu đang trên đà phục hồi mạnh mẽ và dự kiến sẽ đạt mức cao kỷ lục gần 33 nghìn tỷ USD trong năm 2024, tăng thêm 1 nghìn tỷ USD so với năm 2023. Song song với đó, nền kinh tế thế giới cũng chứng kiến làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn.

Dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu. Nguồn: VEPR
Dự báo triển vọng tăng trưởng GDP toàn cầu. Nguồn: VEPR

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu cũng đã phục hồi đáng kể, đạt 802 tỷ USD trong nửa đầu năm 2024, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 8% so với nửa cuối năm 2023. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2021-2022.

Nhìn về triển vọng tăng trưởng toàn cầu năm 2025, báo cáo của VEPR  chỉ ra rằng các rủi ro đối với lạm phát và tăng trưởng vẫn tiếp tục gia tăng. Các yếu tố đáng lo ngại bao gồm căng thẳng địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ thương mại và biến đổi khí hậu, tất cả đều có thể đẩy lạm phát lên cao và kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. 

“Chính sách bảo hộ thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có thể dẫn đến sự phân mảnh nền kinh tế toàn cầu và làm suy giảm năng suất”, ông Việt nhận định.

TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ VIỆT NAM ỔN ĐỊNH NHƯNG RỦI RO VẪN TIỀM ẨN

Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 cũng ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, với động lực xuất khẩu tiếp tục được duy trì bền vững. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước tính đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng 14,4%, trong khi nhập khẩu tăng 16,4%. Cán cân thương mại hàng hóa duy trì thặng dư ở mức 24,31 tỷ USD, cho thấy sự cải thiện rõ nét trong hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế.

Từ đầu năm 2024, đầu tư tư nhân đã bắt đầu phục hồi sau đại dịch Covid-19. Trong quý 3/2024, vốn đầu tư tư nhân tăng trưởng 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, mức tăng đạt 7,1%, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp trong nước nhờ lãi suất cho vay ở mức thấp và nhu cầu thị trường quốc tế gia tăng.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong 11 tháng, giai đoạn 2020 - 2024. Nguồn: GSO
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam trong 11 tháng, giai đoạn 2020 - 2024. Nguồn: GSO

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Tính đến ngày 30/11/2024, tổng vốn FDI đăng ký đạt 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn FDI thực hiện đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1%, đánh dấu mức giải ngân cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam cũng được đánh giá là đang trên đà phục hồi sau ảnh hưởng của bão Yagi. Tính chung 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò đầu tàu với mức tăng 9,7%, bù đắp cho sự sụt giảm 7,3% của ngành khai khoáng.

“Bên cạnh đó, PMI sản xuất của Việt Nam giảm nhẹ xuống 50,8 vào tháng 11/2024 từ mức 51,2 trong tháng 10, nhưng đây là tháng thứ hai liên tiếp hoạt động sản xuất của các nhà máy ghi nhận tăng trưởng sau đợt suy giảm do ảnh hưởng của bão Yagi hồi tháng 9”, ông Việt cho hay.

Mặc dù tăng trưởng trong một số lĩnh vực khá ổn định, một số lĩnh vực vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Trong đó, tiêu dùng nội địa của Việt Nam vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cụ thể, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.822,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng chủ yếu chỉ đến từ doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống với mức tăng 13,0%, cùng doanh thu du lịch lữ hành tăng 17,3%.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Nhìn lại kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”. Ảnh: Việt Dũng.
Các chuyên gia tham dự tọa đàm “Nhìn lại kinh tế vĩ mô Việt Nam: Nhìn lại 2024 và triển vọng 2025”. Ảnh: Việt Dũng.

Về triển vọng tăng trưởng năm 2025, các dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đều cho thấy sự đồng thuận về tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam, với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 6,5% trong năm 2025. Những động lực quan trọng như đầu tư công, đầu tư tư nhân và hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. 

Dẫu vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2025 cũng đối diện không ít rủi ro với các biến động của kinh tế toàn cầu, cùng xu hướng bảo hộ thương mại từ Hoa Kỳ và các nền kinh tế lớn có thể tạo áp lực lên đà tăng trưởng của Việt Nam.

Cùng với đó, mặc dù lạm phát năm 2024 được dự báo duy trì dưới 4,5%, áp lực từ giá dầu, biến động giá hàng hóa toàn cầu và tỷ giá hối đoái có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu và sức mua trong nước trong thời gian tới.

“Các xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại và cạnh tranh công nghệ ngày càng gay gắt có nguy cơ làm phân mảnh nền kinh tế thế giới sẽ có thể tác động không nhỏ đến những quốc gia có độ mở kinh tế cao như Việt Nam”, ông Việt phân tích.

Về dài hạn, biến đổi khí hậu và tình trạng già hóa dân số nhanh chóng cũng đang nổi lên như những thách thức lớn đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô và triển vọng phát triển bền vững của Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong năm 2025, đồng USD suy yếu cùng chính sách giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, đặc biệt vào thị trường Hoa Kỳ. Việt Nam có thể tận dụng các chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ để nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần trên trường quốc tế”, ông Việt gợi ý.